Cả năm trời làm vợ chồng mà chỉ chung sống qua nick chat và webcam, chị Ái chật vật ra tòa giải thoát cho mình.

Sau hơn một năm đưa đơn ly hôn anh Nam – người chồng 26 tuổi quốc tịch Mỹ – ngày 6/6 vừa qua, chị Ái (27 tuổi, huyện Củ Chi) cũng nhận được thông báo của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TP HCM thụ lý đơn. Từ Mỹ, anh Nam cũng có đơn đồng ý và xin được xử vắng mặt mình. Dù rất mệt khi phải đi hơn 70km từ sáng sớm, đến các cơ quan xin giấy tờ, nhưng chị Ái rất vui. Chị cho biết, để đi đến giai đoạn này đã phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc.

Chị Ái và chồng quen nhau khi anh đến TP HCM du lịch. Khi đó, chị là cô sinh viên mới ra trường đầy khát vọng. Với vốn tiếng Anh lưu loát, chị tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chuyến tham quan của anh. Còn anh rất ngưỡng mộ cô gái thật thà, tình cảm và tâm lý.

Sau chuyến du lịch, anh tỏ tình và được đồng ý. Đám cưới của họ diễn ra vào dịp Giáng sinh năm 2015. Sánh bước bên người chồng cao lớn, đẹp trai, chị vô cùng tự hào, nghĩ đến giấc mơ xuất ngoại sẽ thành hiện thực.

Sống bên vợ được một tháng, anh nói phải về nước tiếp tục công việc và làm các thủ tục pháp lý để chị được nhập quốc tịch Mỹ. Từ đó, mỗi ngày, hai người làm gì cũng dành thời gian lên mạng nói chuyện, xem hình của nhau. Chị thường xuyên online, mở webcam cho chồng xem. Anh đáp lại bằng những hình mặt cười, hình trái tim và thấy có lỗi khi không ở bên chăm sóc vợ. “Chỉ nhìn nhau qua mạng, nhưng tôi thấy rất ấm áp”, chị nhớ lại.

Những người vợ thành ‘Hòn Vọng phu’ chờ chồng ngoại bảo lãnh - 0

Hơn một năm qua, chị Ái phải thường xuyên nghỉ việc để vượt hơn 70km đến các cơ quan chức năng xin, chứng nhận giấy tờ để được tòa thụ lý đơn ly hôn. Ảnh: P.T.

Nhưng hơn một năm sống trong cảnh có chồng cũng như không, chị dần mệt mỏi, chán nản và đặt rất nhiều câu hỏi. “Lúc ốm đau, lễ tết hay vui buồn, người ta có chồng bên cạnh. Còn tôi chỉ nghe được những lời nói sáo rỗng, buồn vui, đau bệnh cũng một mình”, chị tự nhủ phải giải thoát cho mình.

Dù anh nhiều lần năn nỉ, xin vợ nghĩ lại, nhưng chị một mức từ chối. “Anh ấy bảo sẽ làm thủ tục cho tôi sang đoàn tụ mà mãi chẳng thấy. Anh ấy bảo về thăm tôi, nhưng chỉ hứa. Một người chồng như vậy không đáng tin và trẻ con”, chị tâm sự.

Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn luật sư TP HCM cho biết, vì ham muốn đổi đời, rất nhiều cô gái Việt chấp nhận lấy chồng ngoại khi chưa tìm hiểu kỹ bạn trai, không biết gì về cuộc sống của họ. Cho đến khi bước vào cuộc sống hôn nhân, chịu cảnh có chồng như không thì họ quyết định chia tay, nhưng vô cùng trần ai. Bởi vì những vụ án này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tống đạt, do địa chỉ của người chồng không rõ hoặc anh ta cố tình lẩn trốn.

Mất hơn ba năm gửi đơn, gõ cửa từng cơ quan chức năng, chị Hường, 32 tuổi (quận 1) mới được TAND TP HCM cho đơn phương chấm dứt hôn nhân với anh Hoàng, hơn vợ 15 tuổi, quốc tịch Mỹ. Giờ đây, chị một mình nuôi con trai 5 tuổi và gặm nhấm nỗi cô đơn. Mỗi khi nghe con hỏi về ba, lòng chị quặn thắt.

Năm 2011, chị hướng dẫn cho đoàn của anh cùng công ty sang du lịch. Vẻ ngoài xinh đẹp, nhanh nhẹn, tiếng Anh lưu loát, nói chuyện dí dỏm của chị đã thu hút sự chú ý của anh. Suốt chuyến đi, anh luôn tìm cách tiếp cận chị để xin nick chat, số điện thoại.

Trở về nước, anh thường xuyên gọi điện, nhắn tin. Với sự thông minh, biết cách thu hút người đối diện, anh đã chiếm trọn trái tim chị chỉ sau hai tuần nói chuyện qua thế giới ảo. Được bà thông gia từ Mỹ sang trao đổi việc tổ chức đám cưới, bố mẹ chị đã rất tin tưởng.

Sau đám cưới, anh sống với vợ một tháng rồi bay về nước, hứa sẽ làm thủ tục bảo lãnh, để chị lại với cái thai hơn 4 tháng. Mỗi lần online nói chuyện anh đều nói yêu thương vợ, hứa đủ điều, nhưng khi biết vợ sinh con thì mất tích đầy bí ẩn. “Tôi tìm mọi cách liên lạc với anh ấy mà chẳng được. Gọi cho nhà chồng thì không ai bắt máy và biết được đó là số điện thoại không có thật”, chị kể.

Con trai giống anh như đúc. Chị chụp hình, gửi vào mail với mong muốn sẽ được chồng chia sẻ niềm vui. Nhưng anh vẫn im ỉm. Hơn hai năm liền tìm mọi cách liên lạc không được, chị mệt mỏi, chán nản và từng muốn làm điều dại dột.

Cuối cùng chị quyết định chia tay người chồng ngoại quốc. Nhưng do địa chỉ anh cung cấp trên giấy tờ không đúng, vì thế vụ việc tưởng như rơi vào bế tắc. Hơn ba năm gõ cửa khắp nơi và ủy thác tư pháp không thành công, chị mới được đơn phương chấm dứt hôn nhân.

Theo luật sư Bình, tình cảnh như chị Ái và chị Hường không phải hiếm. Nhiều người phải mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như nước mắt vẫn chưa thể tìm được địa chỉ của chồng để được tòa xem xét. Vì thế, theo luật sư, để tránh hậu quả các cô gái hãy tỉnh táo, tìm hiểu kỹ bạn đời trước khi kết hôn, đừng vì liều rồi phải hối hận thì đã muộn.

Vị luật sư cũng cho biết, theo quy định của luật hôn nhân gia đình, khi kết hôn với người nước ngoài, các cô gái phải chứng minh được tình yêu là tự nguyện và cung cấp các giấy tờ thì mới được đồng ý. Khi ra tòa chia tay thì phải cung cấp địa chỉ chính xác của chồng và người liên quan thì mới được xem xét. Chính vì lý do này mà nhiều vụ án trở nên ách tắc, những người vợ  mòn mỏi để được trở về đời độc thân.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Nguồn: Phan Thân

VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC