Không phải du học sinh nào cũng sung sướng và “ngồi mát ăn bát vàng” như trong hình dung của nhiều người. Nhưng sự vất vả nơi xứ người đã dạy cho những thanh niên này bài học quý giá mà không phải ai cũng biết. Câu chuyện du học sinh Việt vất vả ra sao ở xứ người không còn là một vấn đề mới mẻ nữa, nhưng dường như cách nhìn của người Việt vẫn chưa thật sự cởi mở và tích cực về nó. Định kiến “nhà giàu, đi nước ngoài học thì tất nhiên phải sướng” đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ người Việt.
“Sang Nhật liệu có sướng?”
Đó là tiêu đề mà một trang mạng xã hội đặt cho bức ảnh chụp một du học sinh Việt tại Nhật đang được cư dân mạng quan tâm gần đây. Trong ảnh, cô nữ sinh đội mũ sùm sụp, đeo khẩu trang che gần hết mặt, tay ôm một chiếc túi có lẽ chứa vài li chè do cô tự nấu cùng tấm bảng “Bán chè thập cẩm” tạm bợ với nét chữ viết tay. Có thể thấy dòng chú thích đi kèm với bức ảnh ghi rõ: “Em mới sang chưa có việc, các anh chị đi làm đi học về vất vả, nắng nóng ra ăn chè ủng hộ em nhé. Em đứng chỗ hút thuốc ga Shinmatsudo - Chiba ạ. Em cảm ơn nhiều ạ”.
Cô bạn du học sinh vừa chân ướt chân ráo sang Nhật. (Ảnh: Chụp FB)
Trang mạng xã hội này đăng tải hình ảnh cô du học sinh bán chè cùng dòng chú thích: “Nhói lòng câu chuyện của một bạn chắc đang là sinh viên, du học Nhật Bản cứ ngỡ là đổi đời, hay có tương lai ở một nơi văn minh giàu có cơ. Ai dè sang đó khổ cực vất vả, thế mới biết làm ra đồng tiền khó như nào. Đúng là chẳng nơi nào bằng được ở nhà, cơm canh mẹ nấu cả”.
Ngay sau đó, hình ảnh này thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong cách dẫn dắt vấn đề với tấm ảnh nọ. Trong số hàng trăm bình luận, có một bình luận nhận được lượt yêu thích nhiều nhất, với nội dung phản ánh đúng sự thật về cô du học sinh bán chè ở đất Nhật này.
Bình luận nhận được lượt yêu thích bên dưới bức ảnh "du học sinh Việt bán chè ở Nhật". (Ảnh: Chụp FB)
Du học – hành trình xa xứ không chỉ để đến trường
Cho đến nay, vẫn còn không ít người Việt còn giữ lối suy nghĩ rằng du học sinh chỉ việc sang xứ người ăn, ngủ, học và hưởng thụ từ tiền cha mẹ gửi sang chứ không phải chịu khổ. Và cứ thế, những định kiến, phán xét không ngừng áp đặt lên các du học sinh chỉ vì cách nhìn phiến diện của những người ngoài cuộc.
Trong thực tế, rất ít du học sinh có đủ điều kiện để “ăn chơi” khi học ở xứ người. Chi phí ở các quốc gia tiên tiến rất đắt đỏ, đôi khi không đủ để trang trải, họ vẫn phải chật vật tìm việc làm thêm như bao sinh viên Việt Nam lên thành phố lớn học tập. Nhưng chính từ đây, từ quãng thời gian vất vả nơi xứ người khi vừa bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, các bạn trẻ này mới tự tích lũy được những bài học đắt giá mà không giảng đường, giáo sư hay bất kì nền giáo dục tiên tiến nào trên thế giới này có thể dạy họ. Đó không chỉ là kĩ năng chi tiêu hợp lí, quản lí và cân bằng cuộc sống, mà còn là bài học về đối nhân xử thế, sự tôn trọng, nhẫn nhịn,…
Chấp nhận đi là chấp nhận thử thách, rủi ro...Cuộc sống du học không chỉ toàn một màu hồng! (Ảnh: Internet)
Quay trở lại hình ảnh du học sinh Việt bán chè ở Nhật, có thể thấy sự sáng tạo và linh hoạt của cô bạn này. Vừa chân ướt chân ráo sang xứ người và kiếm được một việc làm phù hợp với khả năng, không ảnh hưởng lịch học trong khi ngoại ngữ lại có phần hạn chế thật sự là một thử thách lớn cho cô gái trẻ. Tuy nhiên, không ngồi một chỗ quá lâu, cô bạn này quyết định sử dụng “vốn tự có” – chính là tài nấu nướng của mình. Nguyên liệu cho món chè Việt lại không quá đắt đỏ, nếu không ngại khó, cô bạn này hoàn toàn có thể trụ vững ở đất Nhật trước khi tìm được một công việc bán thời gian phù hợp.
Đừng đặt du học sinh vào cái khung định kiến
Bởi xét cho cùng, họ không khác gì chúng ta và biết bao thanh niên Việt Nam: xa quê, đến với một vùng đất mới không ai thân thích và cái gì cũng đắt đỏ nhưng phải phấn đấu từng ngày, chưa kể vô vàn khó khăn do khác biệt văn hóa, rào cản ngôn ngữ… Và trong khi bạn có thể cố gắng nhịn ăn, nhịn mua sắm, nhịn đi chơi một chút để có thể về quê thì với họ, điều đó khó khăn và xa xôi tựa như hàng giờ bay từ thành phố họ đang sống về với Việt Nam vậy.
Bạn biết không, hình ảnh “đáng buồn” ở đây không phải là được cha mẹ đưa sang nước ngoài học tập nhưng phải vất vả ngồi bán chè lề đường, mà chính là những hình ảnh, bài báo viết bằng ngôn ngữ xứ người, về sinh viên Việt Nam ăn cắp vài món hàng không đáng bao nhiêu tại một cửa hàng nào đó…
Nguồn: Thể thao văn hóa