Không biết bắt đầu từ đâu mà tôi cứ háo hức sẽ viết một cái gì đó, một góc khuất ẩn chứa, đắm chìm về thân phận của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, bằng chính cảm xúc từ những suy nghĩ bắt gặp trên dặm đường ngược xuôi từ Dallas đến California, qua những thành phố xinh đẹp San Francisco, Los Angles, Houston, San Jose … – nơi có nhiều người Việt đang sinh sống. Có phải do chính cái hạn hẹp của sự hiểu biết khi tôi chưa đặt chân đến đất nước văn minh này?
Mộng mị về cố hương
Từ trước đến giờ, tôi chỉ đọc và nghe nói nhiều về cuộc sống sung túc của người Việt ở Mỹ. Đến đây, tôi mới hiểu ra những điều nhỏ nhặt khác của bà con Việt kiều mỗi lần họ về thăm quê không như mình nghĩ. Họ đầy tâm trạng. Giàu nghèo thì nơi nào chẳng có. Ở đây, không ít người phải dành dụm, tằn tiện từng đồng chi tiêu nhiều năm trời mới có được một chuyến trở về nguồn cội, viếng mộ ông bà tổ tiên, thăm bà con ruột thịt.
Long Nguyễn là người anh ruột thịt của tôi, thuộc lớp người đến Mỹ tương đối sớm, hiện sống tại Dallas, bang Texas. Trò chuyện với tôi vào những ngày cuối năm, giọng anh trầm hẳn khi nhắc lại không khí những ngày cận Tết ở quê nhà. “Nhiều người sống ở Việt Nam hay ở Mỹ thường đứng trên quan điểm vật chất là tiền bạc để đánh giá cuộc sống bên nào tốt hơn. Họ quên rằng con người sống trong xã hội nào đi nữa thì ngoài tiền bạc còn có những giá trị tinh thần mà nếu thiếu đi thì cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa và buồn chán, cho dù ta có rất nhiều tiền” – anh chiêm nghiệm.
Long Nguyễn cho biết những ngày đầu đặt chân đến Mỹ, nhiều người đi làm trong các hãng, 1 giờ được 6-8 USD. Làm từ 6 giờ đến 22-23 giờ nhưng họ cảm thấy cuộc sống cũng vui vẻ vì nhìn thấy những đứa con của mình được học hành ở một đất nước tiến bộ với một tương lai xán lạn đầy hứa hẹn. Phần lớn trong số họ không ai đặt nặng vấn đề qua Mỹ để tìm cơ hội cho chính mình mà chủ yếu là vì tương lai của lớp trẻ. Vì thế, họ cảm thấy thanh thản và tự giải đáp rằng trong cuộc sống, cái gì cũng có cái giá của nó. Vấn đề khi đã chọn thì phải chấp nhận để mà vui sống.
Một tiệm nail của người Việt ở California – Mỹ Ảnh: HẠNH NGUYỄN Thực ra, hầu hết những người Việt đang sinh sống ở Mỹ, nhất là thế hệ đầu tiên đến đây sau năm 1975, đều mang một tâm trạng cô đơn. Càng về già, nỗi cô đơn ấy càng lớn. Đến tuổi này, người ta nhận ra rõ hơn về nguồn cội, về những mất mát riêng tư khi phải rời xa đất Tổ.
Đến California, tôi gặp nhiều người Việt sống tại đây. Họ thường gặp gỡ nhau để sẻ chia vui buồn, chuyện trò, bù khú về những kỷ niệm ở quê nhà, bù lấp vào những khoảng trống ở tâm hồn mình trong những năm tháng cuối đời nơi đất khách. Lớp trẻ dường như không mặn mòi, vì không cùng tiếng nói chung với thế hệ của người cao tuổi. Từ đó, nỗi cô đơn của họ càng trở nên dữ dội.
Anh Phan Thanh Kha, bạn tôi, tâm sự: “Đa số người Việt nhập cư sang Mỹ sau năm 1975 thuộc rất nhiều thành phần khác nhau. Phần lớn người Việt sau đó được bảo lãnh theo diện thân nhân, hầu hết họ không còn trẻ nữa. Việc phải trải qua cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người, sự khác biệt về văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ, hết sức khó khăn. Hầu như tất cả phải bắt đầu từ những công việc lao động tay chân đơn giản với đồng lương tối thiểu. Đồng tiền kiếm được không vào đâu so với chi phí đắt đỏ ở Mỹ. Cái trở ngại lớn nhất là tiếng Anh. Không có tiếng Anh thì đi đâu, làm gì cũng vướng vấp, riết rồi đâm ra hoảng loạn. Nhiều đêm có người còn mộng mị mong về lại cố hương”.
Sau câu chuyện ấy, tôi cứ ngần ngại không dám hỏi thêm gì. Định bụng ngày mai khi đến Houston thăm bạn, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, tôi sẽ tiếp tục câu chuyện này.
Trống vắng, cô đơn
Vượt gần 500 km đi thăm một người bạn thơ để ngủ với nhau một đêm rồi sáng mai quay trở về Dallas, quả là điều không dễ dàng. Đêm đó, tôi cứ phân vân, không biết mình có đủ sức vượt qua chặng đường xa xôi này không.
“Chú đã đến đây rồi mà không gắng một tí nữa đi thăm bạn, khi về Việt Nam sẽ ân hận đó”. Nếu không có lời khuyên ấy của Hải Nguyễn, đứa cháu ruột, thì chưa chắc tôi đã vượt qua cái tuyết lạnh cuối năm giá buốt để đến Houston.
Thật bất ngờ, chưa đầy một ngày đường, chỉ vỏn vẹn 6 giờ trên chiếc Mercedes của Sony Nguyễn, đứa cháu cùng đi, chúng tôi đã đến nhà Nguyễn Hàn Chung. Ngồi trên xe, tôi suy ngẫm nhiều, nghĩ mà buồn cho đường sá, giao thông ở Việt Nam mình. So sánh như thế thì khập khiễng quá nhưng làm sao khỏi ngạc nhiên với cơ sở hạ tầng tuyệt vời của đất nước văn minh này. Nào là cầu vượt mấy tầng, nào là freeway rộng ít nhất 10 làn đường. Xe cộ chạy có thứ tự, đúng luật dù không thấy viên cảnh sát nào suốt cả chặng đường dài tôi đến Houston thăm bạn.
Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chúng tôi suốt đêm chuyện trò, từ chuyện văn nghệ, thơ phú đến chuyện vui buồn xứ Quảng. Cuối cùng, câu chuyện người Việt ở Mỹ vẫn là đề tài mà tôi muốn nghe nhà thơ bạn mình tâm sự.
“Sống trên đất Mỹ, dù làm bất cứ công việc gì thì họ cũng phải cố gắng làm việc. Nếu không, họ sẽ rất vất vả trong việc trả chi phí sinh hoạt đắt đỏ, đặc biệt là tiền nhà. Chính phủ Mỹ chỉ hỗ trợ khi người dân gặp khó khăn thật sự. Cơ cấu xã hội Mỹ và những “chiếc bẫy” tín dụng từ ngân hàng buộc người ta phải làm việc để có được một cuộc sống tốt. Làm việc, kiếm tiền, mua tài sản rồi lại phải làm việc, trả nợ… – một cái vòng tuần hoàn xoay chuyển. Áp lực cuộc sống buộc mọi người phải làm việc liên tục. Điều đó dẫn đến xã hội làm ra của cải vật chất nhiều hơn, giúp xã hội phát triển tốt hơn”.
Lúc ở quê nhà, Chung vốn là người hay lý sự. Khi nói ra điều này, dường như anh muốn khẳng định dứt khoát với tôi như vậy, đừng cãi ông Quảng Nam ạ!
Chuyện anh vừa nói, tôi cũng đã biết, về thu nhập bình quân tạm gọi là ổn định của người Việt ở đây, chừng 25.000 – 45.000 USD/năm. Đây chỉ là thu nhập dưới mức trung bình. Dĩ nhiên, vẫn có người Việt vươn lên bằng khả năng thực, làm việc trong những chuyên ngành đặc biệt với mức thu nhập cao trên 100.000 USD/năm nhưng chỉ là thiểu số. “Ở Mỹ mà nói một người giàu hay nghèo thì phải xem đó là so với cộng đồng Việt Nam hay so với Mỹ. Nếu so với nước Mỹ thì phần lớn cộng đồng Việt Nam tại Mỹ chỉ trung bình trở xuống. Còn nếu chỉ so trong cộng đồng thì cũng có người giàu, người nghèo. Vấn đề giàu nghèo ở đâu cũng vậy thôi. Quan trọng là nỗi buồn, là sự trống vắng, cô đơn” – Chung bày tỏ. Tới đây thì tôi đã hiểu.
Suốt hơn một tháng trời, tôi đã đi qua nhiều vùng miền khác nhau trên đất Mỹ. Không chỉ với dân Việt mà còn với nhiều người, đây là một đất nước văn minh, tiến bộ bậc nhất, một “thiên đường”. Thế nhưng, bên trong xứ sở ấy có một góc khuất, một lối nhỏ, rất nhỏ.
Đó là nỗi buồn, là sự trống trải, thiếu thốn hơi ấm quê nhà của không ít đồng bào thân yêu của mình vì nhiều lý do mà họ phải rời xa Tổ quốc. Cái được cho con cái họ, cho một tương lai ở phía trước thì không ai chối cãi. Song, điều ấm ức, dằn vặt từng ngày về số phận, về sự hy sinh, mất mát không nhỏ ấy cũng từng phút giây vang lên nhỏ dần, nhỏ dần rồi lịm dần về một cõi xa xăm, về đất Tổ quê cha…
Đau đáu quê nhà
Nói lan man rồi chúng tôi cũng quay về câu chuyện văn chương chữ nghĩa. Không riêng gì với Nguyễn Hàn Chung, chắc nhiều anh em văn nghệ ở hải ngoại đều luôn đau đáu nỗi lòng mình với quê hương.
Tác giả (bìa phải) và nhà thơ Nguyễn Hàn Chung trên đất Mỹ Ảnh: Hạnh Nguyễn
“Nabokov – nhà văn Nga, tác giả bộ tiểu thuyết “Lolita’’ nổi tiếng – có một câu nói mà mình cho là rất chí lý, nhất là đối với các nhà văn hải ngoại, hàm ý: hộ chiếu của nhà văn chính là tác phẩm nghệ thuật. Vâng, tác phẩm dù viết bằng tiếng nước ngoài hay tiếng Việt cũng là viết cho đồng bào mình đọc. Mai sau, may mà còn ai nhớ tới tác giả hoặc tác phẩm chí ít vài câu vài đoạn nào đó, chắc chắn trước tiên phải là người Việt. Mình đã trở thành người Mỹ, sống ở Mỹ, có thể chết ở Mỹ nhưng mãi mãi vẫn là nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Khi 2 đứa con học hành xong, công việc ổn định, mình sẽ trở về Việt Nam và sống trên đồng lương hưu của mình ở quê nhà” – Chung trải lòng.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Hạnh
Người Lao động