Hành trình ý nghĩa "Tôi yêu Tổ quốc tôi" mở đầu cho Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 đã đưa các trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài tham quan nhiều địa điểm, di tích lịch sử tại Hà Nội.

Không chỉ khơi dậy tình yêu quê hương, những ngày tham gia Diễn đàn đã khơi dậy ý thức, trách nhiệm của sức trẻ vì sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

42 1 Tri Thuc Tre Kieu Bao Hien Ke Voi Que Huong

Đại biểu tham dự chụp ảnh tại Phiên khai mạc Diễn đàn sáng ngày 27/11. (Ảnh: Trọng Vũ)

Lần thứ hai được tổ chức, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019 từ ngày 26-28/11 đã thu hút sự tham gia của hơn 100 trí thức trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ trở về nước và cùng sum họp với các tri thức trẻ trong nước tại Thủ đô Hà Nội với niềm tự tin, sức trẻ và lòng đam mê được sáng tạo, được cống hiến...

Vì đất nước phát triển bền vững

Với chủ đề "Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước", các trí thức trẻ đã tập trung thảo luận các nhóm nội dung: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; Nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội. Đây là các nhóm vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của nước ta đòi hỏi cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững.

"Trong nhiều lần gặp gỡ các bạn trẻ Việt nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài cũng như trong nước, tôi thường gặp câu hỏi làm thế nào để lớp trẻ có thể đóng góp tốt nhất cho phát triển đất nước. Câu hỏi này không chỉ của các bạn mà còn đặt ra cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thế hệ đi trước... Tôi mong rằng dù ở đâu, vị trí nào, các bạn cũng luôn có Việt Nam trong trái tim và sẽ sống xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc. Tôi tin Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các bạn tích cực tham gia đóng góp công sức cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Một trong những kinh nghiệm thiết thực ấy là phương pháp khai thác nguồn năng lượng tái tạo theo điều kiện của Việt Nam đến từ đại biểu Nguyễn Duy Tâm (Đại học Nanyang, Singapore). Trong quá trình nghiên cứu khoa học, Tâm cho biết anh rất quan tâm đến năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đây cũng là mảng đề tài đang được nhiều nước hết sức quan tâm, do nhu cầu bức thiết cần phải có nguồn năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, trong đó có Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thu Hương - Đại học Kỹ thuật Nghiên cứu Quốc gia Irkutsk từng thành công trong Dự án quản lý các tuyến xe bus trên thiết bị di động khi còn là sinh viên, đoạt giải Ba cho thiết kế ý tưởng Robocom và giải Nhất tại Liên hoan Khoa học Liên bang Nga dành cho các nhà phát minh trẻ. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tế, chị mong được học hỏi và chia sẻ với cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam để cùng phát triển lĩnh vực công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số.

Là một bác sĩ y khoa, nhà sinh học phân tử và doanh nhân, đại biểu Hà Hoàng Thi đến từ trường Đại học Y của Đại học Harvard (Mỹ) đã có hơn tám năm kinh nghiệm trong khoa học Y sinh. Chính vì vậy, việc xây dựng những công ty để tạo ra các loại thuốc cho tương lai là tầm nhìn lâu dài trong khoa học của anh. Ngoài ra, Hà Hoàng Thi còn là một chuyên viên cố vấn cao cấp giúp các bạn trẻ định hướng nghề nghiệp. Trong mười năm qua, anh đã tư vấn rất nhiều sinh viên, giúp họ tìm ra con đường sự nghiệp đúng với đam mê và được nhận vào những trường học nổi tiếng trên thế giới.

Về tham dự Diễn dàn lần này, Hà Hoàng Thi giới thiệu sáng kiến kết nối du học sinh Việt Nam toàn cầu xây dựng Quỹ Học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi đến trường. Anh tin rằng sự kết nối toàn cầu, sự giao điểm giữa các chuyên ngành để vươn tới tấm nhìn chung và không ngại đuổi theo những ý tưởng táo bạo sẽ tạo nên một sự đổi mới cho tương lai.

"Tôi hy vọng có được sự tham gia của trí thức Việt Nam tại nước ngoài thông qua hoạt động tình nguyện ở Việt Nam, đặc biệt tại các trường đại học. Do vậy, như một hệ quả, các hoạt động tình nguyện được chuyên nghiệp hóa thông qua sự đóng góp của các trí thức trẻ sống và học tập ở nước ngoài. Tôi cũng mong Chính phủ, Nhà nước ngày càng có nhiều chính sách cởi mở, quan tâm và tạo điều kiện cho trí thức trẻ ngoài nước được đóng góp công sức, phát huy các sáng kiến, ý tưởng như Diễn đàn lần này".

Đại biểu Phạm Thị Quỳnh Chi – Đại học Bologna, Italy

Nguồn nuôi dưỡng trí tuệ Việt

Có thể nói, sau thành công của lần tổ chức đầu tiên tại Đà Nẵng, Diễn đàn năm nay tiếp tục tìm ra các cơ chế để phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.

Đặc biệt, các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước góp phần tạo kênh tham vấn để Chính phủ và các cơ quan chức năng đặt hàng trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển đất nước.

Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong bày tỏ vui mừng trước sự gia tăng về số lượng đại biểu (đặc biệt là đại biểu ngoài nước) tham dự Diễn đàn lần hai.

Theo anh, điều này đã minh chứng cho sự phù hợp của mô hình và sự quan tâm, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với Tổ quốc của trí thức trẻ Việt Nam.

"Trí thức trẻ Việt Nam dù ở bất cứ đâu cũng đều mong muốn có một Việt Nam giàu mạnh, phát triển. Một khi cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu hợp tác, chia sẻ, cùng góp trí tuệ và cùng chung vai hành động, mục tiêu đó sẽ sớm thành hiện thực", anh Lê Quốc Phong nói.

Với PGS. TS. Trần Xuân Bách - Tổng thư ký Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam, điểm khác biệt của Diễn đàn so với các hội thảo, diễn đàn khoa học khác là Diễn đàn không dừng lại ở khía cạnh chuyên môn, mà có sự định hướng, lan tỏa tinh thần thanh niên, sự kết nối cộng hưởng của rất nhiều nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trẻ.

"Thành quả Diễn đàn tạo ra sự kết nối về chiều ngang giữa các trường đại học, các nhà khoa học trẻ trong nước và quốc tế. Chúng ta đang từng bước làm giảm nguy cơ "chảy máu chất xám", gom góp và nuôi dưỡng trí tuệ Việt ở mọi nơi, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước", anh Bách kỳ vọng.

"Công nghệ blockchain vẫn còn đang mới mẻ và vẫn đang được nghiên cứu, khắc phục những nhược điểm. Đây là một công nghệ thực sự mở, cho phép bất cứ ai cũng có thể tham gia nghiên cứu và tìm hiểu.

Nhiều nước trên thế giới đã thấy được vai trò quan trọng của nó trong xã hội hiện đại và đang tiến hành áp dụng trong một số lĩnh vực.

Vì thế tôi chọn đề tài này để thảo luận nhằm giúp chúng ta nhìn thấy được tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong một lĩnh vực cụ thể. Tôi mong muốn và hy vọng tại diễn đàn này được kết nối, chia sẻ, xây dựng nhóm, tổ chức tập hợp các trí thức, các nhà khoa học sẵn sàng chung sức cùng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực xã hội và được sự ủng hộ của chính phủ, nhà nước".

Đại biểu Vũ Ngọc Duy - Đại học Bách khoa Quốc gia Odessa

Nguồn: Trọng Vũ/ baoquocte




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC