Trở lại giảng đường khi tuổi đã ngấp nghé 30, một phần vì bận, một phần vì ngại khoảng cách tuổi tác, tôi tự nhủ sẽ chỉ tập trung vào việc học và hoàn thiện những công việc còn dang dở ở Việt Nam.
Tổ chức hội hè, hoạt động tình nguyện hay giao lưu văn hoá để cho các bạn trẻ 18 đôi mươi làm sẽ phù hợp hơn. Trong 3 tháng đầu tiên ở Mỹ, tôi không tham gia bất cứ hoạt động ngoại khoá nào của trường, chỉ lên lớp nghe giảng rồi trở về nhà tự học, và dành thời gian cho công việc.
Cho đến một ngày tình cờ xem được bộ ảnh về Đêm hội đa văn hoá – buổi giao lưu, giới thiệu văn hoá, ẩm thực của các quốc gia có du học sinh đang học tập tại trường, tôi sốc.
Vì không có đại diện Việt Nam nào tham dự, một quốc gia châu Á mà tôi không tiện nêu tên ở đây đã “thầu” cả món ăn Việt Nam.
Tôi không nhận ra đó là món gì, chỉ biết họ đặt cờ Việt Nam trước món ăn đó. Vào giây phút nhìn thấy tấm ảnh ấy, tôi biết rằng mình không thể bàng quan được nữa.
Du học sinh Việt ở ngôi trường nơi tôi đang học chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vì thế mà các hoạt động của người Việt tại trường trở nên lép vế so với các cộng đồng đông dân khác.
Dấu ấn của người Việt với dân bản địa cũng rất mờ nhạt, người ta nhìn mặt và hỏi tôi có phải đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản hay không? Khi tôi nói là người Việt Nam, có người vẫn tưởng ở quê tôi vẫn còn chiến tranh.
Tôi tự hỏi liệu mình có thể làm gì để các bạn nhớ ra “cô ấy là người Việt Nam”? Làm gì để bạn bè quốc tế biết rằng trên thế giới này có một đất nước yên bình, tươi đẹp mang tên Việt Nam?
Tôi tận dụng mọi cơ hội để đưa hình ảnh đất nước hình chữ S đến gần hơn với phần còn lại của thế giới.
Học cách giới thiệu về quê hương
Có thể bạn sẽ nghĩ mình là người Việt, sinh ra và lớn lên ở đất Việt, mình có thể nói vanh vách mọi thứ về quê hương.
Nhưng nói sao để một người chưa từng đặt chân đến Việt Nam cảm nhận được sự yên bình, tươi đẹp và hiểu được những nét đặc trưng của văn hoá Việt là điều không hề đơn giản.
Tôi đã dành thời gian để đọc những bài viết về văn hoá Việt, con người Việt.
Đọc kỹ, tìm hiểu kỹ mới thấy có rất nhiều điều đặc biệt về quê hương mà tôi cần phải tìm hiểu.
Tôi tự tổng hợp thông tin ngắn gọn về Việt Nam cho một số chủ đề cơ bản như ẩm thực, lễ hội, địa điểm du lịch, trang phục truyền thống,… để dễ dàng nói về quê nhà khi có cơ hội.
Tôi nghĩ, muốn bạn bè quốc tế hiểu về Việt Nam thì trước tiên chính chúng ta phải hiểu rõ về quê hương mình. Việc trang bị sẵn các thông tin muốn giới thiệu về Việt Nam giúp tôi tự tin hơn trong các cuộc trò chuyện.
Tôi không mất thời gian suy nghĩ khi bạn cùng phòng đột nhiên hỏi “bữa cơm thường ngày của người Việt gồm những món gì?”. Tôi sẽ nói được nhiều hơn từ “yes” khi có người chỉ vào bộ áo dài mà tôi đang mặc rồi hỏi “đây là phải trang phục truyền thống của đất nước bạn à?”.
Một mình cũng không bỏ cuộc!
Như tôi đã kể ở trên, ngôi trường tôi học rất ít người Việt, giữa chúng tôi cũng không có nhiều sự kết nối. Tôi đã chần chừ khi nhận được thư mời thể hiện món ăn truyền thống của Việt Nam trong Đêm hội đa văn hoá cuối tháng 6 vừa qua vì “đơn thương độc mã”.
Nhưng rồi tôi nghĩ đến bức ảnh chụp món ăn Việt được các bạn từ quốc gia khác thể hiện trong Đêm hội đa văn hoá lần trước, tôi quyết định một mình cũng “chiến”.
Muốn giới thiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế, trước tiên bạn phải hiểu về con người, văn hoá Việt Nam. Trong ảnh là tháp Poklong Garai, Ninh Thuận.
Nỗ lực của tôi đã được đền đáp, trong 2 món mà tôi mang đến đêm hội là Nem và Chè đỗ đen thì món Nem “cháy hàng” chỉ sau chưa đầy 15 phút khai tiệc.
Các bạn đến thăm gian trưng bày của Việt Nam, đọc phần giới thiệu về đất nước hình chữ S, thưởng thức món ăn, chụp hình lưu niệm.
Dù chỉ trong khuôn khổ của một ngôi trường nhưng ít nhất nhờ sự “máu chiến” của tôi mà cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đã sánh hàng cùng các bạn Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Nigeria…
Buổi giao lưu không chỉ giúp tôi đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với các bạn trong trường, mà còn là cơ hội để tôi tìm hiểu về văn hoá và ẩm thực của các quốc gia khác.
Tôi cũng học được những cách quảng bá dân tộc độc đáo từ các bạn quốc tế mà tôi có thể áp dụng để giới thiệu về Việt Nam trong các lễ hội sau.
Hoà nhập với văn hoá bản địa
Phải thừa nhận một điều không vui vẻ rằng nhiều người Việt ra nước ngoài bị ghét, bị bạn bè cô lập và xa lánh.
Một phần vì sự kỳ thị với dân nhập cư nói chung, một phần khác vì tính xấu của người Việt. Ra nước ngoài du học nhưng không ít người vẫn giữ những thói quen ở quê nhà, không chịu hoà nhập với văn hoá của người bản địa.
Có những thứ rất nhỏ nhưng nếu không tinh ý sẽ biến chúng ta thành người mất lịch sự trong mắt bạn bè quốc tế.
Tôi luôn ý thức rằng khi mình giới thiệu với bạn bè “tôi là người Việt Nam” thì cũng đồng nghĩa rằng những gì mình làm, mình thể hiện trước mặt họ cũng sẽ đại diện cho người Việt. Họ sẽ nhìn mình mà đánh giá người Việt nói chung.
Những ấn tượng tốt về người Việt có thể bị tôi đạp đổ.
Ngược lại, tôi cũng có thể xoá bỏ những tiếng xấu về người Việt trước đây. Vì vậy, tôi luôn cố gắng làm chủ mọi lời nói, hành động của bản thân.
Theo tôi, một trong những cách hay nhất để thể hiện một hình ảnh đẹp của người Việt là biết hoà nhập với văn hoá của người bản địa.
- Là biết nói lời cảm ơn, xin lỗi trong mọi tình huống.
- Là biết đứng lại giữ cửa cho người đi sau bạn dù người đó là nam hay nữ. Là biết xếp hàng trật tự chờ đến lượt được phục vụ.
- Là biết nói năng nhỏ nhẹ khi ở chốn công cộng.
- Là biết mỉm cười nhận và trao lời xin lỗi khi vô tình có va chạm xảy ra.
- Là tinh ý biết những điều nhỏ nhặt như thế.
Tôi tin rằng, mỗi người chúng ta đều có cách riêng để trả lời cho câu hỏi “Tôi làm gì để phần còn lại thế giới hiểu về Việt Nam?”.
Chỉ cần bạn thực sự yêu Việt Nam, hiểu về Việt Nam thì bạn sẽ tự tìm ra cách đặc biệt của riêng mình để đưa vẻ đẹp của đất nước hình chữ S chạm đến trái tim của bạn bè quốc tế.
Du học sinh Kim Minh
Nguồn: Dân Trí