Ông Nagao thành lập công ty vào năm 1969 sau khi tốt nghiệp đại học. Khi đó mong muốn của ông là làm sống lại doanh nghiệp mà cha của ông đã đóng cửa trước đó.

Chia sẻ trên tờ The Mainichi, ông Yasutaka Nagao, 72 tuổi – người chọn anh Trường kế nhiệm vị trí giám đốc công ty nhỏ của mình – cho biết: “Miễn là còn khách hàng, tôi có trách nhiệm tiếp tục duy trì hoạt động của công ty. Giờ đây tôi cảm thấy thoải mái vì đã biết rõ người kế nhiệm mình sẽ là ai”.

Công ty của ông Nagao có 6 nhân công, chuyên sản xuất màng nhiều lớp sử dụng trong pin xe hơi và loại màng dùng đóng gói các phần thực phẩm bán trong các cửa hàng tiện lợi. Công ty có tên Nagao Shiko, đặt tại quận Nishi của Nagoya – thành phố lớn thứ tư ở Nhật Bản.

Ông Nagao bắt đầu xem xét tìm người kế vị khi mình đã hơn 60 tuổi.

Con trai cả của ông làm việc ở nơi khác và không quan tâm đến việc tiếp quản công ty. Sau khi suy nghĩ kỹ, ông chọn người sẽ quản lý công ty nhỏ của ông là anh Nguyễn Đức Trường, 34 tuổi, đến từ Việt Nam.

Anh Trường sang Nhật vào năm 2005 với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật và định cư tại đây sau khi kết hôn với một phụ nữ Nhật. Năm 2008 anh vào làm việc trong công ty của Nagao.

42 1 Nguoi Viet Duy Nhat Duoc Ong Chu Nhat Tin Tuong Chon Lam Nguoi Ke Nhiem Cong Ty

Ông chủ Yasutaka Nagao (phải) chụp ảnh cùng người kế nhiệm là anh Nguyễn Đức Trường/ Ảnh: The Mainichi

Thoạt đầu dù thiếu kinh nghiệm, nhưng anh Trường học hỏi nhanh nhờ khéo léo và ham học.

Ông chủ Nhật nhanh chóng quý mến, rồi tin tưởng tuyệt đối nhân viên của mình bởi Trường có trách nhiệm với công việc, làm được nhiều việc từ sửa chữa máy móc bị hỏng, đến bất kỳ hỏng hóc gì khác trong nhà xưởng.

Cách đây vài năm khi được ông chủ Nagao hỏi liệu có muốn tiếp quản công ty, anh Trường đã rất ngạc nhiên và cũng cảm thấy rất nhiều áp lực. “Nhưng tôi cũng rất vui vì ông chủ đã đặt niềm tin vào tôi rất nhiều và tôi đã quyết định bảo vệ công ty”, anh Trường kể với báo The Mainichi.

Thông thường các công ty nhỏ ở Nhật được điều hành theo kiểu “cha truyền con nối” và rất hiếm khi chọn người kế nhiệm là người ngoài chứ đừng nói đến là người nước ngoài.

Câu chuyện ông Nagao chọn một nhân viên nước ngoài trong công ty làm người kế nhiệm là ví dụ điển hình cho thực tế thiếu người thừa kế ở các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Nhật Bản. Đây cũng là ví dụ cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào người lao động nước ngoài của thị trường lao động Nhật Bản.

Hiện khoảng 95% các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở Nhật đang phải đối mặt với vấn đề ai sẽ tiếp quản thế hệ lãnh đạo hiện nay.

Theo khảo sát của Tokyo Shoko Research năm 2016-2017 đối với 4.303 công ty vừa và 3.984 công ty nhỏ, có 30,9% công ty vừa và 32,4% công ty nhỏ thừa nhận không có ứng cử viên kế nhiệm hoặc chưa quyết định làm gì với người kế nhiệm. Khoảng 2,1% các công ty vừa và 17,2% các công ty nhỏ cho biết thế hệ lãnh đạo hiện tại sẽ là thế hệ cuối cùng của các công ty.

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC