Tú Anh, 31 tuổi, quê Nghệ An, hiện sinh sống cùng chồng và hai con nhỏ tại thành phố Perth, Australia. Trên mảnh đất rộng 2.000 m2, cô trồng rau cho các bữa ăn gia đình và trồng hoa, quả, thảo mộc để chế biến mỹ phẩm hữu cơ – nghề của cô.
Từ nhỏ Tú Anh đã luôn có những khu vườn trồng hoa, rau. Song từ khi học thạc sĩ về phát triển cộng đồng và phát triển bền vững ở Australia, cô mới nhận thức sâu sắc về việc tôn trọng tự nhiên.
Từ đó, cô chuyển sang làm vườn hoàn toàn theo phương thức hữu cơ, không hoá chất, không phân hoá học. Rau được bón bằng nước thải giun và phân ủ từ rác nhà bếp, dùng tỏi, ớt, rượu trắng làm thuốc trừ sâu cho vườn. Trong hình là các thùng ủ phân hữu cơ và thùng nuôi trùn quế để lấy nước thải tưới rau.
Tại Perth, đất đai khô cằn. Khi mới bắt đầu làm vườn, Tú Anh từng thất bại. Sau đó, cô đầu tư vào khâu làm đất rất kỹ, bằng việc mua 3 xe tải đất cát, đất mùn, phân ngựa, phân cừu đã ủ trong khoảng một năm.
Để thân thiện với thiên nhiên, vợ chồng cô không đào đất, cũng không trồng trong các chậu nhựa mà dùng các thanh gỗ khô trong vườn chắn lại rồi đổ đất vào. Vườn rộng nên cứ một đoạn, cô lại đổ chặn một khung gỗ. Hiện vườn có 20 ô gỗ, mỗi ô trồng một loại rau khác nhau.
“Mẹ chồng cứ cười vì cách làm vườn này của tôi. Riêng tôi chỉ muốn dùng gỗ để chắn cỏ, chứ không muốn diệt cỏ. Chỉ 3 tháng, giờ rau tốt um tùm, đến cái khung cũng không nhìn thấy nữa. Còn cỏ cứ việc mọc phía ngoài”, cô nói.
Canh tác hữu cơ mà rau chân vịt cao hơn chiều cao 86 cm của con gái 2 tuổi nhà Tú Anh. Cải chíp nặng hơn một kg mỗi gốc, nhiều khi cả nhà ăn 2-3 bữa một cây.
Một cây súp lơ có tán bằng chiều cao của Tú Anh, bông to như đầu người.
“Nhà chỉ có hai vợ chồng, các con nhỏ ăn ít rau nên nhiều khi phải nhờ hàng xóm, bạn bè ăn hộ. Mọi người nhận rau thì cứ thốt lên rằng rau khổng lồ, bị phù phép hoặc to hơn cả siêu thị”, cô nói.
Tú Anh chỉ dùng một cây cải chíp và vài lá rau chân vịt để lấy nước tạo màu xanh cho món mỳ. Từ khi làm vườn gần một năm nay, nhà cô hoàn toàn không phải mua rau.
Ăn không hết nhưng vợ chồng cô vẫn tiếp tục mở rộng các khu trồng để đa dạng bữa ăn, cũng như lấy hương liệu để làm mỹ phẩm.
“Mọi người thường ước mơ có một cái vườn lúc về già. Chúng tôi có 2 con nhỏ. Cuộc sống gia đình vừa mới bắt đầu. Nhưng nhìn con vui chơi chạy nhảy trong khu vườn, lớn lên cùng cây cùng lá, tôi vui vì mình đã xây cho con môi trường giáo dục đúng đắn đầu tiên của cuộc đời: môi trường tự nhiên. Thế nên, tôi đã chẳng đợi tới già để làm vườn”, Tú Anh nói thêm.
Phan Dương
Ảnh: Tú Anh Hoàng
Theo VnExpress