Theo phán quyết được Tòa án Trung tâm Quận Seoul công bố hôm nay, chính phủ Hàn Quốc phải bồi thường 30 triệu won (khoảng 24.000 USD) cho bà Nguyễn Thị Thanh, người mất gia đình trong vụ thảm sát do lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 của Hàn Quốc thực hiện hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 1968, binh lính trong lữ đoàn này đã xả súng thảm sát 74 người ở làng Phong Nhất - Phong Nhị, xã Điện An, tỉnh Quảng Nam. Năm 2020, bà Thanh đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc, đòi bồi thường số tiền trên.
Tòa bác bỏ lập luận của chính phủ Hàn Quốc rằng họ được miễn trừ đối với vụ kiện đòi bồi thường của một công dân Việt Nam, theo một thỏa thuận liên quan được ký kết giữa Việt Nam, Mỹ và Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thanh (giữa) làm chứng về vụ thảm sát tại Hàn Quốc năm 2019. Ảnh: Yonhap.
"Khó có thể xem một thỏa thuận như vậy có hiệu lực pháp lý ngăn cản một công dân Việt Nam nộp đơn kiện chính phủ Hàn Quốc", Tòa án Trung tâm Quận Seoul lưu ý.
Tòa cũng bác bỏ lập luận rằng sự tham gia của quân đội Đại Hàn trong vụ thảm sát chưa được chứng minh rõ ràng, hay vụ nổ súng là "hành động chính đáng do tính chất đặc biệt của cuộc chiến".
"Thực tế là các thành viên trong gia đình nguyên đơn đã thiệt mạng tại địa điểm này và bà Thanh phải chịu nhiều vết thương nghiêm trọng do quân đội Hàn Quốc gây ra", tòa án cho biết, thêm rằng sự việc là "hành động phạm pháp rõ ràng".
Trong cuộc gọi trực tuyến từ Việt Nam, bà Thanh hoan nghênh phán quyết của tòa. Bà nói "vô cùng vui mừng" và quyết định này "sẽ là niềm an ủi hương linh những người thiệt mạng".
Đây là lần đầu tiên một tòa án Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với các nạn nhân trong vụ thảm sát năm 1968 tại Việt Nam.
Bà Thanh là một trong số ít nạn nhân sống sót sau cuộc thảm sát. Sáng ngày 12/2/1968, người dân làng Phong Nhất - Phong Nhị bất ngờ khi thấy nhiều toán lính Đại Hàn mang theo súng tràn vào làng.
Vài ngày trước, chiếc xe Jeep của quân đội nước này đi qua đường lớn trước làng thì trúng mìn. Toán lính lao vào từng nhà dân và nổ súng, bắt đầu cuộc thảm sát.
Bà Thanh khi đó tròn 8 tuổi, bị đạn xé toang một phần hông bên trái. Toán lính sát hại mẹ và hai chị em của bà cùng 71 người khác trong làng, đốt phá nhà cửa rồi bỏ đi. Mồ côi, bà Thanh phải đi ở mướn, không được học hành.
Tháng 4/2015, Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc đã mời bà Thanh đến Seoul để kể lại câu chuyện của mình. Một nhà sư từng tham chiến ở Việt Nam đã quỳ dưới chân bà để nói lời xin lỗi, nhưng nhiều cựu binh Hàn Quốc nói rằng bà Thanh bịa chuyện.
Theo điều tra của tiến sĩ lịch sử Ku Su Jeong, người khởi xướng phong trào Xin lỗi Việt Nam, quân đội Đại Hàn đã làm chết 9.000 người dân Việt Nam vô tội trong các cuộc thảm sát.
Đức Trung (Theo Yonhap)
Nguồn: VNEXPRESS.NET