Công việc của Bích là phát triển website ecommerce (thương mại điện tử) và vận hành website này cho khách hàng - nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp hình ảnh kỹ thuật số cho người tiêu dùng và doanh nghiệp thị trường Canada và Mỹ. Dự án ước tính trị giá 4,5 triệu USD.
Ngoài vai trò cầu nối với nhóm triển khai tại Việt Nam, Mỹ và khách hàng để bàn giao đầu mục công việc đúng tiến độ, cô gái quê Hải Phòng này còn cùng team tư vấn và đề xuất giải pháp đến nhiều đối tác, góp phần chứng minh năng lực công nghệ của thương hiệu FPT.
Một năm trước, cựu sinh viên Trường Đại học FPT đảm nhiệm dự án từ xa. Tuy nhiên, phía đối tác muốn cử người sang làm việc trực tiếp. Với năng lực ngoại ngữ tốt, kỹ năng giao tiếp khéo léo cộng với kiến thức công nghệ giỏi, từng làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, Bích đã được lựa chọn, trở thành đại diện của công ty sang làm việc trực tiếp tại văn phòng khách hàng ở New York hoa lệ, cùng mức lương lên tới hàng chục nghìn đôla mỗi tháng.
"Giây phút biết được ứng cử sang Mỹ, tôi đã thầm cảm ơn ngôi trường ĐH FPT - nơi đã rèn luyện cho tôi rất chắc năng lực ngoại ngữ, các kỹ năng mềm như thuyết trình, phát triển bản thân, quản lý thời gian, hay kỹ năng lắng nghe", Bích nói, cho biết thêm trường còn dạy một số môn học sát thực tế như network, kiểm thử phần mềm và quản trị dự án, giúp cô có thể áp dụng ngay vào công việc khi ra trường.
Những ngày đầu đặt chân tới xứ sở cờ hoa, cô gái Hải Phòng vừa phấn khích, nhưng cũng không khỏi lo lắng. Trước khi tập trung cho công việc, cô phải giải quyết hàng mớ vấn đề liên quan đến chi phí sinh hoạt, việc đi lại...
"Ba ngày trước khi bay, tôi choáng vì giá nhà liên tục bị đẩy lên quá cao, tới 1.500 USD một tháng, thậm chí một người bạn tôi phải thuê với mức 2.200 USD, chưa kể phải cung cấp đủ loại giấy tờ, tiền cọc mới được nhận phòng", Bích nhớ lại. Nhờ một người bạn mới quen trên mạng xã hội đang làm việc tại Mỹ, Bích cũng chốt tìm được nhà ưng ý và bớt mối lo lớn nhất ở đất khách xa xôi.
Khác với tưởng tượng của kỹ sư 9x, văn phòng làm việc không phải trung tâm thành phố mà nằm trong rừng. Cô đối mặt với vấn đề di chuyển đến công ty với chi phí khoảng 200 USD mỗi ngày bằng taxi. "Công ty có chính sách hỗ trợ 15.000 USD để nhân viên mua ôtô, nên thời gian tới có thể tôi sẽ sắm để chủ động hơn", cô nói.
Văn hóa làm việc tại công sở cũng không ít lần khiến Bích bối rối. Cô thừa nhận thời gian đầu do chưa hiểu rõ về văn hóa Mỹ nên trong các cuộc trò chuyện giờ nghỉ giải lao, hay vài phút nói chuyện phiếm trước mỗi cuộc họp, cô thấy lạc lõng vì những câu nói lóng, trêu đùa hay những chủ đề khó "join".
Giờ giấc ở nước ngoài cũng rất nghiêm ngặt, mặc dù một tuần chỉ cần lên văn phòng hai ngày, nhưng mọi thứ đều diễn ra rất nhanh chóng, quy củ, thậm chí làm việc ở nhà nhưng cường độ rất cao.
Cựu sinh viên ĐH FPT trong một chuyến du lịch tại cầu Brooklyn (Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bù lại, Bích thấy New York thú vị, nơi đây đúng là điểm đến phù hợp với những bạn tích tham gia các concert, du lịch, mua sắm. Đặc biệt, nếu như ở Việt Nam, IT chủ yếu là nam thì tại Mỹ tỷ lệ giới khá cân bằng, với khoảng 40% IT nữ. Mức lương cho ngành IT cũng khá hấp dẫn, nếu là nhân sự cứng, bạn có thể nhận được hàng chục nghìn USD mỗi tháng cùng nhiều phúc lợi khác.
"Lúc đầu, tôi tính đi sáu tháng, nhưng sau khi đã quen, tôi thấy còn quá nhiều điều chưa khám phá, nên quyết định ở lại lâu hơn", Bích cho hay.
Theo nữ kỹ sư FPT, IT có nhiều mảng, có chút khô khan nhưng một khi đã theo nghề sẽ đam mê, và thấy thú vị. Bất kỳ ai khi chọn ngành này cũng sẽ thấy mình đâu đó trong quá trình từ ý tưởng tới bản giao sản phẩm. "Với IT, tôi không thấy sự khác biệt, mà ngược lại thấy các bạn nữ được tôn trọng và bình đẳng trong nghề, dù phần lớn đang làm các vị trí phân tích nghiệp vụ, kiểm thử phần mềm, quản trị dự án nhiều hơn phát triển phần mềm, phần cứng", Bích nói.
Nghề IT còn mang đến cho cô gái này sự tập trung, rõ ràng, suy nghĩ logic và được trải nghiệm làm việc tại các quốc gia như Mỹ, Hàn và Singapore. "Học và theo nghề này, tôi lãi nhiều lắm, có bạn thân đại học, đến khi đi làm lại có bạn thân là đồng nghiệp", Bích chia sẻ, tiết lộ bản thân đến với ngành rất tình cờ, đúng kiểu nghề chọn người.
Mười năm trước, Bích lên Hà Nội chơi, rồi tình cơ đăng ký thi ĐH FPT cùng một người bạn khác, trong khi mục tiêu ban đầu của cô là ngành tài chính, kế toán. Kết quả, người bạn kia trượt, còn Bích thì đỗ chuyên ngành Kỹ sư phần mềm.
"Quãng thời gian học tập tại trường ĐH FPT thật sự quý giá. Nơi ấy đã mang đến cho tôi những người bạn tuyệt vời, những kiến thức thực chiến giúp tôi có thể tự tin làm việc trong môi trường toàn cầu", cô gái 9x cho hay.
Lúc này, cô vẫn nhớ mãi lời thầy môn Kiểm thử nhắn nhủ "làm gì thì làm, luôn nhớ quality (chất lượng)".
Trần Thị Bích tại sân bay JFK khi chuẩn bị tới Seattle dự tổng kết cuối năm của công ty. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Việc học tốt tiếng Anh nhờ chương trình đào tạo của trường cũng giúp cô gái Hải Phòng dễ giành được công việc tại thị trường nói tiếng Anh mà bản thân muốn trải nghiệm. Hay kinh nghiệm tích cóp được từ kỳ thực tập doanh nghiệp (OJT – on the job training) đặc trưng của Trường ĐH FPT từ những năm thứ ba đại học giúp cô được tuyển vào làm kỹ sư kiểm thử phần mềm từ khi chưa tốt nghiệp.
Gửi lời khuyên tới các sĩ tử trước ngưỡng cửa đại học, cựu sinh viên ĐH FPT cho rằng: "Đừng lo lắng về việc tìm kiếm sự phù hợp hay hoàn hảo ngay lập tức. Nếu khởi đầu không hoàn hảo cũng không sao cả, phải đi rồi mới biết mình phù hợp và muốn gắn bó với công việc gì".
Nguyễn Phượng
Nguồn: VNEXPRESS.NET