Một thế hệ vàng của nước Ý đã mất. Họ đang chết hay chết dần trong các bệnh viện. Họ nằm đó, không người thân, có ngày cả ngàn người chết cô đơn, ra đi mà chẳng một lời từ biệt! Tất cả vì Covid-19.

42 1 Nguoi Viet O Y Nhung Ngay Cach Ly Vi Covid 19 Tiec Mot The He Vang

Tôi tin con người cũng tìm ra được vắc xin để tự bảo vệ mình trước Covid-19. Ảnh: REUTERS

Hôm nay, nhìn đường phố trước nhà quạnh hiu như sa mạc thì có lẽ tôi cũng có thể nói là mình vừa nhìn thấy giai đoạn chuyển tiếp của một thời.

Ý nghĩ ấy chợt lóe lên trong tôi, như một cách trả lời cho Vivian, mấy hôm trước đã gọi điện thăm và nửa đùa nửa thật: "Cậu sẽ nói với con gái đầu lòng của cháu, 8 tháng tuổi, thế nào về Corona và cuộc sống?".

Tôi sẽ nói với Olivia: "Có lẽ cháu sẽ không còn thấy cái thời đại an lành mà loài người vô tư sống, thoải mái hưởng thụ và ít khi nghĩ đến ngày mai!"

Một thế hệ vàng của Ý đã ra đi

Tôi vừa trở lại Milan, sau một chuyến hành trình gian lao. Milan là một thành phố đẹp, phát triển vào bậc nhất nước Ý và được nhiều du khách trên thế giới yêu thích. Đó là kinh đô của thời trang, của design, của các hội chợ quốc tế. Thế nhưng, một thành phố thuộc "top" đỉnh cao văn minh của nhân loại giờ đây đã bị đánh quỵ bởi Covid-19. Sân thánh đường Duomo ở Milan - nơi hàng triệu du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, chụp ảnh kỷ niệm với chim bồ câu, nay chết lặng.

Ngày tôi về đến Ý thì đã có gần 100.000 người bị lây nhiễm và hơn 10.000 người chết. Cái tỉ lệ chết chóc 10% đang làm thế giới rùng mình và kinh hãi. Các dịch vụ công cộng địa phương khủng hoảng, thiếu khả năng ứng phó với số người chết quá nhiều.

Những người chết đó, họ là ai? Phần lớn đều là người lớn tuổi, sinh ra trong thập niên 1930 hay 1940 của thế kỷ trước, nghĩa là trước hay sau thế chiến thứ hai. Tôi gọi đó là thế hệ vàng của nước Ý, những con người bất hạnh sinh ra trong nghèo khổ và lớn lên trong tan hoang, tuy không có điều kiện học hành, nhưng với quyết tâm và lòng yêu nước họ đã làm việc và dựng nên một nước Ý hùng cường và thịnh vượng.

Từ nhỏ, tôi đã thường có những gắn bó với những người lớn tuổi. Không hiểu sao, với họ tôi thường có mối quan hệ mật thiết hơn là với những người đồng tuổi.

Tôi còn nhớ đến thời 19 tuổi, qua Ý chỉ chừng vài tháng. Tiếng Ý nói chưa rành. Một hôm đi dạo, tình cờ gặp một người đàn ông tuổi xấp xỉ 60. Khi biết tôi là người Việt Nam ông liền ôm chầm lấy: "Việt Nam! Việt Nam! Đất nước anh hùng".

Sau đó ông mời tôi về nhà ăn cơm. Rất bất ngờ vì tôi biết người Ý thường mời bạn ăn Pizza chứ ít khi mời bạn về nhà. Trong bữa ăn, ông liên tục nói với các con: "Nhìn đi, ông bạn trẻ này, đến từ đất nước xa xôi học đại học để sau về tái thiết quê hương. Các con nên lấy đó làm gương, cố gắng học hành".

Cuộc gặp gỡ đầy kỷ niệm với ông Vittorio ấy không ngờ kéo dài đến mấy mươi năm, dù sau này tôi đã dời về thành phố khác, cho đến ngày ông mất.

Một thế hệ vàng đã mất. Họ đang chết hay chết dần trong các bệnh viện. Những con người đã chịu đựng, trải qua bao khó khăn, lúc về già chỉ ước được vui cùng con cháu. Họ nằm đó, không người thân, có ngày cả ngàn người chết cô đơn trong sợ hãi, ra đi mà chẳng một lời từ biệt!

Thật không thể nào tin được!

Lòng tôi nhói đau khi nghe xe cứu thương hụ còi trong thị trấn buồn hiu, hay trĩu buồn trong những buổi chiều nghe tiếng chuông nhà thờ từ phía sau nhà vọng lại, âm thanh rạc rời, chậm rải như lời nguyện tiễn hồn về cõi vô cùng.

Có ai đó đã nói: Khi một người già mất đi thì giống như một thư viện bị đốt cháy. Thế thì một phần ký ức của nước Ý đang bị biến thành tro bụi.

42 2 Nguoi Viet O Y Nhung Ngay Cach Ly Vi Covid 19 Tiec Mot The He Vang

Tôi mong những người ở lại sau dịch Covid-19 sẽ dạy con và cháu nên sống và làm việc thế nào để bầu không khí trong lành, biển sẽ trong xanh, ai nấy đều tôn trọng thiên nhiên, chăm lo đến sức khỏe của mình

Trọng trách của những người ở lại

Trong lúc này đây, tôi nhìn ra cửa sổ, chênh chếch đối diện về phía bên kia đường, nơi cửa hàng thực phẩm của mấy người Ai Cập nhập cư, trước đây vắng vẻ lúc này có cả một hàng dài người đứng xếp hàng. Người này đứng cách người kia chừng một mét. Ai nấy đều mang khẩu trang, có người mang cả găng tay, nhưng cũng có vài người tạm che mũi miệng bằng chiếc khăn mỏng dính. Chiếc khẩu trang giờ đây quý như vàng. Nhiều người có tiền mà không mua được!

Kỳ lạ cái thế giới này! Con người đã bay lên sao Hỏa mà không xây được cái đập chắn thủy triều để nước khỏi ngập tràn thành phố. Mỗi vài tháng xuất xưởng đủ kiểu điện thoại đời mới, ti vi tân kỳ, xe hơi tốc độ mà không may được đủ khẩu trang. Sân bay nào cũng tràn ngập nước hoa, mỹ phẩm đủ loại mà chai nước rửa tay diệt khuẩn thì khan hiếm khi cần.

Sau hơn 2 tuần tự cách ly ở nhà, tôi báo với vợ rồi mặc đồ, mang khẩu trang ra ngoài. Đi vài chục mét tôi đến nối đuôi vào cái hàng duy nhất trên đường phố. Tôi kín đáo nhìn mọi người, đàn ông và đàn bà, khuôn mặt ai nấy đều có vẻ đăm chiêu. Bên trên những chiếc khẩu trang tôi còn nhìn thấy tia nhìn của họ giống tia nhìn của những đứa bé vừa bị tước mất đồ chơi.

Phần lớn người trong hàng đều thuộc lứa tuổi trên dưới 60, thuộc hàng con cháu của ông cụ Vittorio, lớn lên sau chiến tranh, học hành, thành đạt. Họ thuộc về giới trung lưu, sung túc, công ăn việc làm ổn định, đầu ít khi nhìn xuống.. thế mà, đùng một cái, tất cả đều không hẹn mà gặp nhau ở một cửa tiệm nhỏ, ngoan ngoãn đứng sắp hàng, người này cách người kia hơn 1 mét, để chờ mua vài ổ bánh mì! 

Họ đang là chứng nhân cho một thời sắp đi qua và họ đã bắt đầu già để có thể hy vọng vào một điều gì sắp đến.

42 3 Nguoi Viet O Y Nhung Ngay Cach Ly Vi Covid 19 Tiec Mot The He Vang

Để cuộc sống của tốt đẹp con người cũng cần chống lại những loài virus khác, như tham lam, đố kỵ...

Tôi biết là họ sẽ không gục ngã. Dù muốn hay không họ cũng sẽ nhìn lại những gì đã làm, đã sống như thế nào khi chứng kiến những ngày này rồi có thể tự hỏi sẽ nói gì với các con mình. Tôi mong là họ sẽ dạy con và cháu nên sống và làm việc thế nào để bầu không khí trong lành, biển sẽ trong xanh, ai nấy đều tôn trọng thiên nhiên, chăm lo đến sức khỏe của mình và biết quan tâm đến người khác. Lòng nhân từ, bác ái phải là các đức tính căn bản để xây dựng một xã hội văn minh.

Tôi mong là họ sẽ nói với các con là một nền kinh tế không phải chỉ nhắm đến tăng trưởng, mà phải hướng về sự an toàn và hạnh phúc của con người.

Vì tất cả chúng ta đều thực sự liên đới với nhau, ít nhất theo nghĩa là cùng sống chung trong một môi trường, cùng hít thở một bầu không khí.

Hiểu được thế thì cũng là cách tri ân hàng nghìn người già vừa ra đi trong thầm lặng. Rằng cái chết của một thế hệ đã không vô nghĩa khi đã góp phần vào việc nhắn gửi thông điệp chung của thiên nhiên để thức tỉnh lương tâm con người! 

Tôi từng nói với cháu Olivia là tuy virus Corona đang gây họa lên toàn thế giới nhưng trước hay sau gì thì con người cũng tìm ra được vắc xin để tự bảo vệ mình. Thế giới rồi cũng sẽ hồi sinh.

Nhưng vấn đề không chỉ là virus Corona! Để cuộc sống của tốt đẹp con người cũng cần chống lại những loài virus khác, như tham lam, đố kỵ hay ngu dốt… mà muôn đời không có một loại vắc xin nào giúp con người phòng ngừa được!

Trương Văn Dân

Nguồn: thanhnien.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC