Khu phố Việt Udon Thani ở Thái Lan - Ảnh: NVCC
Anh là Nattapong Pipatchaisiri (Trần Văn Kiều), người có dòng máu Việt Nam và được người dân Thái Lan chọn vào cơ quan lập pháp cao nhất của nước này.
Người Việt chúng ta được biết đến rộng rãi với hình ảnh những chiến binh. Chúng ta đã kiên trì, chịu đựng trong nhiều thế hệ để rồi chiến thắng những quân đội mạnh mẽ nhất thế giới. Ngày nay chúng ta chứng minh được bản lĩnh chiến binh không chỉ trên chiến trường mà cả trên thương trường.TRẦN VĂN KIỀU
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Kiều khẳng định chính dòng máu Việt Nam đã cho anh sức mạnh để tiến xa và thành công trên chính trường.
Anh mong muốn đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, cũng như chăm lo đời sống của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.
Tự hào dòng máu Việt
Anh Trần Văn Kiều
Anh Trần Văn Kiều sinh ra và lớn lên tại Udon Thani - tỉnh có đông người gốc Việt sinh sống nhất Thái Lan - trong gia đình có cả cha và mẹ là người nhập cư.
Ông bà ngoại anh di cư từ Việt Nam sang Thái Lan từ đầu thế kỷ 20 và sinh mẹ anh tại vùng đất này, trong khi cha anh có gốc gác từ Trung Quốc.
Gia đình anh sở hữu chuỗi cửa hàng dụng cụ, vật tư xây dựng với tuổi đời lên đến 60 năm tại Udon Thani và đã xây được cơ ngơi khá bề thế tại đây.
Vì cha mẹ bận việc kinh doanh, năm tháng tuổi thơ của anh Kiều gắn liền với những ngày tháng được gửi ở nhà ông bà ngoại.
Chính tại đây, anh được dạy văn hóa Việt Nam và nghe kể về truyền thống, lịch sử quê hương.
Nhờ điều kiện gia đình, anh được gửi sang Mỹ du học từ nhỏ. Trong thời gian ở xứ người, anh sống cùng gia đình chị ruột của mẹ và tiếp tục gắn bó với văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó anh cũng được trải nghiệm môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc của xứ sở cờ hoa. Môi trường này ít nhiều tương đồng với quê nhà Udon Thani của anh, nơi quy tụ nhiều cộng đồng người nhập cư từ Việt Nam, Trung Quốc, Lào...
Sau khi kết thúc việc học tập, anh quay về quê nhà Udon Thani để tiếp quản công việc kinh doanh gia đình. Bước ngoặt đến với anh vào năm 2018, trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan năm 2019.
Khi đó, anh tiếp xúc với các thành viên của Đảng Tương lai mới (Future Forward), bị thuyết phục bởi quan điểm của họ và quyết định cùng đảng này tranh cử nghị sĩ. Anh Kiều chia sẻ:
"Tôi được nghe về những điều họ muốn làm. Tôi tin vào khả năng chúng thành hiện thực. Trong lần tranh cử đầu tiên năm năm trước, tôi muốn cho thế hệ doanh nhân trẻ như tôi thấy họ có thể cống hiến nhiều hơn cho người dân, cho đất nước".
TIN LIÊN QUAN
Đến cuộc bầu cử năm 2023, anh tiếp tục cùng Đảng Tiến bước (Move Forward), đảng phái kế thừa của Đảng Tương lai mới (bị buộc giải thể năm 2020), đứng ra tranh cử và giành thắng lợi.
Giờ đây anh Kiều liên tục di chuyển giữa Bangkok và Udon Thani để thực hiện nhiệm vụ của một nghị sĩ.
"Mẹ tôi là người Việt Nam 100% và tôi chắc chắn tôi sẽ không thể tiến xa như này nếu không có dòng máu Việt chảy trong mình" - anh Kiều tự hào nhắc về cội nguồn Việt Nam của mình.
Nghị sĩ Trần Văn Kiều hiện là thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Thái Lan, đồng thời tham gia nhóm nghị sĩ phụ trách quan hệ với Việt Nam của lưỡng viện.
Những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ nghị sĩ của anh Kiều đánh dấu một số hoạt động nổi bật đối với cộng đồng người Việt tại Thái Lan.
Đầu tháng 12-2023, trong chuyến công du đến Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cắt băng khánh thành khu phố Việt Nam chính thức đầu tiên trên thế giới tại Udon Thani. Và anh đã có mặt tại sự kiện này với tư cách nghị sĩ.
Anh Kiều cho biết khi cuộc bầu cử Thượng viện kết thúc vào tháng 5 năm nay, anh cùng các đồng sự sẽ tiến hành nhiều phần việc thiết thực cho quan hệ hai nước. Một trong số đó là tiếp tục xúc tiến việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Udon Thani.
Anh nhấn mạnh sân bay quốc tế Udon Thani hiện là sân bay lớn thứ tư tại Thái Lan. Do đó việc mở đường bay thẳng từ tỉnh này đến Việt Nam có thể mở ra nhiều cơ hội giao lưu kinh tế, văn hóa.
Góp sức xây phố người Việt
Anh Trần Văn Kiều (trái) chụp ảnh lưu niệm cùng một chủ cửa hàng trên tuyến phố Việt Nam - Ảnh: NVCC
Anh Trần Văn Kiều cho rằng chính khu phố Việt Nam tại Udon Thani vừa thành lập sẽ là viên gạch quan trọng cho tiến trình đó. Con phố này dài khoảng 300m và rộng hơn 15m, với 90% dân cư là người gốc Việt.
Trong nhiều thập niên qua, đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động của cộng đồng người Việt và các dịp kỷ niệm quốc lễ của Việt Nam... Sau khi được chính thức thành lập, khu phố Việt Nam bày bán nhiều mặt hàng ẩm thực truyền thống Việt cho người dân và du khách đến thưởng thức.
Anh Kiều chia sẻ dù con phố không lớn, đây vẫn là sự công nhận xứng đáng cho cộng đồng người gốc Việt ở Udon Thani và là điều thôi thúc họ tự hào về xuất thân của mình.
Không chỉ người gốc Việt ở Udon Thani, chính người dân bản địa cũng tự hào vì điều này. Chiếc cổng uy nghi, đậm nét văn hóa Việt Nam giữa đường phố Udon Thani là minh chứng cho sự thay đổi trên.
Anh chia sẻ: "Nhờ khu phố Việt Nam, những thế hệ người Việt lớn tuổi cảm thấy thoải mái hơn. Họ đã tự tin hơn trong việc khẳng định mình là người Thái gốc Việt và đóng góp cho xã hội, cho thành phố nơi họ sinh sống. Với người Thái Lan gốc, điều này có vẻ không to tát, song thật ra, chúng tôi đã mong đợi nó rất lâu".
Nghị sĩ gốc Việt cho biết ở Thái Lan đang ngày càng xuất hiện nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn có gốc gác Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan đã phá được định kiến chỉ lao động chân tay và bắt đầu nắm giữ nhiều doanh nghiệp quan trọng.
Khu phố Việt Udon Thani ở Thái Lan - Ảnh: NVCC
"Cộng đồng người Việt là một trong hai cộng đồng nhập cư đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế Udon Thani nhất. Trong tỉnh này cũng như các tỉnh lân cận, người Việt sở hữu nhiều tập đoàn lớn.
Chúng tôi bán xe BMW, đồng thời là nhà phân phối lớn nhất của Honda. Chúng tôi hợp tác với những thương hiệu quốc tế nổi tiếng khắp thế giới", anh Kiều tự tin khẳng định.
Khu phố Việt Udon Thani ở Thái Lan - Ảnh: NVCC
Anh cũng "bật mí" cửa hàng của gia đình anh nằm ở ngay đầu khu phố này. Do đó anh cùng gia đình đã tham gia vào quá trình vận động, lên kế hoạch thành lập khu phố.
Anh kể rằng khi được thi công, cổng chào tuyến phố bị vướng vào hệ thống trang trí cửa hàng nhà anh.
Khi đó gia đình anh quyết định dỡ mọi thứ xuống để nhường chỗ cho chiếc cổng bề thế - niềm tự hào của người dân địa phương.
Anh không quên mời gọi du khách đến thăm tuyến phố Việt Nam và thưởng thức các món ăn Việt Nam được tinh chỉnh để phù hợp khẩu vị người Thái Lan. Anh chia sẻ:
"Đó hoàn toàn là một điều mới lạ, là sự giao thoa văn hóa trong một thời gian dài. Điều này rất thú vị.
Con người chúng ta thích nghi và học hỏi, nhưng chúng ta không bao giờ quên cội nguồn".
Anh cho hay anh liên tục nhắc các con mình ghi nhớ dòng máu Việt Nam đang chảy trong chúng. Anh muốn một ngày nào đó đưa các con trở về Việt Nam và các bé cũng rất háo hức với điều đó.
Ngoài ra các con của anh cũng thể hiện rõ sự quan tâm đối với việc học tiếng Việt. "Chúng ta phải cống hiến cho cộng đồng, vì chúng ta sẽ còn sống ở đây. Con cái chúng ta sẽ còn sống ở đây nhiều năm nữa.
Một tương lai tương sáng đang đợi chúng ta. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến chính phủ Thái Lan và Việt Nam, cũng như chính quyền địa phương, đặc biệt những người đã và đang cống hiến cho cộng đồng. Nếu chỉ có con phố, chỉ có cổng chào mà không có họ thì mọi thứ cũng bằng không", anh Kiều nói.
Chia sẻ về định hướng tương lai, anh Kiều cho biết đang cùng gia đình lên kế hoạch chuyển địa điểm kinh doanh sang một nơi khác. Cửa hàng hiện tại dự kiến được sửa sang và cho người Việt thuê để mở hàng quán.
"Có thể trong vài năm tới, chúng tôi sẽ mở một quán cà phê. Đây sẽ là điểm hẹn chung cho mọi người đến giao lưu, đồng thời là chỗ nghỉ ngơi của du khách. Ở tầng trên, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp học tiếng Việt cho học sinh" - anh nói.
Nỗ lực thành lập tuyến phố Việt Nam
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chủ tịch Hội người gốc Việt tại tỉnh Udon Thani Lương Xuân Hòa cho biết ông cùng các đồng sự ấp ủ kế hoạch xây dựng tuyến phố Việt Nam từ hơn 5 năm trước.
Qua Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành, ý tưởng này được trình bày và nhận được sự ủng hộ lớn.
Theo ông Hòa, từ khi thành lập đến nay, hằng ngày tuyến phố Việt Nam thu hút đông đảo kiều bào, du khách nước ngoài đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Không khí càng trở nên nhộn nhịp vào các ngày cuối tuần, khi người dân địa phương bày bán các món ăn truyền thống của Việt Nam. Hầu hết mặt hàng đều chỉ bán đến trưa là hết sạch.
Với những đóng góp về kinh tế và du lịch, mô hình tuyến phố đã nhiều lần được chính quyền thành phố Udon Thani ca ngợi là điểm mới trong du lịch địa phương.
Thời gian tới ông Hòa dự định vận động mở rộng tuyến phố với thêm một con đường khác ở ngay cạnh tuyến phố hiện tại.
Ngoài ra ông cũng muốn mở rộng các mặt hàng bày bán tại đây, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng cao xuất khẩu. Ông trăn trở: "Khi về Việt Nam, tôi thấy hàng hóa Thái Lan rất nhiều. Trái lại tôi lại không thấy hàng hóa Việt Nam ở đây. Chúng ta phải làm thế nào để hàng Việt Nam sang Thái Lan nhiều hơn".
Về nghị sĩ Trần Văn Kiều, ông Hòa đánh giá anh là một thành viên tích cực trong cộng đồng người gốc Việt tại Udon Thani.
"Anh Kiều đã cùng gia đình tham gia nhiều cuộc họp về việc xây dựng tuyến phố này. Chính gia đình anh đã ủng hộ cho quá trình xây móng của cổng chào tuyến phố. Từ khi đắc cử nghị sĩ đến nay, anh cũng đã nhiều lần đưa các quan chức cấp cao trong Đảng Tiến bước, bao gồm Chủ tịch đảng Chaitawat Tulathon, đến thăm tuyến phố.
Trong mỗi lần về lại Udon Thani, anh Kiều đều trao đổi với tôi về các vấn đề trong khu vực. Nhờ sự tận tụy đó, rất nhiều người gốc Việt ở Udon Thani đã bỏ phiếu cho anh trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2023" - ông Hòa kể.
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online