Ai cũng phải ngỡ ngàng
“Cái ban công bé tí tẹo đứng còn nhường nhau mà bày đặt trồng rau”, “Ôi giời ơi, người ta có đất vườn rộng mới trồng được rau chứ có mấy mét vuông thế này trồng ai ăn ai nhịn”, “Cứ bày ra rồi ba bảy hai mươi mốt ngày lại vứt đấy, chỉ tốn tiền đầu tư mà chẳng có gì ăn đâu. Tiền đấy đi mua ăn cả năm không hết”…đấy là những lời khuyên mà chị Chang Nguyễn (35 tuổi, quê tại thủ đô Hà Nội) đã nghe nhiều nhất lúc chị mới bắt đầu có ý định trồng vườn rau ngay tại chiếc ban công chỉ với diện tích 2.5 m2.
Thế nhưng, vì quyết tâm và muốn có một khu vườn rau củ quả Việt, cũng như để giải trí và thư giãn mùa dịch khi phải ru rú trong nhà ở nơi xứ người, chị Chang Nguyễn đã dành hết tâm huyết để “khai hoang” chiếc ban công mà nói như nhiều người là đứng còn phải nhường nhau vì không đủ diện tích,thành khu vườn nông sản xanh mướt.
“Với một cô gái chưa bao giờ biết nuôi bất kỳ con gì, trồng cây gì thì khi nghe mọi người bàn ra như vậy cũng dễ gây nản chí lắm luôn. Nhưng rồi vẫn quyết tâm để làm. Cuối cùng chắc là mệnh mộc hợp cây hay sao, trộm vía gieo hạt nào lên hạt đó. Và dần dần sau 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng thì trong mơ cũng nhớ lại những câu khen ngọt lòng, vui dạ như “ôi mát tay thế”, “choáng quá, không ngờ đấy” hay “tao phục mày luôn, cho ít bí quyết đi, hay tao cũng làm cái vườn như vậy”…”,chị Chang Nguyễn nhớ lại.
Vì muốn có những loại nông sản Việt nên chị Chang Nguyễn đã chọn mua hạt giống ở những cửa hàng người Việt. Hiện tại khu vườn ban công 2.5m2 của chị Chang Nguyễn ở nơi xứ người đa dạng các loại rau củ quả như củ khoai tây, cà rốt, củ cải đỏ, bầu, bí, ớt chuông, rau muống, mồng tơi, cải thảo, cải cúc, húng chó, mùi tàu, kinh giới, xà lách, rau dăm, basil, hương thảo…
Bí quyết của vườn nông sản 2.5m2
Vì diện tích nhỏ nên để sở hữu được khu vườn đầy đủ các loại nông sản, chị Chang Nguyễn đã có những bí quyết riêng: “Mình tận dụng những vật liệu người ta vứt đi như thanh gỗ, ngăn tủ để làm kệ giá đỡ cho cây tiết kiệm diện tích. Vì diện tích nhỏ nên phải tính toán việc trồng cây gì trước cây gì sau hay luân canh tỉ mỉ để có chỗ trồng và vườn lúc nào cũng có cây xanh liên tục tạo không gian sống xanh. Bầu bí thì mình không làm giàn mà cho leo trực tiếp lên thành lan can để tiết kiệm diện tích. Những cây nào gần thu hoạch mình sẽ cho vào chậu nhỏ để chưng ở một góc tạo không gian ngồi đọc sách và nhường đất trồng cây khác thế vào”.
Bên cạnh đó, dù ở xứ người nhưng chị tận dụng tất cả rác thải nhà bếp như vỏ trứng, ruột cá, nước vo gạo với vỏ chuối để ủ thành phân và bón cho cây trồng.
“Để phòng tránh sâu bệnh mình làm kỹ khâu làm đất mới trồng, phơi đủ nắng, rắc thêm vôi để ngăn nấm bệnh cho đất cung cấp dinh dưỡng, diệt sâu vẽ bùa bằng thuốc lào, diệt ốc sên bằng vỏ trứng baking soda, diệt côn trùng bằng dung dịch tỏi ớt…”, chị Chang Nguyễn kể.
Sống trong dịch bệnh, lại ở nơi xứ người nên khu vườn ban công là không gian để chị Chang Nguyễn cùng gia đình thư giãn mỗi ngày, cũng như để nguôi bớt nỗi nhớ quê nhà. Chị Chang Nguyễn bày tỏ: “Mình làm vườn chủ yếu để giải trí và tạo không gian xanh cho ngôi nhà, cũng là nơi để mỗi buổi chiều các thành viên trong gia đình dùng trà chiều ngắm cảnh, dạy cho các bé con chị cách trồng cây và biết trân trọng sức lao động ngay trên xứ người”.
Nguồn: thanhnien.vn