Số liệu chính thức của Anh cho thấy hàng trăm trẻ em Việt Nam bị buôn bán vào nước này mỗi năm. Ảnh: Shutter Stock.
Cảnh sát Hà Lan và quan chức xuất nhập cảnh nghi ngờ những trẻ em Việt Nam nói trên bị buôn bán sang Anh để làm việc trong các trang trại cần sa và tiệm làm móng, theo Guardian.
Cuộc điều tra do Observer và đài phát thanh Argos của Hà Lan thực hiện đặt ra câu hỏi lớn về những nỗ lực của các quốc gia EU trong việc ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em, đồng thời nêu bật thất bại của chính quyền Anh và Hà Lan trong việc chăm sóc đối tượng trẻ vị thành niên không có người giám hộ.
Nhóm hoạt động vì trẻ em Every Child Protected Against Trafficking (Epcat) gần đây công bố báo cáo cho thấy số trẻ em Việt Nam được xác định hoặc tình nghi bị buôn bán vào Vương quốc Anh là nhiều nhất so với trẻ em các quốc gia khác.
Cảnh sát Hà Lan cho biết rất nhiều trẻ em Việt Nam đến London và Birmingham mà không có giấy tờ. Cảnh sát từng ghi nhận trường hợp nam thanh niên Việt Nam 17 tuổi đã bị buôn bán từ trại tị nạn ở miền Nam Hà Lan sang làm việc tại trang trại cần sa ở Anh. Người này sau đó đã tìm đến cảnh sát và được giải cứu.
Victoria, điều phối viên tại khu trú ẩn cho trẻ em ở phía bắc Hà Lan, cho rằng những kẻ buôn người sử dụng khu trú ẩn như trạm nghỉ, nơi trẻ em nhập cư bất hợp pháp có thể lưu lại một thời gian trong khi chờ đợi băng đảng đưa đến điểm tiếp theo.
"Tôi nhận ra trại tị nạn được sử dụng làm điểm dừng chân trên đường đến Anh. Những kẻ buôn người, một số đến từ các nước Đông Âu, thường đợi trong xe hơi bên ngoài nơi này để đón trẻ em", cô cho biết.
Vương quốc Anh được cho là điểm cuối cùng của đường dây buôn bán người bắt nguồn từ Việt Nam qua Đông Âu, Hà Lan và Pháp. Cảnh sát Hà Lan cho biết Anh là điểm đến hấp dẫn bởi những đứa trẻ bị buôn bán có thể kiếm được hàng nghìn bảng Anh mỗi tháng tại các trang trại cần sa và trong các tiệm làm móng.
Số liệu chính thức của Anh cho thấy hàng trăm trẻ em Việt Nam bị buôn bán vào nước này mỗi năm, tuy nhiên con số thực tế được cho là lớn hơn nhiều.
Công dân Việt Nam đứng đầu danh sách ba nhóm có nguy cơ trở thành nạn nhân bị buôn bán ở Anh, theo báo cáo của chương trình hỗ trợ nạn nhân buôn bán người của Anh (NRM). Từ năm 2009 đến 2018, tổng cộng 3.187 người lớn và trẻ em Việt Nam đã được liệt vào danh sách của chương trình này.
Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan đã phủ nhận vấn đề. Mark Harbers, bộ trưởng Tư pháp và An ninh Hà Lan, cho rằng các cuộc điều tra không đưa ra được bằng chứng về hành vi phạm tội. "Hiện tại, các tổ chức thực hiện cũng không có thông tin nào cho thấy mạng lưới buôn bán người có liên quan đến việc các trẻ em vị thành niên Việt Nam mất tích", ông Harbers nói.
Nguồn: Hương Ly/ zing.vn