Lần đầu xa nhà tới một đất nước lạ lẫm, không ít bạn rơi vào tình huống trớ trêu, dở khóc dở cười vì những bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa…

Minh Anh, 18 tuổi, du học sinh Mỹ năm nhất chia sẻ, ở Việt Nam có thói quen gặp nhau là hỏi: “Ăn cơm chưa”.

Mới sang Mỹ, cô cũng theo thói quen hỏi cậu bạn nước ngoài như vậy.

Khi nhận được câu hỏi, mình thấy cậu ấy ngạc nhiên, rồi trả lời chưa. Vậy là mình hào hứng rủ cậu ấy đi ăn. Gần xong bữa, cậu ấy nói: ‘Thanks for inviting me for lunch’ (cảm ơn cậu đã mời mình bữa trưa). Câu nói khiến mình ngớ người, định hỏi lại sao cảm ơn mình, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Mình bấm bụng trả tiền ăn cho cả hai”.

Lúc về nhà, Minh Anh hỏi người bạn cùng phòng thì được biết, câu hỏi này thường đặt ra khi bạn muốn mời đối phương đi ăn…

Sau lời hỏi thăm xã giao nhớ đời, Minh Anh đã dành cả một ngày tìm hiểu về văn hóa của nước Mỹ để tránh mắc phải những hiểu lầm trớ trêu.

Huyền Trang, du học sinh Australia cũng có nhiều tình huống dở khóc dở cười tương tự về lần đầu sống và học tập ở một đất nước xa lạ.

Những bất đồng ‘cười ra nước mắt’ khi du học ở trời Tây - 0

Huyền Trang đội mũ xanh, đứng thứ ba từ phải sang. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trang cho biết, người Australia rất coi trọng lịch sự và tôn trọng người khác, việc phải dùng những câu như “Please (làm ơn)”, “Would you mind (bạn có phiền)” là không thể thiếu. Có lần do vội hỏi đường, quên không nói thêm từ thể hiện sự lịch sự, Trang nhận được nhiều ánh mắt không hài lòng.

Mới chân ướt chân ráo sang trời Tây, ngỡ mình nói, người bản địa không hiểu nên cô bạn 8x nhắc lại nhiều lần câu hỏi, đáp lại là thái độ không vui vẻ.

Theo Trang, học tập ở Australia là quá trình nghiên cứu thực sự. Như kỳ đầu học 3 môn, tuần nào cũng bài tập tính điểm, môn nào cũng phải đạt 6.5/10. Mà mỗi bài tập ấy phải đọc ít nhất 10 quyển sách dày cộp, toàn các giáo sư uyên bác chấm highlight từng lỗi nhỏ nên 6.5 không phải là chuyện dễ.

Về công việc, nhiều người nói ở Australia dễ kiếm tiền, Trang thấy đúng so với mức thu nhập trung bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong 4-8 tiếng đó, bạn phải làm việc thực sự, không dùng điện thoại và 99% là không ngồi, hoạt động liên tục. “Bạn tưởng tượng bạn phục vụ chính trong một đám cưới với 300 người mà chỉ có bạn và 2 người khác. Bạn có thể kiếm được 1,5 triệu đồng trong 8 tiếng, liệu ngày nào bạn cũng làm được việc đó?”.

Theo Trang, những trải nghiệm này có nhiều khác biệt, nhưng cũng rất thú vị và tuyệt vời. Cô thấy mình may mắn khi được du học ở một đất nước văn minh, hiện đại và mọi người ở Australia thì rất tốt bụng, nhiệt tình, đáng mến.

Những bất đồng ‘cười ra nước mắt’ khi du học ở trời Tây - 1

Hằng Moon, du học sinh Séc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hằng Moon, du học sinh Séc chia sẻ về những khó khăn cô gặp phải trong tuần đầu du học. Hằng phải ra sở ngoại kiều và công an để đăng ký tạm trú. Nhưng ở đó họ không biết tiếng Anh, chỉ nói tiếng bản địa nên cô phải mất 2 tiếng ngồi giải thích và làm giấy tờ, trong khi nếu biết tiếng thì chỉ mất 15 phút.

Theo cô Hoa, thành viên sáng lập hệ thống trung tâm Anh ngữ Ms Hoa, để tránh mắc phải những tình huống dở khóc dở cười khi du học trời Tây, các bạn nên trang bị thêm các “vốn dắt lưng”.

Bạn cần tìm hiểu sự khác nhau giữa văn hóa Việt Nam và đất nước du học để có sự điều chỉnh phù hợp khi trò chuyện với người bản địa. Ví dụ, khi người nước ngoài hỏi “What is your favourite food?”, bạn không nên trả lời là “dog meat”; hoặc tránh vô ý dùng từ ngữ về phân biệt chủng tộc.

Những bất đồng ‘cười ra nước mắt’ khi du học ở trời Tây - 2

Cô Ms Hoa, thành viên sáng lập hệ thống trung tâm Anh ngữ Ms Hoa chia sẻ bí quyết tránh mắc phải những tình huống dở khóc dở cười khi du học trời Tây

Bạn cũng nên lưu ý cách ăn uống, chào hỏi, cử chỉ khi đến nhà người khác. Ở một số nước phương Tây, nếu thấy người bị ngã, ngất xỉu, dù là sinh viên trong trường, bạn cũng không được tự sơ cứu mà phải gọi điện thoại cấp cứu. Nếu không bạn có thể bị kiện vì không phải chuyên viên cấp cứu có bằng cấp.

Bên cạnh đó, khi du học tại các nước mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính, bạn cũng nên học trước một số câu nói thông dụng bằng tiếng bản địa, để có thể sử dụng tại ngân hàng, các địa điểm công cộng… Không phải lúc nào bạn cũng có thể gặp được những người biết nói tiếng Anh, đặc biệt khi cần sự giúp đỡ.

Để tìm hiểu kỹ hơn về đất nước sẽ du học, bạn có thể có thể tìm đến trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại hay Hội sinh Việt Nam để xin thông tin, kinh nghiệm từ những đàn anh đi trước.

Hiện nay, bạn có thể dễ dàng kết nối với hội sinh viên các trường, nước thông qua trang Facebook. Hoặc có một cách khá hay khác là kết bạn với một người bản xứ qua trang web của thành phố hoặc Facebook của họ.

Thế Đan/vnexpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC