Tin vào lời mời gọi chuyển tiền không mất phí, nhiều lao động Việt tại Nhật Bản mất hàng trăm triệu đồng tích cóp.

Tạo dựng niềm tin

Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi gần 120 triệu đồng "không cánh mà bay", anh L.V.Đ. (quê tại tỉnh Bình Định) vẫn chưa thôi bàng hoàng. Anh Đ., đang lao động tại Nhật Bản và là nạn nhân của dịch vụ "chuyển tiền tay ba" từ nước ngoài về Việt Nam.

"Chuyển tiền tay ba" là hình thức người gửi tiền tự liên hệ, chuyển tiền cho một bên trung gian qua mạng xã hội. Bên trung gian sẽ chuyển tiền vào tài khoản thân nhân người gửi ở quê, hoặc mang tiền mặt đến tận nhà với mức chi phí rất thấp hoặc miễn phí.

1 Tam Su Chua Chat Cua Lao Dong Viet Tai Nhat Khi Bi Lua 120 Trieu Dong

Nhiều lao động Việt tại Nhật Bản sập bẫy chuyển tiền không mất phí, giá cao (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Theo anh Đ., nguyên nhân anh tìm đến dịch vụ "chuyển tiền tay ba" vì mức phí gửi tiền thông qua các ngân hàng khá cao, dao động khoảng 300.000 đồng cho 100-250.000 Yen. Ví dụ, khi gửi 10.000 Yen (khoảng 1,7 triệu đồng tiền Việt Nam), thì người thân chỉ nhận được 1.650.000 đồng.

Thời gian gần đây, do đồng Yen giảm mạnh, mức lương vì thế cũng giảm theo nên anh Đ. tìm đến dịch vụ chuyển tiền miễn phí để "tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó".

"Những người này họ nói mình yên tâm. Họ thừa nhận muốn tích trữ tiền Nhật, đợi Yen tăng sau đó bán lấy lãi nên tôi mới nhẹ dạ cả tin", anh Đ. tâm sự.

2 Tam Su Chua Chat Cua Lao Dong Viet Tai Nhat Khi Bi Lua 120 Trieu Dong

Mất trắng số tiền tích cóp nhiều tháng, không ít lao động Việt hụt hẫng vì cuộc sống không như mong đợi.

Theo anh Đ., để tạo niềm tin, các đối tượng thường chào mời đổi tiền Nhật sang tiền Việt với giá cao, không lấy phí, sau đó nhận chuyển nhiều lần với đúng như cam kết ban đầu.

"Tôi đã chuyển qua dịch vụ này khoảng 2 lần, với số tiền 20 Man/lần (khoảng 43 triệu đồng). Vì tin tưởng nên lần này tôi mới chuyển 70 Man (khoảng 120 triệu đồng) rồi bị lừa. Người thân vẫn nhận được tin nhắn báo tiền vào tài khoản nhưng số tiền trong tài khoản không thay đổi", anh Đ. kể.

Khi anh Đ., phản ánh, đối tượng chuyển tiền cam kết gia đình anh sẽ nhận được sau 1-2 tiếng, ngân hàng đang xử lý. Một lát sau, anh Đ. bị chặn hoàn toàn mọi phương thức liên lạc với người chuyển tiền.

"Lúc đó biết mình bị lừa rồi, tức lắm nhưng không làm gì được. Khi tìm hiểu tôi mới nhận ra mình đang chuyển tiền lậu, không hợp pháp", anh bộc bạch.

Khổ vì... đồng hương

Anh Đ. chia sẻ, lao động Việt đang làm việc tại Nhật Bản rất đông. Vì thế, cộng đồng người Việt không tránh khỏi "bị lừa như cơm bữa". Vì bị lừa quá nhiều, không ít lao động Việt không dám tin tưởng vào những người đồng hương khi xa nhà.

"Trên mạng rất nhiều hội nhóm đăng tin đổi tiền, chuyển tiền tay ba. Có rất nhiều người bị lừa rồi", anh Đ. thừa nhận.

Anh Đ. trải lòng, thời điểm vừa sang Nhật, anh những tưởng cuộc sống sẽ màu hồng vì làm việc 1 tiếng bằng thu nhập 1 ngày ở Việt Nam. Thế nhưng, khi kinh tế suy thoái, đồng Yen giảm mạnh, thu nhập của anh cùng nhiều đồng nghiệp khác cũng giảm theo khiến đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

3 Tam Su Chua Chat Cua Lao Dong Viet Tai Nhat Khi Bi Lua 120 Trieu Dong

Đồng Yen sụt giảm, người lao động Việt tại Nhật Bản bị giảm thu nhập, phải chắt chiu từng tháng (Ảnh minh họa: Asia Times).

Mỗi tháng, anh phải tính toán chi li lắm mới dành dụm được khoảng 10 Man (khoảng 21,5 triệu đồng). Cứ 3-4 tháng, anh sẽ gửi về nhà một lần và không thể ngờ được lần này lại bị lừa hết số tiền mồ hôi, nước mắt.

"Anh em bên này hầu như đều mượn tiền đi xuất khẩu lao động, nên ai cũng nôn nóng có tiền nhanh gửi về trả nợ hết. Khi gặp lừa đảo, mất trắng thế này, thú thật chúng tôi chỉ có thể khóc thôi", anh Đ. nghẹn ngào, nói.

Vừa bị lừa với thủ đoạn tương tự vào 1 tháng trước, anh H. (quê tại tỉnh Nghệ An) cũng mất trắng số tiền 80 Man (hơn 136 triệu đồng) gửi về quê nhà.

"Họ cũng cam kết chuyển không mất phí, rồi dẫn dắt từ từ lấy lòng tin. Sau khi nhận tiền của tôi xong, họ chụp hóa đơn gửi qua nhưng tiền trong tài khoản của người nhà vẫn y nguyên", anh H. bức xúc.

Anh H. tâm sự, anh cũng giống nhiều lao động Việt đến Nhật Bản khác, cùng xa quê với nhiều hi vọng đổi đời. Tuy nhiên, kể từ khi đồng Yen sụt giảm, thu nhập của anh cũng giảm theo. Chỉ vì mong muốn số tiền gửi về quê chăm lo cho gia đình sẽ cao hơn, anh H. vô tình bị lừa mất số tiền mà mình nhịn đói, khát để dành dụm

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC