Chủ động lên phương án bảo vệ gia đình
Vào ngày 7/2, Bộ Y tế Ý công bố công dân Ý đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Ngay lúc này, chị Ngọc Hà đã bắt đầu tính toán mọi việc trước diễn biến của bệnh dịch. Chị Hà chia sẻ:
“Việc đầu tiên của tôi là chuẩn bị lương thực ngay khi Séc chưa có ca nhiễm corona nào. Lúc đó, Ý có người nhiễm và con số tăng rất nhanh. Séc lại gần Ý. Dịch bùng phát đúng kì nghỉ Xuân của trẻ con nên rất nhiều gia đình sang Ý trượt tuyết. Quả nhiên, khoảng 14/3 nhà nước Séc ban lệnh giới nghiêm, người dân chủ yếu ở trong nhà, siêu thị vẫn đầy đủ hàng hoá nhưng vắng người mua. Người dân chuyển sang dùng dịch vụ mua thực phẩm online, eshop đều quá tải và kín lịch ship hàng, nên nhiều người muốn mua online cũng không mua được”.
Về việc tích trữ lương thực, chị Hà cho biết: Do nhà có 3 con, cháu nhỏ nhất mới 5 tuổi; bé lớn 13 tuổi, cô con gái thứ 2 cũng mới 9 tuổi nên việc tích lương thực cũng phải khoa học.
Sữa và nước đóng chai chọn loại hạn dùng dài. Ngoài ra, cần mua thêm sữa công thức, các loại hạt ngũ cốc, thuốc và vitamin đầy đủ.
Đặc biệt, để giảm tải sức chứa của tủ lạnh, cần mua đồ hộp như: pate hộp, thịt hộp, cá hộp, ngô hộp… Nói chung là tất cả các loại đồ ăn nhanh không cần nấu nướng. “Tôi không sợ siêu thị sẽ hết đồ, mà quan trọng là tôi không muốn đi siêu thị lúc dịch lên cao, dễ lây nhiễm chéo cho nhau. Mặt khác đề phòng trường hợp xấu nhất là người lớn trong nhà chẳng may nhiễm corona bị cách ly mà đám trẻ không bị lây bệnh, thì chúng có thể tự túc ăn uống được”.
Chung tay hỗ trợ cộng đồng
Trong suốt quá trình chuẩn bị cho gia đình nhỏ của mình, chị Ngọc Hà cũng đồng thời hỗ trợ cộng đồng người Việt xung quanh. Việc mua lương thực, thuốc men cơ bản tích trữ, mua găng tay, khẩu trang, các loại nước khử trùng, chị đã phổ biến rộng trong nhóm phụ nữ.
Chị giúp mọi người đặt mua online nên nhóm của chị mua được đầy đủ cho cả gia đình và cả nhân viên bán hàng.
Chị chia sẻ:
“Do chủ động nên những nhu cầu thiết yếu của mọi người đã tương đối ổn. Riêng về khẩu trang, nhà chị và rất nhiều nhóm kiều bào tại Séc đã may hàng ngàn khẩu trang vải để tặng cho bạn bè, người thân, hàng xóm, tặng cả bệnh viện và người dân Séc.
Mới đây, trên trang facebook cá nhân, chị Ngọc Hà chia sẻ: Cứ trung bình 10 phút, cô con gái lớn 13 tuổi của chị may xong 1 cái khẩu trang vải.
Khẩu trang này để đem tặng hàng xóm, tặng các bạn trong lớp và để treo trước cổng trường con đang học. Ai cần họ sẽ đến lấy. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ vậy thôi! Mong tất cả chúng ta sẽ bình an vượt qua đại dịch!
Những cá nhân, đơn vị cần hỗ trợ may khẩu trang cho bệnh viện và phát cho dân thì ship vải đến con chị sẽ may giúp.
An yên trong tâm dịch
Nằm trên sofa nghe con gái nhỏ đánh đàn, hướng dẫn con gái lớn làm món bánh dứa đường nâu cho cả nhà ăn sáng, giúp cậu út học bài, đôi ngày lại ra ban công kiểm tra táo, cam… cho các con những trái quả tươi ngon là công việc của chị Hà. Chị tâm sự: mỗi ngày đều được nghe hoà nhạc tại gia đôi ba lần, mọi sinh hoạt vui chơi gói ghém trong 4 bức tường có nhỏ hẹp nhưng không hề buồn chán. Lo lắng thôi đừng sợ hãi. Hãy để dịp nghỉ tránh dịch này là một dịp tốt để rèn luyện thêm các kỹ năng sống cho các con. Thay vì cắm cúi vào điện thoại, ipad, hãy nấu nướng, dọn nhà, cùng nhau vẽ, cùng chơi, cùng nghe nhạc, xem phim. Mỗi ngày đều sẽ rất thú vị và qua nhanh!
“Tôi có lo lắng về dịch bệnh nhưng rất bình tĩnh để phòng bệnh cho tốt. Không hoảng loạn, không sợ hãi, không bi quan quá mức. Với các con cũng vậy, chúng không sợ hãi. Việc nhà trường đóng cửa không ảnh hưởng nhiều đến bọn trẻ, vì hàng ngày đều học online với cô giáo và các bạn. Mỗi ngày các con đều vẽ, đọc sách, chơi đàn nên việc ở nhà cũng không có buồn chán. Việc con may tặng khẩu trang cũng giúp con đỡ buồn khi ở nhà, mà lại giúp được mọi người trong khả năng của con”.
Đối với công việc kinh doanh, chị Ngọc Hà và một số bạn bè có đầu tư một chuỗi các quán ăn trong siêu thị. Nhà nước yêu cầu đóng cửa tất cả nhưng cũng có những hỗ trợ kịp thời nên gần như chị không có nhiều lo lắng.
Chị nói:
Nhà nước tạm hoãn trả các khoản vay ngân hàng và được vay thêm vốn không lãi suất, hỗ trợ trả tiền lương công nhân trong thời gian đóng cửa, siêu thị cũng có thể miễn giảm tiền thuê chỗ trong thời gian dịch bệnh.... nên bên Séc hầu hết người dân yên tâm đóng cửa phòng dịch bệnh. Còn thiệt hại thì thiệt hại chung và rất lớn đến tất cả mọi ngành nghề. Chỉ cần chúng ta còn sống sót khỏe mạnh qua đại dịch, thì tất cả tiền bạc có thể làm lại từ đầu.
Nói về Việt Nam tránh dịch, chị Hà cười. Chị cho biết chị đã sống ở Séc 18 năm và tin tưởng vào nền y tế và chính phủ nước sở tại.
Chị nhấn mạnh:
“Không có gì đảm bảo là đi máy bay về Việt Nam sẽ an toàn cả, nên tốt nhất ai ở đâu cứ ở yên đó. Tuy nhiên tôi có đặt vé giúp các cháu của mình về Việt Nam đợt này, phần vì quán ăn đóng cửa chưa có việc làm, đây là thời gian để cho các cháu về thăm gia đình, phần vì các cháu là công nhân giấy tờ cư trú ngắn hạn, nếu bị nhiễm bệnh chi phí chữa bệnh là rất lớn.
Để gia đình ở Việt Nam yên tâm, tôi đưa thông tin thường xuyên về cho gia đình, bạn bè. Séc là một nước nhỏ bé, nhưng là nước đầu tiên ở Châu Âu áp dụng những biện pháp cứng rắn, kịp thời trong công tác phòng chống dịch: như ban lệnh đóng cửa trường học, đóng cửa hàng nơi tập trung đông người. Chỉ mở cửa hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm, lệnh đeo khẩu trang bắt buộc, tăng khung hình phạt cho những người không tự cách ly hoặc cố ý lây nhiễm bệnh cho người khác… nên kiều bào Séc và người thân ở Việt Nam rất yên tâm, tin tưởng.
Nguồn: thoidai.com