Nói đến nước Nga, không thể không nhắc tới trường Đại học quốc gia kỹ thuật tổng hợp Moskva mang tên Bauman (MGTU – hay Đại học kỹ thuật Bauman), nơi đào tạo rất nhiều kỹ sư các chuyên ngành chủ chốt, đóng vai trò quan trọng quốc gia cho Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay.
Tuy nhiên Đại học kỹ thuật Bauman ít được biết đến hơn so với Đại học tổng hợp quốc gia mang tên Lomonosov (MGU) nổi tiếng có lẽ vì thời Liên Xô trước đây trường Bauman nhận rất ít học sinh ngoại quốc và thậm chí có những ngành còn cấm không cho học sinh nước ngoài theo học vì vấn đề an ninh quốc gia.
Với các sinh viên, từ lâu Đại học kỹ thuật Bauman nổi tiếng là trường học rất “khoai”, kể cả với sinh viên Nga.
Tại Đại học kỹ thuật Bauman, “thước đo” chính của trường là tỷ lệ sinh viên trả bài kiểm tra và bài thi đúng hạn. Trụ lại và tốt nghiệp ra trường đã là một nỗ lực lớn, niềm tự hào và vinh dự đối với các sinh viên chứ chưa nói đến việc nhận được tấm bằng đỏ (sinh viên xuất sắc).
Như các quản lý trong trường thừa nhận, do độ khó trong học tập, tỷ lệ trung bình sinh viên bị mất tập trung do các yếu tố khác tác động là 10%. Tuy nhiên đổi lại, hầu hết các sinh viên Bauman khi ra trường đều được các cơ quan, doanh nghiệp trải thảm chào đón.
Hiện nay Đại học kỹ thuật Bauman đang đào tạo khoảng hơn 20.000 sinh viên và nghiên cứu sinh thuộc hơn 70 chuyên ngành kỹ thuật.
Trong số này có khoảng 1.500 sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài. Số lưu học sinh (LHS) Việt Nam đang theo học tại trường, theo ông Dmitry Drobyshev, Phó trưởng Ban hợp tác quốc tế Đại học kỹ thuật Bauman, là 71 trong đó 66 bạn là sinh viên, 5 người còn lại học cao học. Đây là con số khiêm tốn so với tổng số sinh viên ngoại quốc đang theo học tại trường.
Sinh viên trường Bauman phải học trực tuyến tại ký túc xá, xong điều này không làm giảm không khí học tập của sinh viên Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Drobyshev đánh giá rất cao mặt bằng kiến thức phổ thông của các sinh viên Việt Nam.
Theo ông có lẽ điều này là do hơn một nửa số các em do Đại học Lê Quý Đôn của Việt Nam, vốn có quan hệ hợp tác với MGTU, gửi sang học.
Ông Drobyshev cho biết, một điểm mạnh nữa của thanh niên sinh viên Việt Nam là tính kỷ luật, và đây là một nhân tố giúp các sinh viên Việt Nam hoàn thành các môn học. Ông Drobyshev nói: “Chúng tôi nỗ lực để sinh viên có được kiến thức tối đa cũng như khai thác tối đa khả năng của sinh viên.
Đương nhiên xu hướng hiện nay trên thế giới là sinh viên được chiều như những đứa trẻ song rõ ràng không phải tất cả trẻ em đều có thể tốt nghiệp đại học, như vậy sinh viên có xu hướng ít nỗ lực hơn. Chính vì vậy mà chuyên ngành kỹ sư ngày này không được ưa chuộng nhiều. Về cộng đồng sinh viên Việt Nam, các em rất đoàn kết và tôi đánh giá cao tính kỷ luật của sinh viên Việt Nam”.
Về phần mình, ông Mikhail Kuznetsov, Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế Đại học kỹ thuật Bauman nêu bật tinh thần hăng hái học tập của sinh viên Việt Nam:
“Tỷ lệ trả bài thi đúng hạn của sinh viên Việt Nam không thua kém sinh viên các nước khác. Sinh viên Việt Nam và Trung Quốc là những nhóm sinh viên nước ngoài hăng hái học tập nhất”, ông nói. Điều ông Kuznetsov trăn trở, đó là số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại trường không tăng lên. Ông cho biết số sinh viên Trung Quốc đang học ở trường là khoảng 400 em và bày tỏ mong muốn số sinh viên Việt Nam sẽ lên lên đến 200 em.
P/v TTXVN trao đổi với ông Dmitry Drobyshev, Phó trưởng Ban hợp tác quốc tế Đại học kỹ thuật Bauman.
Chúng tôi đến Đại học Kỹ thuật Bauman đúng vào thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành ở khắp châu Âu, nên tại các giảng đường, sảnh, cầu thang của trường Bauman không còn bóng dáng sinh viên như trước đây do các trường đại học ở Moskva đã chuyển sang học trực tuyến.
Đến thăm ký túc xá gần đó có nhóm sinh viên Việt Nam ở, sau khi kiểm tra giấy tờ và được chấp thuận cho vào ký túc xá, chúng tôi được yêu cầu phải kiểm tra thân nhiệt và rửa tay bằng thuốc sát khuẩn.
Điểm đáng chú ý ở các thanh niên Việt Nam sống tại đây là hầu như các em không ai có tâm lý về Việt Nam để tránh dịch và tiếp tục tập trung vào học tập để có thể đạt kết quả tốt vào cuối kỳ.
Không khí quyết tâm học tập của nhóm sinh viên Việt Nam ở đây thật sôi nổi. Các sinh viên tự giác học bài, trao đổi kiến thức và giảng giải. Sinh viên Nguyễn Xuân Trung, năm thứ 4 Khoa Chế tạo máy Đại học kỹ thuật Bauman, bật mí biện pháp giúp các bạn năm dưới học tập: “Bình thường những bạn sinh viên năm dưới được các anh khóa trên, những người cùng khoa đi trước hiểu biết nhiều hơn thì sẽ có cách học phù hợp hơn để chỉ cho các em. Anh em vẫn thường xuyên trao đổi bài trong phòng rồi, nếu cùng khoa thì gọi đến phòng chỉ tận nơi luôn”, em nói.
Trong mùa dịch COVI-19, để kịp thời nâng cao nhận thức của các đoàn viên trong trường, theo yêu cầu của Trưởng đoàn lưu học sinh trường Bauman, các sinh viên Việt Nam tại ký túc xác cũng tiến hành một cuộc họp ngắn để quán triệt các biện pháp phòng chống dịch. Hai ưu tư chính của các bạn sinh viên là tâm lí chủ quan trước đại dịch COVID-19 và việc nâng cao ý thức tự giác học online để đảm bảo bám sát chương trình, học tập hiệu quả để đạt kết quả thi tốt.
Bạn Phạm Xuân Trường, Trưởng Đoàn LHS, Ủy Viên Ban Cán Sự Đoàn tại LB Nga cho biết ngay từ đầu các thanh niên Việt Nam trong trường đã có ý thức tự giác và tự biết rằng “học ở Bauman rất là khó”.
Sinh viên Việt Nam luôn cố gắng học tập, “làm bài về nhà thật tốt hoặc trả những môn rất khó để sao cho đạt kết quả cao nhất chứ không lơ là sao nhãng”. Cũng theo bạn Trường, đối với các sinh Việt Nam mới sang, đoàn thanh niên trường có tổ chức các câu lạc bộ tiếng Nga để các bạn có thể nhanh chóng làm chủ tiếng Nga qua đó có thể nâng cao đáng kể khả năng học tập.
Đoàn sinh viên Bauman cũng là một chi đoàn đoàn lớn của sinh viên Việt Nam ở Moskva, theo bạn Phạm Xuân Trường, chi đoàn rất chú trọng tới các hoạt động tập thể “như một món ăn nâng cao tinh thần” để các bạn cảm thấy thoải mái sau những giờ học căng thẳng.
Ngoài những hoạt động truyền thống như tổ chức tết dương lịch; đón tết cổ truyền của Việt Nam; tổ chức kỷ niệm ngày 8/3 cho các sinh viên nữ, Đoàn thanh niên trường Bauman cũng tham gia những hoạt động lớn của cộng đồng Việt Nam ở LB Nga như Đại hội thể dục thể thao toàn Moskva… Ngoài ra, các thanh niên Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của trường như đi dã ngoại, hay hoạt động tình nguyện, đến thăm người già neo đơn hay trẻ em mồ côi Nga gặp hoàn cảnh khó khăn, hay tham gia dọn đường phố, dọn trường cùng với các sinh viên Nga.
Trao đổi và tiếp xúc với các thanh niên Việt Nam đang học tập ở trường Bauman, trong lòng tôi lại trào dâng xúc cảm thời cuối những năm 1980 thế kỷ trước, khi chúng tôi 18 tuổi được nhà nước cử sang Liên Xô học tập, khi đất nước ta còn muôn vàn khó khăn. Hy vọng các em, những người tiếp bước chúng tôi sẽ tiếp tục giương cao ngọn cờ thanh niên Việt Nam, tiếp tục truyền thống hiếu học, siêng năng để vượt qua “cửa ải” Bauman, tích tụ những nền tảng kỹ thuật rất vững chắc mà trường đại học Bauman danh tiếng đem lại, để khi ra trường trở về góp phần vào sự nghiệp số hóa, cơ khí hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Bài, ảnh: Duy Trinh – Trần Hiếu (P/v TTXVN tại Moskva)