Nhưng, theo “xu hướng thời đại,” phụ nữ ngày nay, nhất là những người trẻ, lại thích tự nguyện vào bếp để trổ tài, bằng cách làm theo vô vàn những video clip dạy nấu ăn, làm bánh tung đầy trên các mạng xã hội, trước là để tự mình và gia đình bạn bè thưởng thức, sau là để… chụp hình, đăng lên Facebook hay Instagram “khoe.”
Beth Phạm bên chồng con, những fan hâm mộ số 1 của Beth trong chuyện hướng dẫn nấu ăn trên mạng (Hình: Beth Phạm cung cấp)
Trong số này, những ai đã từng “lọ mọ” vào Google để tìm cách thức làm món này món kia, có lẽ ít nhiều đều biết đến các món ăn do các nick name Vành Khuyên, Liên Ròm và Beth Phạm hướng dẫn.
Ba người, mỗi người ở một quốc gia khác nhau, không ai xuất thân từ trường lớp nấu ăn chuyên nghiệp, nhưng lại đều có cùng một đam mê chuyện bếp núc, và chia sẻ được kinh nghiệm làm bếp của mình đến với nhiều người, qua Youtube, Facebook và blog.
Con đường trở thành… “bà thầy” dạy nấu ăn trên mạng
Facebook hướng dẫn nấu ăn của Vành Khuyên (Hình chụp từ Facebook)
Chưa một ai trong số Vành Khuyên, Beth Phạm, và Liên Ròm lại nghĩ có lúc mình sẽ trở thành “thầy dạy nấu ăn” được nhiều người biết đến.
Nếu video đầu tiên của Vành Khuyên, một phụ nữ đang sống tại Đức, được thực hiện là để giúp cho Liên Ròm, người đang sống tại Anh, biết cách làm phở tráng tay là như thế nào, thì video đầu tiên mà Beth Phạm, hiện sống ở Pennsylvani, mày mò thực hiện cũng cốt ý cho bà con khắp nơi, từ Việt Nam qua đến nước ngoài biết cách làm những món mà Beth từng làm cho họ ăn và khen ngon. Liên Ròm cũng lần hồi trở thành “sư phụ” sau thời gian tham gia vào trang Webtretho để “bàn tán” chuyện chăm sóc con cái.
Trang Youtube hướng dẫn nấu ăn bằng tiếng Anh và tiếng Việt của Beth Phạm, hiện sống ở Pennsylvania, Hoa Kỳ (Hình chụp lại từ màn hình)
Vành Khuyên kể qua điện thoại bằng giọng miền Nam hiền lành, “Mình theo chồng qua Đức từ năm 2005. Do chồng có việc làm khá tốt nên mình chỉ ở nhà nội trợ, rồi bày ra làm món này món khác cho gia đình ăn.”
“Còn chuyện mình quay clip nấu ăn thì bắt đầu từ chị Liên Ròm. Mình quen chị qua trang Webtretho, mình chỉ cho chị Liên Ròm cách làm phở tráng tay nhưng chỉ làm hoài không được nên kêu quay video cho chỉ coi,” cô gái lấy nickname là tên của chú chim “màu nhiệm” trong truyện cổ tích Tấm Cám, nhớ lại.
Thế là sau clip “bánh phở tráng tay,” Vành Khuyên tiếp tục với video bún, bánh canh.
Beth Phạm, sang Mỹ theo chồng từ năm 1998, thì nhớ lại, “Năm 2016 em về Việt Nam chơi và làm những món như heo quay, thịt xá xíu… cho gia đình ăn. Ai cũng khen ngon, nói em chỉ họ làm. Em chỉ nhưng họ làm không được, thế là em nghĩ đến chuyện quay video bỏ lên Youtube cho họ xem thì họ sẽ làm được.”
“Rồi em lại có suy nghĩ là mình làm các video nấu ăn, nhất là các món Việt Nam, để dành lại cho con em, cháu em. Mà phần lớn những đứa trẻ ở đây lại không giỏi tiếng Việt, thế nên từ đầu làm video, em sử dụng tiếng Anh luôn, dù em nói tiếng Anh cũng không giỏi gì lắm,” người phụ nữ có gương mặt đôn hậu nói một cách khiêm tốn.
Dùng tiếng Anh để hướng dẫn làm các món ăn, nhưng bên dưới mỗi Youtube, Beth đều có phần hướng dẫn bằng tiếng Việt.
Blog chia sẻ từ chuyện nấu ăn, chăm sóc nhà cửa, con cái của Liên Ròm, người hiện đang sống ở Anh. (Hình chụp lại từ màn hình)
Với chị Liên Ròm thì hơi khác một chút. Như chị nói, “Thế mạnh của mình không phải là video clip mà là blog, và Facebook.”
Cũng là một phụ nữ “tòng phu” theo chồng sanh Anh từ năm 2000, “thời gian đầu rất buồn nên mình gia nhập vào trang Webtretho, một trang web nuôi dạy con cái lớn nhất Việt Nam và từ từ kết bạn muôn phương, và sau đó qua blog, qua Facebook và ngày càng có nhiều bạn hơn. Cũng từ đây mà mình có nhiều bài viết chia sẻ từ chuyện nấu ăn, chăm sóc sức khỏe, đến nuôi dạy con,” Liên Ròm cho biết.
Làm vì đam mê, không vì kiếm tiền
Đó là tâm tình chung của ba người phụ nữ dành nhiều thời gian và tâm sức cho công việc gần như “thiện nguyện” này.
Có một điều phải nói ngay rằng, ngoài những người sử dụng các trang mạng xã hội để thu thập thông tin, giải trí, chuyện trò tán gẫu với bạn bè, thì nhiều người dùng mạng xã hội, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm về một vấn đề gì đó, là nhằm để thúc đẩy công việc kinh doanh của riêng họ, như mua bán hay giới thiệu sản phẩm… Thế nhưng, với Beth Phạm, Vành Khuyên, và Liên Ròm thì hầu như tất cả đều làm vì… thích làm, không vì mục đích thương mại.
Video hướng dẫn làm chả giò nổi tiếng của Vành Khuyên, hiện đang sống ở Đức (Hình chụp qua màn hình máy tính)
“Thỉnh thoảng Youtube có trả tiền, nhưng tiền để mua cho con một đồ chơi vài chục Euro thì được, chứ nói là kiếm thu nhập thì không thể,” Vành Khuyên cho biết. Còn với Beth Phạm thì “em có chồng nuôi rồi nên không có nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ Youtube, họ có trả nhưng rất là tượng trưng, em không quan tâm chuyện đó.”
Làm không vì tiền, nhưng xem qua mỗi Youtube mà Vành Khuyên, Beth Phạm, hay blog mà Liên Ròm thực hiện, có lẽ ai cũng phải công nhận rằng họ đã làm bằng tất cả sự tận tâm, chỉ dẫn kỹ lưỡng, tỉ mỉ, để ai cũng có thể thực hiện món ăn đó một cách dễ dàng.
Một điều đặc biệt nữa là ngoài Beth Phạm là “hiện hình” khi hướng dẫn nấu ăn, còn lại Vành Khuyên và Liên Ròm chỉ xuất hiện có… hai bàn tay qua màn ảnh.
Nếu vào Google gõ chữ “Vành Khuyên nấu ăn” bạn sẽ thấy hiện ra ngay không biết bao nhiêu là món ăn được thực hiện bởi người phụ nữ này. Trong đó phải nhắc đến món chả giò.
Đến thời điểm này, Youtube “Chả Giò – Bí quyết làm Chả Giò Bánh Tráng Việt Nam” của Vành Khuyên có hơn 2.6 triệu lượt người xem.
Ngoài ra, bạn còn có thể xem Vành Khuyên trổ tài trong các clip hướng dẫn làm “Bánh Xèo – Bí quyết pha Bột đổ Bánh Xèo giòn” cũng trên 1.2 triệu lượt người xem, hay nhiều món khác như cách nấu xôi cấp tốc, cách ướp thịt bò thịt heo nướng, lẩu vịt, tôm rang muối, cách pha bột đổ bánh bèo, bánh ướt tôm cháy…
Độc đáo nhất ở Vành Khuyên chính là hướng dẫn “chế” ra chiếc nồi để làm bánh phở, bánh cuốn, bảo đảm không đụng hàng!
Còn Beth Pham thì được hơn 1.6 triệu lượt người quan tâm với youtube “How to make EASY and Crispy Roasted Pork Belly – Thịt Heo Quay.” Ngoài những món ăn thuần Việt của bếp nhà Beth như cách làm bánh tét nhân chuối, bánh cam, bánh bò nướng, vịt quay, gà quay, chả lụa, bánh mì Việt Nam, bánh đúc mặn, chạo tôm,… Beth Phạm còn có khá nhiều món ăn của các nước khác, như sườn đúc lò, miến trộn Hàn Quốc, khô bò, pate gan gà,…
Liên Ròm thì trong thời gian qua được nhiều người tìm đến với những chỉ dẫn cặn kẽ về cách làm bún, bánh canh, phở, nui, miến… bằng máy Philips
Liên Ròm, người đang làm việc trong một bệnh viện, tâm sự, “Những ngày đầu tiên ‘chơi mạng’ Ròm viết công thức bằng hình, chỉ thỉnh thoảng mới quay những video clip tập trung vào ý chính của video cần quay chứ không quay hết một bài nấu ăn từ A-Z.”
“Gần đây vì muốn mọi người hiểu rõ hơn về cách làm bún, phở, mì… bằng máy Philips nên Ròm mới quay video nhiều hơn để mọi người có thể làm bún an toàn tại nhà và cũng muốn mọi người hiểu hơn về máy, về bột, về các nguyên liệu được sử dụng,” chị nói bằng cách xưng tên “Ròm” khá ngộ nghĩnh.
Vào Google, bạn có thể gõ chữ “Liên Ròm” để tìm hiểu thêm về các blog mà người phụ nữ này gầy dựng liên quan đến chuyện nấu nướng, chăm sóc nhà cửa.
Như vào lienrom.blogspot.com chẳng hạn, mọi người có thể tìm thấy cách hướng dẫn sử dụng hay mua các dụng cụ làm bếp, cách dùng Air Fryer, oven, máy Philips pasta, và nhiều “menu” gồm các món gà, món heo, món ngọt, món Noel, món phụ, món chay,… được sắp xếp trình bày rất khoa học.
Facebook chia sẻ kinh nghiệm sử dụng các dụng cụ nhà bếp của Liên Ròm (Hình chụp lại từ màn hình máy tính)
‘Nghe ai nấu được thành công là cảm thấy rất vui’
Nói về những clip của mình, chị Liên Ròm cho rằng, “Khi quay video thì Ròm đưa thẳng lên facebook để các anh chị em coi và share về Facebook của mình. Nên thú thật Ròm ít khi nào quan tâm video nào được coi nhiều hay coi ít, view nhiều hay ít, hoặc được bao nhiêu ‘like’ lắm. Điều Ròm bận tâm đó là bao nhiêu người làm được đồ ăn an toàn tại nhà từ những bài viết của Ròm, từ những video của Ròm thôi.”
“Ngoài ra Ròm chỉ có một facebook và mục đích của Ròm là giúp đỡ cho các bạn cần học cách làm chả lụa cũng như làm bún, phở. Ròm trả lời tất cả các câu hỏi cũng như tin nhắn để giúp đỡ cho mọi người chứ không viết nhiều nơi,” chị nói thêm.
Là người có hơn 200 video clip hướng dẫn nấu ăn, Vành Khuyên chia sẻ, “Lúc đầu mình không làm nhiều, nhưng từ sau khi má mất, mình rơi vào khủng hoảng. Khi đó, có nhiều người vào xem các clip nấu ăn của mình, họ chuyện trò, an ủi, và những câu chuyện xoay quanh nấu ăn khiến mình nguôi ngoai nỗi buồn.”
“Lúc đó mình cũng hơi mũm mĩm, nhưng làm clip hoài cực quá ốm luôn,” Vành Khuyên cười nói.
Tất cả video của mình, “Vành Khuyên đều tự quay, tự edit lại cho gọn gàng, không dài quá nhưng cũng phải đủ cho mọi người hiểu để làm,” chị cho biết.
Theo Vành Khuyên, thực ra để có được một video cho mọi người xem, trước đó cô cũng đã phải thử đi thử lại rất nhiều lần cách làm của mình, “không biết bao nhiêu lần phải ăn những món làm thất bại trước khi tìm ra được công thức thích hợp nhất.
” Ví dụ như món bánh canh, “lúc đầu không biết làm, qua nhà được người chị em bạn dâu chỉ làm nhưng không theo liều lượng, chỉ làm theo kinh nghiệm, rồi mình về mày mò qua công thức, liều lượng để chia sẻ lại với mọi người.”
Với món chả giò được nhiều người biết của Vành Khuyên cũng thế, cô cũng trải qua không biết bao nhiêu lần cuốn thử với nhiều loại bánh tráng, cách làm sao để giữ cho chả giòn được giòn lâu…
Vành Khuyên tâm sự, “Khi làm cảm thấy vui, thấy mình có ích, thấy mình có giá trị hơn khi được mọi người xúm lại hỏi thêm kinh nghiệm. Khơi dậy được niềm vui thích nấu ăn cho các gia đình là mình cảm thấy hạnh phúc rồi.”
Cô kể thêm, “Hôm trước mình hướng dẫn làm bánh cuốn. Sau đó có một người ở Việt Nam nhắn tin cho biết nhờ cách hướng dẫn của mình mà cổ mở được một quán bánh cuốn thịt nướng, nói khi nào mình về Việt Nam gia đình cổ sẽ hậu tạ. Mình không cần hậu tạ, chỉ nghe vậy là vui lắm rồi.”
Với Beth Phạm, người hiện có trên cả trăm video hướng dẫn nấu ăn trên Youtube cũng cho rằng, “Số người làm thành công khiến mình vui hơn là số lượng người coi.”
Trước đây, Beth chủ trương làm video bằng tiếng Anh để các em sinh ra ở Mỹ có thể xem được. Nhưng, như Beth nói, “Nhiều người gửi email nói, thôi cô đã giúp thì giúp cho trót, làm thêm clip bằng tiếng Việt thì tôi mới hiểu.’ thế nên từ Mùa Xuân 2017 thì mỗi món ăn em đều làm thành hai clip, một bằng tiếng Việt, một bằng tiếng Anh.”
Với Beth, thời gian nấu nướng không lâu, nhưng phải tốn thời gian nhiều ở việc chuẩn bị, rồi quay rồi ‘edit.’ Chưa kể, có lúc quay thấy không đẹp thì lại phải làm lại để quay lại.
Giống như Vành Khuyên và Liên Ròm, Beth Phạm cũng có niềm vui thật trong sáng khi biết được mọi người xem và làm thành công được một món nào đó từ sự hướng dẫn của mình.
“Niềm vui khi ‘post’ video lên là mình khuyến khích được người ta coi xong chỉ muốn nhảy vô bếp làm liền,” Beth nói bằng giọng hào hứng.
Beth tâm sự, “Tâm nguyện của em khi thực hiện những video nấu ăn này còn là để lại cho các con, cháu mình. Em muốn tụi nó hiểu thức ăn Việt Nam rất ngon nếu như có công thức đúng, chính xác.”
Tâm nguyện của Beth cũng là của Vành Khuyên, của Liên Ròm, những người phụ nữ sống tại những quốc gia khác nhau, nhưng vẫn mang trong lòng một tâm hồn thuần Việt thể hiện qua những món ăn xuất hiện trong các bữa cơm gia đình, và họ muốn những món ăn Việt Nam đó sẽ mãi được duy trì ở thế hệ sau nơi đất khách.
Nguồn: Ngọc Lan/Người Việt