Một phụ nữ tiêm vắcxin AstraZeneca tại một bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 10-3 - Ảnh: AFP
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Chi nhận định diễn biến dịch bệnh đang hết sức phức tạp ở xứ chùa tháp. Đáng lo ngại nhất là dịch bệnh đã bắt đầu lây lan trong cộng đồng người gốc Việt.
500 hộ người Việt bị phong tỏa
Cơ quan chức năng Campuchia đã phong tỏa 3 khu người Việt với tổng số trên 500 gia đình, trong đó có xã Prek Tamlop, huyện Luek Duek, tỉnh Kandal với 219 hộ; xã Prek Sai Kho, huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng với 100 hộ.
Tại xã Prek Tamlop, sau khi phát hiện 4 người gốc Việt mắc COVID-19, chính quyền đã tìm và đưa cả 4 người đi điều trị tại Trung tâm Y tế Chark Angre, thủ đô Phnom Penh. Ông Chi cho biết việc cách ly kéo dài sẽ làm đa số hộ người gốc Việt ở đây đời sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nguy cơ có thể dẫn đến thiếu đói và hệ lụy khác.
Ông Nguyễn Văn Huệ, người gốc Việt ở Prey Veng, chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng bà con người Việt ở khu cách ly Peam Ro vừa lo dịch bệnh vừa lo thiếu đói, bởi phần lớn dân ở đây sống trong cảnh nghèo khó, kiếm ăn từng bữa từ nghề cá, nghề mua bán phế liệu, làm thuê...
Ông Sok Chea, chủ tịch Hội Khmer - Việt tại Sihanoukville, cho biết thêm không chỉ tại các tỉnh giáp Phnom Penh và có đường biên giới chung với Việt Nam, số người Việt Nam tại thành phố biển Sihanoukville phát hiện dương tính với COVID-19 đã trên 10 người.
Trong số này hầu hết là phụ nữ từ Việt Nam sang làm việc tại các sòng bạc, các tụ điểm vui chơi có đông người Trung Quốc.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cho biết sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với Hội Khmer - Việt, đặc biệt chi nhánh hội tại 2 tỉnh Kandal và Prey Veng, nhằm tăng cường vận động bà con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại chỗ, tuân thủ pháp luật và yêu cầu phòng chống dịch của chính quyền địa phương; không tự động đi khỏi nơi cư trú và di cư tự do về Việt Nam.
Các chi nhánh Khmer - Việt tại Campuchia đã lập nhóm thường trực để bám sát tình hình, nắm bắt và hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh tại chỗ như mua giúp thuốc uống, lương thực, thực phẩm, vận động bà con thông cảm, hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời đại diện cho bà con làm việc với chính quyền cơ sở để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Đại sứ quán tại Campuchia đã xuất Quỹ hỗ trợ cộng đồng phòng chống COVID-19 của sứ quán để hỗ trợ bà con gốc Việt tại xã Prek Tamlop và xã Prek Sai Kho với trang thiết bị phòng chống dịch bệnh và các nhu yếu phẩm.
"Để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cộng đồng năm nay, đại sứ quán dự kiến tiếp tục triển khai vận động các địa phương, đơn vị, nhà hảo tâm trong nước và tại Campuchia tập trung vào quỹ do đại sứ quán quản lý, phối hợp với Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia triển khai hỗ trợ tùy yêu cầu thực tế và nguồn quỹ huy động được" - đại sứ Vũ Quang Minh chia sẻ.
Cơ quan chức năng Campuchia kiểm tra người ra vào vùng có dịch bệnh - Ảnh: đại tá Sea Sokha cung cấp
Các sòng bạc thành ổ dịch
Từ "sự cố cộng đồng 20-2" khi một số người Trung Quốc nhiễm COVID-19 trốn cách ly, lây lan ra cộng đồng người Hoa ở thủ đô Phnom Penh, dịch bệnh đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác, đặc biệt là các sòng bạc ở Sihanoukville, Kandal, Svay Rieng...
Từ những khách chơi người Trung Quốc mắc COVID-19, dịch bệnh đã lây lan qua những người làm việc tại các sòng bạc bao gồm cả người Khmer lẫn người Việt.
Cũng như Phnom Penh, dịch bệnh tại Sihanoukville chỉ được phát hiện khi một số khách chơi đến từ Trung Quốc đến cơ quan y tế xin giấy chứng nhận sức khỏe để về nước. Dịch bệnh lan nhanh đến mức chính quyền thành phố Sihanoukville, nơi có gần 136 casino, gần như đóng cửa thành phố.
Từ khi thành phố lên đặc khu, sòng bạc mọc lên như nấm, người Trung Quốc kéo sang chật đường phố.
Ngành y tế Campuchia sau đó triển khai tiêm vắcxin tại Sihanoukville với hi vọng chặn đà lây lan ở thành phố du lịch đang có hàng ngàn người Trung Quốc lưu trú này.
Tuy nhiên, dịch bệnh nhanh chóng lây lan sang tỉnh lân cận là Koh Kong (giáp Thái Lan) khiến Bộ Giáo dục - thanh niên và thể thao Campuchia ra lệnh đóng cửa các trường học ở vùng dịch quận Kiri Sakor (tỉnh Koh Kong).
Không chỉ ở các sòng bạc tại Phnom Penh, nhiều địa phương có nhiều casino như Svay Rieng, Kandal, Prey Veng giáp Việt Nam, dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng khiến chính quyền ở các địa phương này liên tiếp ra lệnh đóng cửa các sòng bạc.
Các sòng bạc tiếp tục gây họa dịch bệnh cho nhiều tỉnh khác ở Campuchia. Ông Sophorm, tỉnh trưởng tỉnh Kandal (giáp An Giang, Đồng Tháp), vừa ra lệnh đóng cửa 5 sòng bạc và thực hiện lệnh hạn chế đi lại với người nước ngoài tại thị trấn Chrey Thom, huyện Koh Thom của tỉnh này.
Lệnh cấm được ban hành sau khi phát hiện 5 người nước ngoài dương tính với COVID-19 tại đây.
Chrey Thom (tỉnh Kandal) là thị trấn giáp với thị trấn Long Bình (An Phú, An Giang), được biết đến như là "thị trấn không ngủ" từ khi có các phức hợp casino, sòng bạc do người Trung Quốc xây dựng ở đây.
Ngoài người Trung Quốc cũng có nhiều người Việt Nam sang chơi bài, làm việc, mua bán... Đây là cửa khẩu với Việt Nam gần nhất của Campuchia và cách thủ đô Phnom Penh khoảng 70km.
Tiếp theo Kandal, đêm 13-3 tỉnh Prey Veng (giáp Đồng Tháp, Long An) cũng cho đóng cửa 4 địa phương, đó là Prek Khsay A, Prek Khsay B, Neak Leung và Peam Ro. Trong đó, Peam Ro là nơi có cộng đồng người gốc Việt sinh sống.
Campuchia bi quan với dịch bệnh
Hôm qua 14-3, Bộ Y tế Campuchia công bố nước này có thêm 41 ca dương tính với COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở xứ chùa tháp lên 1.305 người. Riêng đợt bùng phát dịch lần 3 kể từ "Sự cố cộng đồng 20-2" là 792 người, trong đó chiếm số đông là người Trung Quốc, kế đến là người Campuchia và người Việt Nam.
Từ thủ đô Phnom Penh, dịch bệnh đã lây lan 10 tỉnh, thành phố ở Campuchia.
Ngoài 2 ca tử vong, Campuchia cũng ghi nhận nhiều ca bệnh đang diễn biến xấu.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine ngày 13-3 cảnh báo tình hình dịch bệnh có thể vượt mức kiểm soát ở nước này. Bà cho biết các cơ quan chức năng đã chuẩn bị khu đất 10ha với 6 lò thiêu di động để hỏa táng những bệnh nhân xấu số. Đây là lần đầu tiên Campuchia tỏ ra bi quan trước tình trạng lan nhanh của dịch bệnh COVID-19.
Khu vực Biển Hồ yên bình giữa dịch
Cũng có nhiều khu vực đông người Việt sinh sống chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ông Lê Hoàng, chủ tịch Hội Khmer - Việt tại tỉnh Pursat, cho biết chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh này tại tỉnh có đông người gốc Việt sống ở khu vực Biển Hồ.
Ngoài ra, người gốc Việt sống ở các tỉnh ven Biển Hồ như Siem Reap, Kampong Chhnang, Battampang cũng đang bình yên trước dịch bệnh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online