Ông Hoàng Kiều trong cuộc gặp với con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Là một trong những người đồng sáng lập tổ chức thiện nguyện Westlake Women’s Club, bà từng giúp đỡ nhiều người khốn khó tại Conejo Valley, miền nam tiểu bang California, nhưng đó là lần đầu tiên nhóm của bà mở vòng tay nhân ái với một gia đình tị nạn người Việt, không lâu sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Bà kể lại với VOA tiếng Việt về gia đình ông Hoàng Kiều: “Họ không có nơi ở, công ăn việc làm, bạn bè hay thậm chí quần áo. Vì thế, chúng tôi đã trả tiền thuê nhà tháng đầu và tháng cuối để họ có thể nhanh chóng tới sống”.
Người phụ nữ nay 91 tuổi này nói thêm rằng dù nhiều năm trôi qua và trí nhớ đã suy giảm nhiều, bà vẫn không quên sự háo hức bắt đầu cuộc sống mới của những người tị nạn tới từ nửa vòng trái đất đó.
Gia đình ông Hoàng Kiều.
Sống còn
Trả lời VOA Việt Ngữ bằng tiếng Anh tại khu nhà trị giá tới 33 triệu đôla Mỹ (khoảng 750 tỷ đồng) ở Simi Valley, cách nơi tái định cư ở vùng đất mới hơn 20 km 42 năm trước, ông Kiều cho hay rằng, với vai trò trụ cột gia đình, ông đã phải làm ba công việc cùng lúc để kiếm tiền nuôi các con nhỏ.
“Nếu muốn đạt được mơ ước, bạn phải làm việc chăm chỉ. Nếu muốn có tiền, bạn phải làm việc chăm chỉ và tìm cách kiếm tiền”, ông Kiều nói.
Người đàn ông với dáng người nhỏ bé này phát hiện cơ hội “làm ăn” đầu tiên ở Hoa Kỳ tại vườn nhà của một người bạn.
“Nếu muốn đạt được mơ ước, bạn phải làm việc chăm chỉ. Nếu muốn có tiền, bạn phải làm việc chăm chỉ và tìm cách kiếm tiền.” – Ông Hoàng Kiều nói.
Ông Kiều, khi đó gần 31 tuổi, mua rau răm, “hàng hiếm” trên đất Mỹ khi ấy, rồi dùng chiếc xe máy được ân nhân tặng để mang tới các chợ nơi có nhiều người Việt sinh sống bán kiếm lời.
“Đó là cách tôi kiếm tiền và tích lũy”, tỷ phú Mỹ gốc Việt nói. “Trong bất kỳ tình huống nào, tôi phải nghĩ cách để tồn tại”.
Ông cho biết thêm rằng các kỹ năng sống còn học được từ lực lượng biệt kích Mỹ khi làm phiên dịch cho họ thời Chiến tranh Việt Nam đã giúp ích cho ông tái xây dựng cuộc sống tại quê hương thứ hai.
“Khi được đưa tới một khu rừng, không ai có thể tới cứu bạn. Bạn phải tìm cách sống còn. Nếu bạn bị lạc và đói, bạn phải đào củ lên mà ăn, tìm chuối rừng, hay thứ gì đó để ăn”, ông Kiều nói.
Ông Hoàng Kiều thời trẻ.
Thăng tiến
Khi được giới thiệu công việc với thù lao 1,25 đôla một giờ tại phòng thí nghiệm của tập đoàn Abbott, ông Kiều đã không bỏ lỡ cơ hội.
Dù không có bất kỳ kinh nghiệm nào, ông vẫn được nhận vào làm với lời hứa sẽ cố gắng hết sức. Và ông đã giữ lời, làm việc trung bình 12 tiếng một ngày.
Theo lời ông, chỉ trong vòng sáu tháng, ông đã được thăng tiến làm quản lý rồi sau đó là giám đốc của bộ phận sản xuất và kiểm nghiệm huyết tương [thành phần quan trọng của máu, có vai trò vận chuyển các chất dinh dưỡng của cơ thể].
Ông Hoàng Kiều bên chiếc máy bay riêng
Sau 5 năm đặt chân tới vùng đất mới và tích lũy đủ kinh nghiệm, ông Kiều thành lập công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất huyết tương y tế và kháng thể hiếm, viết tắt là RAAS. Rồi ông mở rộng hoạt động sang Trung Quốc, và hiện là phó chủ tịch công ty chi nhánh ở Thượng Hải.
Ông Kiều cho biết rằng ông từng bị đối thủ “chơi xấu”, tìm cách làm mất uy tín bằng cách nói rằng sản phẩm của ông là của Trung Quốc, nên nay, tỷ phú này mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như sản xuất rượu vang, các sản phẩm bổ dưỡng và nhà hàng ở ngay chính tiểu bang California.
Ông nói rằng các khó khăn cũng như thách thức ông đối mặt khi mới tới Hoa Kỳ đã biến ông trở thành con người như hiện nay.
Trả ơn
Theo Forbes, tỉ phú tự thân này hiện có tài sản định giá là 2,9 tỷ đôla, và RAAS Thượng Hải đứng ở vị trí thứ tư trong danh sách “Các công ty sáng tạo nhất thế giới”.
Ông Kiều cho hay rằng ông biết ơn nước Mỹ và giờ là lúc ông trả ơn quê hương thứ hai đã cho ông cơ hội làm lại cuộc đời.
Riêng năm nay, ông đã đóng góp 10 triệu đôla, giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt, trong đó có nhiều người đồng hương, ở San Jose, California, và các nạn nhân bão Harvey ở Houston, Texas.
Thị trưởng Sam Liccardo của San Jose nói với VOA rằng ông Kiều “không có ràng buộc gì” khi tặng tiền.
“Mọi đồng đôla phải được hỗ trợ người dân gặp khó khăn để họ có thể trở về nhà. Ông ấy yêu cầu rõ như vậy”, người đứng đầu thành phố nơi có đông cư dân gốc Việt sinh sống kể lại.
Trong bộ vest hiệu Gucci màu xanh lá cây đậm mà ông cho hay “chỉ vài nghìn đôla”, doanh nhân này nói với VOA tiếng Việt về việc làm từ thiện: “Tôi không thể ăn ba bát cơm một lúc, không thể đi hai đôi giày cùng lúc. Cho nên số tiền của tôi, một phần dành cho con, một phần dành cho các nhân viên trụ cột, số còn lại sẽ dành cho các mục đích từ thiện”.
Người đàn ông nổi tiếng với phong cách thời trang khác lạ và mối tình ngắn ngủi với “nữ hoàng nội y” của Việt Nam nói rằng ông thích giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, thay vì bỏ tiền để có tên mình trên một tòa nhà nào đó.
Dinh thự 33 triệu đôla của ông Hoàng Kiều ở tiểu bang California.
Mơ ước
Là một người tị nạn vượt qua nhiều khó khăn để thành công trên đất Mỹ, ông Kiều nói rằng ông “có một giấc mơ Hoa Kỳ có luật về nhập cư để nhiều người không phải luôn thường trực nỗi lo sợ bị trục xuất”.
Nhập cư trở thành một trong các vấn đề cốt lõi dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực Nhà Trắng nói nhằm “bảo vệ sự an toàn và an ninh của đất nước” cũng như “bảo vệ các công nhân và người trả thuế Mỹ”.
Khi được hỏi có thông điệp gì cho người từng là tỷ phú bất động sản, ông Kiều nói: “Tôi kêu gọi bất kỳ ai ra quyết định và có lương tâm, hãy nghĩ về nguồn gốc tổ tiên của mình cũng như sự hình thành nước Mỹ”.
“Khi nhìn vào những câu chuyện thành công của những người đóng góp ở Hoa Kỳ, họ là ai? Họ phải nhớ tới điều đó”, ông Kiều nói, ám chỉ tới nguồn gốc di dân của nhiều người Mỹ.
Một gia đình người Việt được lực lượng Mỹ di tản khỏi Sài Gòn năm 1975.
Hiện có hàng triệu người gốc Việt sinh sống ở Mỹ, biến họ trở thành cộng đồng người Việt lớn nhất trên thế giới ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Hàng trăm nghìn người đã rời bỏ tổ quốc đi tị nạn sau Chiến tranh Việt Nam, và nhiều người trong số đó đã phải lênh đênh trên biển trong các chuyến hải hành đầy hiểm nguy.
Không giống với các đồng hương khác, ông Kiều cho biết rằng ông và gia đình được đưa khỏi Việt Nam trên máy bay của Mỹ, và không phải trải qua các trại tị nạn trước khi tới Hoa Kỳ.
Anh Lượng Ngô, một cư dân ở Little Sài Gòn, nơi sinh sống của nhiều người Mỹ gốc Việt, cho VOA Việt Ngữ biết rằng anh tới Hoa Kỳ lúc 30 tuổi, tầm tuổi lúc ông Kiều đặt chân tới “miền đất hứa”.
“Mình là tỷ phú thì mình có thể chi ra một ít tiền giúp cho mọi người. Đó cũng là tấm lòng của người nghĩ tới hồi xưa của mình, xuất phát từ khổ cực, và đến khi giàu có thì nghĩ lại.” – Anh Lượng Ngô, một người dân ở Little Sài Gòn, nói. Di dân từ Việt Nam này nói rằng câu chuyện vươn lên từ nghèo khó của người đàn ông 73 tuổi đã truyền cảm hứng cho anh.
“Mình nghĩ nếu mình là ông thì mình cũng làm điều đó để giúp đỡ cộng đồng. Mình là tỷ phú thì mình có thể chi ra một ít tiền giúp cho mọi người. Đó cũng là tấm lòng của người nghĩ tới hồi xưa của mình, xuất phát từ khổ cực, và đến khi giàu có thì nghĩ lại”, anh Lượng nói.
Nguồn: voatiengviet.com