Người Việt bán hàng tại Nga
Dưới đây là câu chuyện của Nguyễn Văn, một Việt kiều từng sống 10 năm sau sự kiện Liên Xô tan rã, về quãng đời tha hương sóng gió nhất tại Nga.
Năm 1991-1993, cảnh sát đặc nhiệm chống bạo động chỉ nhận lệnh từ Tổng thống Ensin là lực lượng khiến dân Việt nhập cư buôn bán lặt vặt đầu đường xó chợ sợ nhất.
Họ tra tấn cả những phụ nữ có con nhỏ. Hôm ấy, tôi bị bắt vào đồn cùng một số người Việt khác, trong đó có một phụ nữ ôm theo cả con nhỏ.
Tôi đinh ninh mình là đàn ông sẽ bị đánh còn phụ nữ thì không. Nhưng viên cảnh sát Nga đó đã gọi một nữ cảnh sát vào giữ con của người phụ nữ Việt kia, tên cảnh sát nam tung hứng dùi cui trên tay như làm ảo thuật, và nhanh như cắt nện dùi cui vào đầu người phụ nữ.
Tôi quá choáng trước cảnh ấy, hắn đã đánh phụ nữ, hơn nữa là một phụ nữ có con nhỏ. Chuyện kinh khủng gì đã xảy ra trước mắt tôi thế này! Tất nhiên khi bình tĩnh lại, tôi không kết luận rằng họ, cũng như người Nga là ác, mấy người này chỉ làm việc của họ mà thôi, còn hầu hết người dân thường Nga thì rất tốt bụng.
Chúng tôi tranh thủ đứng bán hàng dưới gầm cầu, đường vào bến lên tàu. Một cái túi dứa, một lố áo thun, quần bò vắt trên tay đứng bán, thấy cảnh sát là nháy nhau chạy. Hộ chiếu ông nào cũng đóng dấu của đại học Lomonosov hẳn hoi.
Nhưng không ai biết đó chỉ là dấu củ khoai, nộp tiền cho dịch vụ là yên trí mình đã hợp pháp, nhưng tới khi bị cảnh sát Nga bắt mới vỡ lẽ mình bị lừa. Làm dịch vụ giấy tờ bên Nga của người quen thì chi phí là 500 đô, người không quen thì 700 đô. Hóa ra tự người Việt mình lừa nhau tất cả.
Ở lại Nga, chúng tôi luôn đau đáu tìm cách để chạy sang các nước khác khá hơn là Đức, Tiệp, Hungary, Ba Lan, Áo... Ai có cơ sở ở Nga vững rồi thì mới không nhấp nhổm chạy sang các nước khác. Bản thân tôi, năm 1998 cũng "chạy" từ Nga sang Czech và định cư, làm ăn tại Czech từ đó tới nay, qua hơn hai thập kỷ.
Có hôm cảnh sát Nga bắt chúng tôi, rồi dồn vào sân của một khu block nhà tập thể, bắt chúng tôi úp mặt vào tường, và dùng dùi cui, dây lưng, roi da quật, tôi thấy thằng bạn bên cạnh "hự, hự" mấy tiếng đau đớn rồi đổ huỵch xuống sân.
Tôi thầm nghĩ, chết rồi, đến lượt mình, tôi bị đánh vào mạn sườn, đến cú đánh thứ hai tôi ngã ngay xuống sân. Chúng thôi không đá khi chúng tôi đã ngã. Ăn đòn như thế, nằm nhà chờ hết đau rồi chúng tôi vẫn tiếp tục phải bán hàng lén lút vì không bán thì không sống nổi.
Nếu bán hàng trót lọt, không bị bắt thì mỗi ngày tôi bỏ túi được 50-100 đô la, để dành thành món lớn mới chạy được giấy tờ hợp pháp và thuê riêng cửa hàng, làm ăn ổn định hơn.
Có lần, cảnh sát vây một khu người Việt, dù đại sứ quán Việt Nam và một số phóng viên Việt Nam đã đến hỗ trợ, nhưng cảnh vây ráp, bắt bớ, đánh đập vẫn diễn ra. Thậm chí một phóng viên Việt Nam còn bị tên cảnh sát Nga cao lớn cầm hai chân dốc ngược xuống, dận đầu xuống nền tra tấn.
Có lần, tôi đứng bán được số lượng hàng kha khá, được món tiền tương đối đựng vào một cái túi, túi đó lại nhét vào bao dứa đựng số quần áo còn lại, vừa khấp khởi định về nơi ở thì bị tóm. Viên cảnh sát giật túi dứa của tôi, nhưng tôi cố giữ thật chặt, thì bị hắn đấm thật lực vào mặt.
Tôi choáng, ngất đi, chỉ vài khắc sau, tỉnh dậy, tôi ôm mặt thì thấy ướt nhẹp máu, nhưng may quá cái túi dứa vẫn nằm trong tay tôi và cảnh sát đã bỏ đi. Tôi lấy một cái áo lau sạch máu trên mặt, nhưng mắt trái không mở nổi, nhìn không thấy gì. Tôi nghĩ có lẽ mình đã mù mắt, vừa bị cú đấm quá nặng, lại bị xịt hơi cay vào mặt. Chắc tôi đi tong con mắt bên trái. Tôi được bạn đưa về chỗ ở, chườm mắt, thật may là trời còn thương tôi, nên mấy tiếng sau thì nhìn lại được.
Năm 1993, khi loạt sinh viên và công nhân phải về nước, thì nhóm chấp hành đi về Việt Nam, nhóm ở lại. Nhóm ở lại được gọi là "đi bộ đội", nghĩa là không giấy tờ hợp pháp, mọi tài sản quý giá nhét trong ba lô, cứ bị cảnh sát điều tra nơi ở là đeo ba lô lên và chạy.
Chúng tôi sống chủ yếu bằng buôn bán đầu đường, ga tàu, quảng trường, vừa bán vừa chạy, lấm lét. Nhưng chính nhờ những người liều lĩnh, không sợ mất mạng sống của mình mà ở lại, thì mới hình thành nên cộng đồng Việt kiều lớn tại các nước Nga, Đức, Đông Âu cũ như ngày nay.
Chuyện khiến tôi đau lòng nhất, đó là câu chuyện của hai vợ chồng một người bạn đồng niên. Hai vợ chồng họ buôn bán ở Nga, thấy tình hình căng thẳng quá, nên lập mưu chuyển sang Đức. Hai vợ chồng bàn bạc nhau, thống nhất vợ sang Đức tìm cửa làm ăn trước, sau đó đón chồng sang.
Tiền dành dụm được sau chục năm làm ăn bên Nga, dồn lại để người vợ mang sang Đức. Người chồng ở lại tiếp tục làm ăn để chờ tin vợ. Nào ngờ, người vợ sang Đức lại cặp bồ luôn với với người đàn ông khác, từng sống nhiều năm ở Đức, có cơ sở vững vàng rồi. Người chồng ở Nga chán nản, tìm đến với rượu, làm ăn thất thường và lụi tàn dần. Một lần anh bị cảnh sát bắt và tra tấn, khi trả về, ốm liệt và không bao giờ dậy nữa.
Dù gì, thì điều mà tôi có thể tự hào về bản thân, để yên tâm sống tiếp, đó là biết bao điều mà mình đã trải nghiệm, đắng cay, nước mắt, mồ hôi và máu đã đổ thực sự, để kiếm tìm một cuộc sống khác tại Nga, và sau này là Cộng hòa Czech.
Hiện nay, vợ chồng tôi đang buôn bán tại Czech, chưa giàu, nhưng cái giàu của riêng tôi, đó là sự trải nghiệm đầy đau đớn tại tầng thấp của cuộc sống, của sự kỳ thị của một bộ phận dân bản xứ, để đến nay có thể có danh phận sống đàng hoàng tại thủ đô của cộng hòa Czech, nơi tôi coi như quê hương thứ hai của mình.
Nguồn: Việt Châu/ Petrotimes.vn