“Mỗi lần gặp người Việt Nam từ trong nước sang, tôi vui lắm, cứ như mình đang ở quê vậy”, người quản lý quán Phở Việt trong một khu ẩm thực ở đường Leninskiy Prospekt, ngoại ô thủ đô Moscow, Liên bang Nga hồ hởi nói với chúng tôi.

42 1 Noi Dau Co Nguoi Viet Noi Ay Thay Que Huong

Quán Phở Việt trong khu ẩm thực ở đường Leninskiy Prospekt, Dome 108, ngoại ô Moscow tấp nập khách. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tay thoăn thoắt chuyển đồ ăn cho khách, người phụ nữ quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình chia sẻ, chị sang đây đã ngót nghét 30 năm và quán phở này do con trai chị mở cũng được 4 năm.

Chị cho biết, người Nga khi sang Việt Nam rất thích ăn phở, bởi món ăn này có hương vị rất đặc biệt. Nắm bắt được khẩu vị của người Nga, con trai chị - Hà Trần (hiện đã nhập quốc tịch Nga) - đã mở quán phở này.

Từ một cửa hàng, giờ đây Phở Việt của gia đình chị đã lên tới 4 cửa hàng. Thấy chúng tôi tò mò nhìn vào hai chiếc mũ cối và chiếc loa gắn trước cửa hàng, chị cười xòa giải thích: “

Ông chủ khu ẩm thực yêu cầu chủ cửa hàng là người nước ngoài phải trang trí gian hàng theo đặc trưng của nước mình. Vì thế, tôi chọn mũ cối và chiếc loa, để nhớ về thời bao cấp khó khăn trước đây”.

Ở Moscow, để thưởng thức một bát phở ngon không khó khăn.

Tại Phở Việt, một bát phở có giá 350 rúp (khoảng 120.000 đồng), trong khi bát bún cá có giá 400 rúp (khoảng 130.000 đồng). Ngồi đung đưa trên chiếc ghế cao trong khu ẩm thực ở ngoại ô Moscow và thưởng thức đủ các món phở bò, bún cá, bún chả... mà chúng tôi ngỡ như mình đang ngồi ăn ở phố Hàng Cót hay ngõ chợ Đồng Xuân của Thủ đô. Bất chợt nhớ Hà Nội da diết.

Chẳng trách bà con xa xứ lúc nào cũng mong ngóng gặp đồng hương ở xứ người, bởi như lời chị quản lý quán Phở Việt, với họ, nơi đâu có người Việt là thấy quê hương ở đó. Theo thống kê, cộng đồng người Việt tại Nga hiện có khoảng 80.000 người, hơn 20% trong số đó sống và làm việc tại thủ đô Moscow. Cộng đồng người Việt ở Nga chủ yếu sinh sống bằng nghề bán buôn, bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp nhẹ và các loại hàng nông, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ...

Ngoài ra, còn có sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh tại các trường đại học của Nga. “Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Nga nên một số người Việt đã về nước nhưng phần đông vẫn ở lại, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn”, chị quản lý Phở Việt chia sẻ.

Mải hỏi han tình hình cộng đồng người Việt ở Nga nên cho đến lúc chia tay chúng tôi vẫn quên, chưa hỏi tên chị. Nhưng chị thì không quên chúc các đội tuyển Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia thi đấu ở Army Games 2020 giành chiến thắng và mời chúng tôi ghé quán một lần nữa trước khi về nước. Không chỉ người Việt xa xứ gặp nhau trên đất Nga mới thấm thía hai chữ “đồng hương”.

Trong quá trình tác nghiệp tại thao trường Alabino ở ngoại ô Moscow, chúng tôi đã gặp một số đôi vợ chồng Nga-Việt, như chị Trần Phi Na và anh Sergey Bunyakov, những người coi cả nước Nga và Việt Nam đều là quê hương của mình.

Thậm chí có người Nga nghe chúng tôi nói chuyện đã đến nhận là “đồng hương”. Đó là vào chiều 28-8, khi trận đấu lượt 2 của nhóm 1 bảng 2 vòng loại cuộc thi “Xe tăng hành tiến” trong khuôn khổ Army Games 2020 vừa kết thúc; trong lúc nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân chuẩn bị rời khán đài trở về trung tâm báo chí, một người đàn ông đứng tuổi, dáng người cao lớn cùng một cậu bé đến nói với chúng tôi:

“Tôi là người Nga, nhưng Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi”. Rồi với vốn tiếng Việt ít ỏi, ông giới thiệu mình là Anatoliy Polyakov, có vợ là người Việt Nam. Từng có thời gian công tác tại TP Hồ Chí Minh nên ông coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Biết chúng tôi là người Việt nên ông cùng cháu ra nhận đồng hương.

Cảm ơn chị quản lý Phở Việt, ông Anatoliy Polyakov cũng như vợ chồng Trần Phi Na - Sergey Bunyakov - những người luôn hướng về quê hương Việt Nam và là cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.

LINH OANH - LÂM TOÀN - HUY QUÂN

Nguồn: qdnd.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC