Bà Nguyệt chụp hình cùng cháu ngoại - Ảnh: NVCC
Ở tuổi 69, bà có lẽ là người lao động Việt Nam lớn tuổi nhất vẫn đang làm việc toàn thời gian nơi đây - bà Lê Thị Minh Nguyệt không chỉ bằng tuổi mẹ, mà còn bằng tuổi bà của một số thực tập sinh.
Nhưng điều khiến mọi người gọi bà như vậy không phải chỉ vì tuổi tác, mà quan trọng hơn, vì lòng yêu thương, tận tụy, trách nhiệm của bà trong vai trò một người phiên dịch và quản lý đời sống thực tập sinh Việt Nam cho nghiệp đoàn Kantojoho suốt hơn 16 năm qua.
Tình mẹ nơi đất khách
Mới hôm rồi, dù chủ nhật là ngày nghỉ duy nhất trong tuần nhưng bà Nguyệt vẫn dành thời gian đưa một số thực tập sinh đi tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19. Những chuyện "nhỏ nhỏ" như vậy dù chẳng thuộc hạng mục nào trong trách nhiệm được giao nhưng luôn nằm trong những công việc bà ưu tiên làm.
Hơn 20 năm "trồng người" nơi đất khách ở một môi trường chuyên biệt, bà Nguyệt đã quen với những việc "không tên" như thế. Thời gian lưu trú của thực tập sinh theo quy định chỉ là 3 năm, nên cứ hết lứa nọ đến lứa kia, các em thường đối mặt với những bỡ ngỡ, thậm chí "sốc" văn hóa khi mới qua Nhật. Và khi đó họ lại có bà ở bên.
"Tôi coi chúng như con", bà nói. Vì rất nhiều yêu thương nên người mẹ này cũng vô cùng nghiêm khắc. Bà có thể sẵn sàng bỏ tiền túi giúp những em có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng nhất định sẽ không thỏa hiệp với những vi phạm nguyên tắc và kỷ luật của chính quyền và doanh nghiệp sở tại.
"Tôi vẫn cư xử với chúng theo cách "lý là nguyên tắc, nhưng tình là điều quan trọng", luôn coi các em như người trong gia đình để khi xử lý mọi việc thì chúng được tâm phục khẩu phục", bà chia sẻ.
"Đã có lúc tôi phải đưa một hai em gái đi "xử lý" vì trót có bầu, thương lắm. Có đứa sau một hồi ngại ngùng xấu hổ đã ôm chầm rồi nói "cô giống ngoại con ở nhà quá". Những chuyện rắc rối, tế nhị như vậy chúng đâu biết chia sẻ hoặc nương tựa ai ở đây", bà Nguyệt nhớ lại.
Theo tháng năm, chuyện buồn vui đủ cả, nhưng bà nhớ mãi hoàn cảnh đặc biệt của Hạnh - một nam thực tập sinh người Vĩnh Long. Nghe các bạn ở cùng kể Hạnh suốt ngày chỉ ăn trứng, bà lạ lắm. Gần gũi hỏi chuyện, bà mới hay gia cảnh của em khá đặc biệt.
Nhà nghèo, cha mẹ cố lắm mới vay mượn đủ cho em qua Nhật làm việc theo chương trình thực tập sinh. Em muốn chắt chiu dành dụm để sau 3 năm có chút gì mang về báo hiếu cha mẹ.
Ở Nhật, có lẽ trứng là một trong những thực phẩm rẻ nhất (thậm chí rẻ hơn ở Việt Nam), gần như suốt mấy chục năm qua giá trứng không đổi. Hạnh đã "miệt mài" ăn trứng suốt những năm tháng đó để có tiền dành dụm cất nhà cho cha mẹ.
Bà Nguyệt vẫn nhớ trước khi trở lại Việt Nam, Hạnh tới chào bà và chia sẻ dự định với chút vốn liếng có được em sẽ về quê mở tiệm cho thuê đồ phục vụ đám cưới. "Và giờ thì nó đã ổn rồi", người mẹ cười thật vui. Những năm tháng đã qua "ấm" hơn vì những câu chuyện như thế.
Cơ duyên với nước Nhật
Là cựu sinh viên khóa phiên dịch tiếng Nhật, cũng là khóa đào tạo đại học tiếng Nhật đầu tiên của Trường đại học Ngoại thương Hà Nội (khóa 1972 - 1977), suốt từ lúc tốt nghiệp ra trường tới nay, bà Nguyệt chỉ làm việc cho các công ty Nhật.
Từ những ngày làm cho công ty xuất nhập khẩu thời bao cấp trong nước cho tới khi cô quyết định qua Nhật "du học" cùng con, những kinh nghiệm làm việc cùng người Nhật dày thêm theo thời gian.
Công việc trước hết để mưu sinh, nhưng tận trong lòng người phụ nữ từng có những năm tháng tuổi thơ tập kết ra Bắc cùng cha mẹ vẫn mong làm được điều gì đó giúp đồng bào nơi xa xứ.
Bà chọn gắn bó với Kantojoho Sangyo Kyodo Kumiai (gọi tắt là Kantojoho) - nghiệp đoàn đứng đầu trong số 3.535 nghiệp đoàn (gồm 1.781 đơn vị Ippa và 1.754 đơn vị Tokutei) tại Nhật về số lượng quản lý thực tập sinh người Việt.
Đây cũng là đơn vị có uy tín, giàu kinh nghiệm với 30 năm chuyên về quản lý thực tập sinh Việt Nam. Trong chừng ấy năm, Kantojoho chỉ tập trung khai thác nguồn nhân lực lao động tại Việt Nam và chủ yếu là các tỉnh thành phía Nam (chiếm từ 90 - 95%).
Không thể kể hết những việc bà Nguyệt đang làm tại đây vì dường như mọi chuyện liên quan tới thực tập sinh người Việt bà đều tham gia. Ngay cả những việc không thuộc trách nhiệm của bà, nhưng đôi khi vì tính chất đặc biệt, lãnh đạo nghiệp đoàn vẫn phải "cầu viện" sự giúp đỡ của "người mẹ" này.
Trong số đó có tình huống khó khăn nhất, đau lòng nhất và cũng không ai mong muốn nhất là tình huống thực tập sinh qua đời vì tai nạn hay bệnh tật. Đã hai lần bà Nguyệt giúp nghiệp đoàn lo chu tất hậu sự và giải quyết những phát sinh liên quan.
Trái tim nhân hậu, đồng cảm cùng kinh nghiệm sống, sự hiểu biết thấu tình đạt lý của bà đã luôn làm dịu đi nỗi đau mất mát của người nhà trong những tình huống bi kịch đó.
Anh Lê Trần Hưng (một quản lý tại nghiệp đoàn Kantojoho:
Điểm mạnh và cũng là điểm yếu của bà Nguyệt chính là thẳng tính quá. Bà luôn nỗ lực giải quyết mọi rắc rối ổn thỏa nhưng không bao giờ thỏa hiệp với những vi phạm, những hành động xấu của một số em.
Bà Nguyệt đã đóng góp một phần rất lớn vào việc vun đắp cho quan hệ hữu nghị Việt - Nhật bằng chính công việc lặng lẽ đầy tâm huyết của mình.
Giúp đỡ cả ngàn thực tập sinh Việt Nam
Bà Nguyệt (thứ hai từ bên phải qua) trong tấm ảnh kỷ niệm chụp cùng các nữ thực tập sinh người Việt ngành lắp ráp điện tử vào năm 2007 - Ảnh: NVCC
Hơn 16 năm qua, bà Nguyệt chỉ sống trong một căn phòng đơn sơ tại tỉnh Tochigi - nơi nghiệp đoàn bố trí cho bà để làm việc thường trú tại địa phương. Hằng ngày bà vẫn đạp xe tới thăm các thực tập sinh thuộc trách nhiệm quản lý ở gần đó.
Tính tới nay, bà đã hỗ trợ cho hơn 1.000 thực tập sinh Việt Nam tại nghiệp đoàn. Số thực tập sinh Việt Nam ngày càng tăng ở Nhật, ước tính trên toàn nước Nhật có khoảng 450.000 em, riêng tại Kantojoho là 1.600 em, hiện trung bình mỗi năm bà làm việc với khoảng 400 thực tập sinh.
"Tôi sẽ không xin nghỉ việc cho tới khi nào nghiệp đoàn còn cần tôi" - bà nói, chia sẻ niềm tự hào đã đóng góp được một phần vào sự nghiệp "trồng người" ở cả Việt Nam và Nhật Bản.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online