Yen Tran, 64 tuổi, bị bắt tại nhà riêng ở phố Duckett, London, sau khi cảnh sát Essex đột kích nhiều trang trại trồng cần sa từ năm ngoái tới năm nay ở Rayleigh, Wickford, Barking và Clacton.
"Tổng giá trị cần sa liên quan tới những lao động Việt mà Yen Tran cung cấp vượt qua hai triệu bảng Anh", công tố viên Stephen Rose nói tại tòa án Basildon ngày 21/6. "Chúng tôi thừa nhận số tiền không rơi vào tay bị cáo vì đã bị thu giữ trong các đợt truy quét của cảnh sát".
Yen Tran, 64 tuổi, bị kết án tù vì cung cấp lao động Việt cho trang trại trồng cần sa. Ảnh: Echo News
Philip Misner, luật sư của Tran, đề nghị giảm án vì "con gái bà ấy bị dị tật ở mặt và bà muốn kiếm tiền chữa bệnh cho con. Bà đang phải xa con và rất lo lắng cho bệnh tình của con".
Lee Jacobs, 34 tuổi, cũng bị truy tố vì cung cấp điện cho các trang trại trồng cần sa. Luật sư của Jacobs xin giảm án cho thân chủ với lý do Jacobs đã tuân thủ quy định tại ngoại và sắp đón con đầu lòng vào tháng 9.
Thầm phán Jamantha Cohen nhận định cả Yen Tran và Jacobs đều liên quan tới vụ án theo nhiều cách nghiêm trọng khác nhau. Vai trò của Jacobs là giúp đỡ thiết lập các trang trại trồng cần sa ở Bromfords bằng cách hỗ trợ lắp đặt điện.
"4 người Việt Nam trong các trang trại cần sa sống trong điều kiện ẩm thấp. Tôi hài lòng khi thấy họ được trả lương. Yen Tran có vai trò tuyển dụng lao động, đảm bảo họ được trả lương, cung cấp lương thực thực phẩm phù hợp từ siêu thị Việt Nam. Không có công nhân thì nhà máy không thể sản xuất cần sa. Đây là vai trò chính của Yen Tran", Cohen nói.
Tòa tuyên án ba năm 8 tháng tù với Yen Tran, còn Jacobs bị kết án 18 tháng tù treo và 200 giờ lao động công ích. Cả hai đều nhận tội cung cấp và sản xuất cần sa.
Hồng Hạnh (Theo Echo News)