Nỗi lòng chủ tiệm nail, không phải ai cũng hiểu

Làm thợ nail, ít người tránh khỏi ước mơ trở thành chủ tiệm. Nhất là những người có kinh nghiệm lâu năm, biết khéo léo chiều khách. Trong mắt nhiều người thợ, làm chủ được “ăn trên, ngồi trốc,” làm ít, tiền nhiều, là những kẻ “bóc lột sức lao động” của mình.

 Ước mơ “đổi đời” cứ lớn dần, và khi có điều kiện, họ sẵn sàng giã từ kiếp làm thợ, trở thành chủ tiệm, để “trả thù” những năm tháng “cúi gầm mặt làm cho người ta.”

Thế nhưng khi mở tiệm, không ít người bối rối trước hàng đống công việc phải giải quyết hằng ngày. Lúc đó họ mới hiểu rằng, để tiệm nail ngày càng phát đạt, người chủ cũng phải trải qua rất nhiều đắng cay, và nhiều lúc phải trả giá cho những sai lầm, thiếu sót của mình.

Cái vòng luẩn quẩn

“Chủ tiệm nail thường từ thợ lên. Và tôi cũng vậy,” cô Nancy, chủ tiệm nail vùng Huntington Beach mở đầu câu chuyện với tôi như thế.

Lý do rất đơn giản:

“Tôi làm nail hơn 15 năm, nhờ siêng năng học hỏi nên tay nghề tôi rất vững. Trong hơn 15 năm làm thợ, tôi chỉ đổi chỗ có 3 lần, vì nơi nào tôi cũng có khách, được chủ quý lắm. Lương tôi khá cao, nhờ quen toàn khách ‘sộp’. Tôi nghĩ chẳng lẽ mình làm thợ suốt đời sao, thế là tôi tìm đường mở tiệm.”

Nỗi lòng chủ tiệm nail, không phải ai cũng hiểu - 0

Nhiều người thợ miệt mài làm việc và nuôi ước mơ làm chủ tiệm nail. (Hình: Getty Images)

Nhưng mở tiệm không dễ. Mấy người chủ tiệm nail tôi gặp, đều ngao ngán khi nhớ lại những ngày đầu mở tiệm.

Tìm địa điểm, xin giấy phép sửa chữa, trang trí tiệm, cho đến việc tuyển thợ, mua supply,… và hàng trăm chuyện không tên khác phải giải quyết. “Ðương nhiên phải có chút vốn mới mở tiệm được, nhưng cái lo nhất vẫn là khách hàng,” nhiều chủ tiệm nail chia sẻ.

Vì thế nên, người ta không ngạc nhiên khi thấy một người thợ nail ra mở tiệm ngay gần tiệm mình đã làm, chỉ cách tiệm cũ một block đường, để dễ kéo khách quen đến tiệm mới.

Họ tin rằng với tay nghề và mối quan hệ tốt đẹp trước đây, riêng số khách quen trước cũng sẽ đủ trang trải chi phí trong những tháng đầu ‘build’ (xây dựng) tiệm. Chuyện tìm khách mới từ từ sẽ tính.

Cô Nancy “biết rằng mình làm điều đó có cái gì không phải với chủ cũ, nhưng làm sao được!” Ðể thoát khỏi kiếp làm thợ thì “phải làm vậy thôi!”

Tôi hỏi: “Thế cô có sợ mai mốt, thợ của cô cũng sẽ ra mở tiệm cạnh tranh với cô không?”

Im lặng một lúc rồi cô đáp: “Sợ chứ anh, nhưng biết làm sao bây giờ!”

Bà Hậu Nguyễn, chủ một tiệm nail khá nổi tiếng vùng Anaheim Hill, người là “nạn nhân” của nhiều người thợ bà đã đào tạo, cho biết:

“Tôi mở tiệm cho đến nay cũng được hơn 15 năm rồi. Khách của tôi đông nhất là Mỹ trắng, nên họ đòi hỏi phẩm chất và cách phục vụ rất cao. Thợ giỏi ở đâu về đây làm cũng không dễ vừa lòng họ được. Tôi phải vừa dạy thêm để thợ nâng cao tay nghề, vừa chỉ họ cách nói chuyện với khách hàng. Thế nhưng được vài năm, khi tay nghề họ vững rồi thì họ biến, đi ra mở tiệm riêng.”

“Khi người thợ đầu tiên bỏ ra mở tiệm riêng, cũng gần tiệm tôi thôi, tôi bị ‘sốc’ dữ lắm. Tôi ‘rút ruột’ chỉ dạy như người trong nhà mà! Nghĩ lại, trước đây mình cũng làm thợ rồi ra mở tiệm, nên cũng nguôi ngoai. Nhưng tôi không mở tiệm gần tiệm chủ cũ, đâu có ‘bất nhân’ quá vậy?”

Tiệm của bà Hậu có đến 16 ghế, hầu như lúc nào cũng có 8 đến 10 khách, “cuối tuần còn đông hơn, khách phải chờ.”

Bà Hậu cho biết:

“Làm vừa lòng khách đâu có dễ anh! Phải biết mềm mỏng, khéo léo, nói chuyện cũng vừa phải, để tạo tình thân thôi. Mất khách là mất tiệm như chơi. Nhiều khi khách phàn nàn thợ làm không đẹp, không vừa ý, tôi xin lỗi rồi bớt ngay 50%, sau đó chỉ cho người thợ phải cẩn thận chỗ nào. Bớt tiền khách, nhưng tôi vẫn trả nguyên cho thợ. Có thế thợ mới nể, mới thương mình. Vậy mà cũng có đứa ‘ăn cháo đá bát’ như thường!”

Những bài học mà bà Hậu học được đã cho bà một số kinh nghiệm để đối phó với việc thợ bỏ đi mở tiệm mới cạnh tranh với tiệm của bà.

Bà nói:“Giờ tôi khôn rồi. Mình thương thợ thì thương, vì họ giúp mình kiếm tiền, nhưng cũng thương chừng mực thôi. Thợ vào đây làm phải ký với tôi một “hợp đồng không cạnh tranh” trong phạm vi bán kính 5 miles. Ai không đồng ý thì thôi. Tôi không cho thợ trực tiếp tính tiền, hay lấy hẹn với khách. Tự làm các việc đó, họ sẽ tìm cách lấy số điện thoại của khách. Tất cả công việc này đều phải qua tôi, nếu tôi nghỉ thì đứa cháu tôi sẽ lo.”

“Ðôi khi muốn trở lại làm thợ cho khỏe”

Ðó là lời tâm sự của cô Bích Trâm, chủ một tiệm nail nhỏ ở vùng Little Saigon.

Làm thợ được chừng 8 năm, khi tay nghề vững vàng, cô ra mở tiệm với hy vọng “đổi đời.” Tiệm của cô có 6 ghế, nhưng chỉ có 4 thợ. Nếu khách vào đông thì cô cũng xuống làm lấy luôn. “Tìm thợ cũng khó lắm anh.”

Bích Trâm cho biết:

“Ðược người tánh tình tốt không nói làm gì, nhiều khi gặp cô thợ cứ thích ‘talk’ (nói chuyện), rồi nói xấu người này người kia, rồi tranh khách của nhau nữa, thì khổ! Giải quyết chuyện thợ với thợ thôi cũng đủ hết ngày. Làm chủ rồi mới biết, hàng trăm thứ phải lo; đôi khi bực mình hơi lớn tiếng một chút là mấy người thợ giận. Rồi mình lại xuống nước, xin lỗi, làm hòa! Chứ để họ giận lâu, họ xài hao supply của mình thì chết! Hai người thợ mới nghỉ cũng chỉ vì hiểu lầm, nhưng thôi lỡ rồi, tôi đang tìm thợ khác.”

Cái giá của sự “đổi đời” xem ra không rẻ.

Cô Bích Trâm hiểu rằng mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, nhưng hình như cô có vẻ mệt mỏi sau hơn một năm mở tiệm.

“Nói chung tôi sống cũng được. Nhìn thấy chia 6/4 (thợ 6 phần, chủ 4 phần) nhiều người cứ nghĩ chủ lấy gì nhiều thế. Họ đâu có hiểu tôi phải bỏ vốn ra trang trí tiệm, mua sắm đồ đạc, rồi tiền supply, tiền điện nước, tiền bảo hiểm tiệm, hàng trăm thứ tiền chứ đâu có ít. Rồi còn bị căng thẳng khi State Board xuống kiểm tra nữa, sơ suất là bị phạt, mà phạt có ít tiền đâu anh? Tiền thì kiếm nhiều hơn lúc làm thợ thiệt, nhưng mệt đầu óc lắm, nên đôi khi tôi muốn dẹp tiệm trở lại làm thợ cho khỏe.” 

Nỗi lòng người “phá giá”

Chiêu “phá giá” được những người thợ mới mở tiệm nail dùng nhất. Họ cho rằng đây là cách nhanh nhất để lôi kéo khách về tiệm mình.

Cô Bích Trâm là một người dùng chiêu này. Suy nghĩ mãi cô mới chia sẻ:

“Hồi mới mở tiệm, vì cạnh tranh quá nên tôi phải bớt giá xuống. Nghĩ, thôi lấy công làm lời, sau này tiệm đắt khách rồi mình tính lại. Nói cho cùng, thì nhờ đó khách cũng không tệ, nhưng tìm thợ rất khó. Họ nói giá tiệm tôi thấp thì họ kiếm được tiền ít nên không làm. Tôi phải năn nỉ ráng làm thời gian rồi tính, giá thấp nhưng đông khách, đủ việc làm, nên lương cũng đủ sống. Tôi biết họ cũng chỉ làm một thời gian ngắn thôi, nếu thấy tiệm khác giá cao hơn cần thợ, họ cũng bỏ mình đi thôi.”

Cô Bích Trâm hối hận, vì khi tiệm bắt đầu có khách quen rồi, cô lại không dám lên giá:

“Mới đầu mình nghĩ có khách ổn định rồi tôi lên giá một chút, nhưng giờ lại sợ. Lỡ lên giá, dù chỉ cao bằng tiệm gần nhất chăng nữa, khách không quay trở lại thì sao! Mà không lên cũng khổ. Giờ như tôi đang đứng ở nga ba đường vậy.”

Bà Hậu Nguyễn thì khác. Bà nói:

“Tôi không phải hay gì đâu, nhưng may mắn mở tiệm ở khu nhiều khách sang. Với họ, 5, 10 đồng không là gì cả, miễn là mình làm họ thoải mái, vừa lòng. Có khách nói tiệm tôi đắt hơn nơi mà họ đã tới làm, nhưng vì họ thích khung cảnh ở đây, rồi thái độ ân cần của tôi, thợ làm đẹp, dùng đồ tốt, nên họ đến.”

Ðể tạo một khung cảnh khách thích, ba Hậu đã phải bỏ ra hơn 100,000 đô la để trang trí lại tiệm.

Thế nhưng, khung cảnh cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố giữ khách. Nếu bạn thấy bà nói chuyện với khách, bạn sẽ hiểu khách sẽ khó lòng bỏ bà được. Vì bà nhớ tên từng người, từng sở thích của khách, thậm chí nhớ tên luôn con chó yêu quý bà khách vẫn bồng theo. Thái độ mềm mỏng, khéo léo của bà làm cho khách cảm thấy mình được trọng vọng, ở đây mình là “Thượng Ðế.”

Nói đến “phá giá,” bà Hậu cho biết bà “có phá giá,” nhưng theo cách của bà, và bà sẵn sàng chia sẻ:

“Tôi luôn kiểm tra lịch hẹn của khách. Nếu tháng tới thấy ít khách hẹn quá, thì tôi nói với khách mới làm xong là họ có muốn lấy lịch hẹn tháng tới không. Nếu họ nói không, thì tôi nói tháng tới tiệm có promotion, bớt 20% cho khách quen. Hỏi 10 người thì 6-7 người hẹn lại, thế là thành công rồi. Số bớt 20% này tôi chịu, chứ không bớt công thợ. Lâu lâu bớt chút cho khách họ vui, tiệm có khách, thợ có việc làm. Có thế thợ mới gắn bó với mình.”

Trong thời gian trước, đối với thợ mở tiệm cạnh tranh bà Hậu cũng tìm được phương pháp “hóa giải”:

“Thật lòng tôi có buồn một ít lâu! Nhưng nghĩ lại, họ cũng muốn đi lên, muốn đời sống khá hơn thôi. Họ có hạ giá để kéo khách lại thì cũng là chuyện bắt buộc. Tôi chỉ lo chăm chút cho tiệm, đối xử tốt với khách, tạo không khí vui vẻ trong tiệm, thì những người khách có bị ‘dụ dỗ’ đi chăng nữa vẫn quay trở lại. Khách thấy mình đối xử tốt mà có người khác nói xấu mình thì làm sao khách tin được.”

Bà mỉm cười kết thúc câu chuyện. Nụ cười hiền hậu như tên bà.

 

Nguồn: Vũ Ðình Trọng
Người Việt

Bài viết liên quan