Ở Matxcơva có không ít địa danh gắn với những sự kiện đáng nhớ trong quan hệ Nga-Việt. Một trong những nơi chốn như vậy là toà nhà số 28 bề thế, được xây dựng từ năm 1884, toạ lạc trên phố Malaya Nikitskaya mà thời Xô-viết mang tên gọi là phố Kachalova.

1 Nhung Chu Nhan Nguoi Viet Cua Toa Nha Tren Pho Lon Matxcova© Sputnik / V. Seleznev

Trong những thập niên qua, nơi đây thành trụ sở Đại sứ quán Tunisia. Tuy nhiên, trong suốt lịch sử gần một thế kỷ rưỡi của nó, toà nhà này đã được biết khá nhiều chủ nhân. Vào cuối thế kỷ 19, sống ở đó là vị đứng đầu đô thành Matxcơva, chức vụ mà hiện nay chúng ta gọi là Thị trưởng.

Từ năm 1938 đến năm 1953, đây là tư dinh của một trong những lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Xô-viết, Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Lavrentiy Beria khét tiếng. Còn từ cuối năm 1954 đến năm 1959, toà nhà này là trường nội trú dành cho các trẻ em Việt Nam.

Đề nghị của Hồ Chí Minh

Trong số các thiếu nhi người Việt này, có nữ sinh Lê Tiến Hoàn, sau này tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Matxcơva, trở thành nhà ngoại giao kỳ cựu đảm nhiệm công tác lâu dài trong Đại sứ quán Việt Nam tại Matxcova và một số nước khác. Hồi tưởng về trường nội trú Matxcơva, bà viết:

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ Liên Xô tiếp nhận, giáo dục và đào tạo một nhóm lớn các thanh thiếu niên Việt Nam để mai sau có thể tích cực làm việc vì lợi ích của quê hương đất nước.

Yêu cầu lập tức được chấp thuận và 100 người được gửi sang Matxcơva học đại học, 100 người khác được đào tạo chuyên môn tiếng Nga, và còn thêm nhóm thứ ba, gồm 100 trẻ em từ 9 đến 15 tuổi, là con của các nhà cách mạng Việt Nam và những vị anh hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp…

Xin nhắc rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu ra yêu cầu tương tự với Matxcơva ngay từ giữa những năm 1920. Chỉ khác là số lượng người trong yêu cầu: từ hồi đó gần một chục thanh niên Việt Nam đã đến Matxcơva học tập và làm việc. Rồi khi quân phát-xít Đức Hitler tấn công Liên Xô, những người Việt này đã tình nguyện gia nhập Hồng quân và hiến dâng cuộc đời mình vì chiến thắng trước chủ nghĩa phát-xít. Tuy nhiên chúng ta hãy quay lại chủ đề chính của cuộc trò chuyện hôm nay.

Sự đón chào ấm áp

2 Nhung Chu Nhan Nguoi Viet Cua Toa Nha Tren Pho Lon Matxcova

Hai nhóm đầu tiên được bố trí vào ký túc xá của những trường đại học mà các thanh niên Việt Nam theo học. Còn một trường nội trú đã được tổ chức dành riêng cho các em nhỏ, chính là trong toà nhà bấy giờ là số 28 phố Kachalova.

Ngày 3 tháng 10 năm 1954, bằng chuyến tàu hỏa từ Trung Quốc, các thiếu nhi người Việt đã đặt chân đến Matxcơva ở nhà ga đường sắt Yaroslavsky. Một thành viên trong nhóm này là Hồ Anh Dũng, sau này trở thành đại biểu Quốc hội và Tổng Giám đốc đài truyền hình Việt Nam, nhiều lần ghé thăm Ban Việt ngữ của Đài «Tiếng nói nước Nga» thời ấy (Sputnik hiện nay). Ông nhớ lại như sau:

Tại nhà ga, chờ đón chúng tôi không chỉ có đại diện chính quyền và các bạn đội viên thiếu niên tiền phong Matxcơva. Trong số những người mà chúng tôi được gặp có Anh hùng của cuộc chiến chống phát-xít Đức, phi công Alexei Maresyev lừng danh, còn có bà mẹ của hai Anh hùng Liên Xô Zoya và Alexandr Kosmodemyanskiy nổi tiếng.

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, một trong những em nhỏ học trò thời đó, sau này là cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva và là nhà phê bình văn học hàng đầu của Việt Nam, GS Phạm Vĩnh Cư cho biết:

Trường nội trú Matxcơva đã trở thành ngôi nhà thân yêu của chúng tôi. Dành cho chúng tôi có những phòng ngủ rộng rãi thoáng đãng, phòng học, thư viện và phòng ăn, phòng tập thể thao đã được chuẩn bị rất chu đáo. Còn có cả gian phòng lịch sự để đón tiếp các vị khách quý đến từ Việt Nam, có phòng xem phim, cũng như nơi tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ nhân lễ kỷ niệm các ngày hội lớn của Việt Nam và Liên Xô.

Chúng tôi có đàn piano và thậm chí cả chiếc TV, là thứ hiếm thấy ở Matxcơva vào thời bấy giờ. Ban tổ chức phân công 50 nhân viên người Nga của trường nội trú và ba giáo viên Việt Nam: Lý Trọng Hưng, Thái Hồng Hảo và Đặng Xuân Hoài đảm trách chăm lo đời sống và sức khỏe của 100 học viên nhỏ. Vị khách thường xuyên của chúng tôi lúc đó là Marian Tkachev, một trong những nhà Việt Nam học đầu tiên của Liên Xô, sau này trở thành dịch giả lớn nhất, chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Nga.

3 Nhung Chu Nhan Nguoi Viet Cua Toa Nha Tren Pho Lon Matxcova

Trong suốt cuộc đời mình, ông Trần Phú Thuyết sau này tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Điện Matxcơva và là nhà ngôn ngữ học, đã ghi nhớ tên họ của tất cả những người bạn mình hồi cùng sống ở trường nội trú.

Trong số đó có Đặng Việt Nga - con gái ông Trường Chinh, Lê Thị Diệu Muội - con gái ông Lê Duẩn, Võ Hồng Anh – con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Tín con trai ông Văn Tiến Dũng, và con em của nhiều Bộ trưởng, các nhà khoa học lỗi lạc, những anh hùng đã cống hiến cuộc đời cho chiến thắng của lý tưởng Cách mạng Tháng Tám như Hồ Tùng Mậu, Hoàng Hữu Nam…

Năm đầu tiên trong khuôn viên trường nội trú, toàn bộ chúng tôi đều học tiếng Nga, - ông Trần Phú Thuyết kể lại trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

- Mùa thu năm 1955, tương ứng với lứa tuổi và khối lượng kiến thức đã nhận từ cấp giáo dục tiểu học ở Việt Nam, chúng tôi được phân vào các lớp từ lớp Một đến lớp Sáu, cùng học tập với các bạn nhỏ người Matxcơva ở hai trường phổ thông số 660 và số 115 gần khu nội trú. Tôi cũng nhớ tên những người thầy Nga đã dạy dỗ và chăm sóc chúng tôi như Daria Terekhova, Anna Drozdova, Yakov Berlin, Mira Smirnova, Nina Iratova, Lyudmila Pimenova.

Hiệu trưởng trường nội trú là thầy Boris Suvorov, đại tá nghỉ hưu, từng tham gia chiến đấu với Đức Quốc xã. Thầy viết thơ và nhờ người bạn là nhà soạn nhạc phổ nhạc cho những lời thơ này thành bài ca riêng của trường nội trú. Yêu cầu của thầy đã được thực hiện. Có chi tiết thú vị là nhạc sĩ lại là anh trai của ông Vyacheslav Molotov Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô thời bấy giờ. Và sau đó, khi đã thạo tiếng Nga, tôi dịch lời bài ca sang tiếng Việt. Thế là chúng tôi hát bài ca của trường nội trú bằng hai thứ tiếng.

Trải nghiệm độc đáo

Doanh nhân Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nga hiện nay, được biết nhiều chi tiết về cuộc sống ở ngôi trường Matxcơva đặc biệt qua những câu chuyện của người mẹ là bà Nguyễn Hoàng Giang nữ sinh trường nội trú Matxcơva thưở xưa.

Trong các chuyến thăm Matxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ông Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, các lãnh đạo Bộ ngành, những nhà văn hóa nổi tiếng như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Thương Huyền thường đến thăm các học trò nhỏ ở trường nội trú.

Đại sứ đầu tiên của Việt Nam DCCH tại Liên Xô, ông Nguyễn Lương Bằng dành quan tâm lớn cho công tác chăm sóc giáo dưỡng các em nhỏ. Khi có thời gian rảnh ngoài giờ học, nhóm thiếu nhi được đi tham quan quanh Matxcova và vùng ngoại thành, vào mùa hè đi nghỉ trong Trại hè «Artek» trên bờ Biển Đen.

Hàng chục học sinh này đã tốt nghiệp các trường ở Matxcơva với thành tích huy chương vàng và bạc. Năm 1959, khi cuộc sống hòa bình đã ổn định ở Việt Nam DCCH, trường nội trú Matxcơva giải thể, các học sinh tốt nghiệp lớp 10 nhận cơ hội vào học tại các cơ sở đào tạo đại học ở Matxcơva và những thành phố khác, các em nhỏ trở về quê hương tiếp tục học tập ở Việt Nam.

Trường nội trú Matxcơva đối với các trẻ em Việt Nam thời ấy là trải nghiệm độc đáo, - doanh nhân Đỗ Xuân Hoàng nhận xét.

Từ Việt Nam sang Nga du học lúc đó không phải là những nhà cách mạng chuyên nghiệp như thời những năm 1920-1930, không phải là những người lớn, cũng không phải học sinh tốt nghiệp phổ thông, mà là các em nhỏ.

Trên thực tế, 100 cô bé cậu bé đến Matxcơva bắt đầu đường đời và cũng bắt đầu hình thành bản thể nhân cách ở đây.

Trong môi trường Nga, họ không chỉ thuần tuý được có mái nhà yên ấm che chở trên đầu, mà còn nhận khối lượng kiến thức bổ ích từ nền giáo dục chất lượng cao. Ở đây, bất kể bao khó khăn bề bộn chồng chất mà đất nước Xô-viết phải phấn đấu khắc phục chỉ một thập kỷ sau khi chiến thắng nước Đức Quốc xã, các em nhỏ người Việt vẫn được đảm bảo mức sống tốt.

Ở đây, những công dân Việt Nam trẻ tuổi được hưởng đời sống hoà bình, tươi sáng và hạnh phúc, thấm nhuần niềm tin rằng cuộc sống tuyệt vời như vậy cũng sẽ hiện hữu ở quê hương Việt Nam.

Học sinh trường nội trú Matxcơva đã mang những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng cuộc sống như vậy trên quê hương.

Ông Văn Tiến Tình là chỉ huy tiểu đoàn phòng không bảo vệ trụ sở Chính phủ, nhà máy xi-măng Hải Phòng và các chủ thể quan trọng ở Quảng Bình và Vinh. Các ông Trịnh Đông A và Hoàng Đức Du lập ra phương pháp đối phó với bom nổ chậm của Mỹ. Ông Trần Tiến Đức góp công lớn trong việc thiết lập đường truyền truyền hình trực tiếp giữa Việt Nam và Matxcơva trước thềm chuyến bay vũ trụ Xô-Việt.

Tác giả của hàng chục bài báo khoa học giá trị về điện hạt nhân được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới là bà Võ Hồng Anh, cựu nữ sinh nội trú Matxcơva. Nhiều đô thị ở Việt Nam được trang trí bằng các tòa nhà của kiến trúc sư Đặng Việt Nga, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Xây dựng Matxcơva.

Bà Lê Thị Diệu Muội bảo vệ luận án Tiến sĩ và Tiến sĩ Khoa học tại Liên Xô và trở thành nhà sinh vật học nổi tiếng toàn thế giới. Ông Hoàng Đức Nghi đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Vật tư. Những nhạc phẩm của Cao Việt Bách và Đỗ Dũng ngợi ca tôn vinh chiến công của các dân tộc Việt Nam và Liên Xô.

Nhiều cựu học sinh của trường nội trú Matxcơva trở thành giám đốc xí nghiệp và lãnh đạo công trình xây dựng lớn.

Tất cả những học trò nhỏ năm xưa, dù ở vị trí nào sau này, cũng đều thể hiện những nét tính cách cơ bản được hình thành trên mảnh đất Matxcơva: sự chân thành, tinh thần trách nhiệm cao, thái độ nhiệt tình tận tuỵ trong công tác và lòng trung thành với nhân dân. Và trong suốt đời mình, tất cả đều lưu giữ những kỷ niệm ơn nghĩa không thể phai nhạt về trường nội trú Matxcơva, - ông Trần Trí Luân, từng hoàn thiện tri thức về các vấn đề luyện kim tại hai trường đại học Matxcơva chia sẻ.

Sputnik Tiếng Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC