Nhiều đến mức người ta xem đó gần như một công việc đặc thù của người Mỹ gốc Việt ở nơi này thì quả cũng là một “hiện tượng” thú vị để chúng tôi, nhóm phóng viên người Việt, từ Little Saigon bay về nơi xứ Hạ nhằm tìm hiểu thêm về những con người chọn nghề tài xế taxi như một công việc kiếm cơm độ nhật, cùng những vui buồn của họ khi ngồi sau tay lái rong ruổi cùng du khách đến từ bốn phương.
Bến xe taxi có nhiều người gốc Việt làm tài xế ở phi trường Honlolulu, Hawaii.
Lái taxi vì được tự do, không cần giỏi tiếng Anh
Đón chúng tôi từ phi trường Honolulu không là một tài xế taxi hiện hành mà là một cựu tài xế, ông Nguyễn Hoàng, người có thâm niên với nghề này cũng mười mấy năm trước khi giải nghệ để mở nhà hàng Cửu Long.
Đến Hawaii năm 1979, lúc “người chạy taxi hãy còn ít lắm”, ông Hoàng, ngoài 60 tuổi, chọn lái taxi vì “dễ làm nhất, khi mà tiếng Anh không có, chỉ cần đi mướn xe chạy là cũng có thể sống qua ngày.”
Ông Trương Văn Ba, một tài xế taxi chạy tự do, cũng chọn nghề này ngay từ khi mới sang Hawaii năm 1982, bởi do những người quen sang từ năm 1975 giới thiệu. Không chỉ vậy, “thời đó chạy taxi rất dễ kiếm tiền, khách rất đông mà taxi thì ít,” ông Ba nhớ lại.
Lái taxi hơn 10 năm thì ông Ba nhận được một công việc khác “ngon ăn hơn”, thế là ông chuyển nghề. Hết làm thầu cho việc sửa chữa máy móc trong trại lính, đến đi bán xe lunch. Và chừng 5-6 năm nay, ông Ba lại quay về với nghề lái taxi vì “ở tuổi này rồi thì làm công việc này nhẹ nhàng hơn.”
Ông Trương Văn Ba, tài xế taxi tự do ở Honolulu, “Lúc trước lái 5-10 tiếng có thể kiếm vài trăm dễ dàng, còn hiện nay rất là khó chứ không có dễ.”
Tại bến taxi nơi sân bay Honolulu, trong lúc chờ đến lượt xe của mình, ông Diêm Mã, khoảng 70 tuổi, lái taxi ở Hawaii từ năm 1990 đến nay, vui vẻ kể, “Trước tôi ở Dallas cũng gần 10 năm, mùa lạnh lạnh quá chịu không nổi dọn qua đây ở và làm nghề lái taxi luôn.”
Ông Mã nói thêm, “Lái taxi thoải mái vì đây là nghề tự do, muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ, khi nào chạy vô bến thì đóng tiền.”
Ông Trung Đặng, lái taxi 12 năm, cũng góp thêm vào câu chuyện trong lúc chờ tới lượt xe mình, “Ở Hawaii này không có hãng xưởng lớn. Chỉ có tiệm tạp hóa, tiệm nail, nhà hàng, nên người Việt mình chạy taxi nhiều, cả nữ luôn chứ không phải chỉ đàn ông không thôi.”
Cũng theo ông Trung, lý do ông chọn nghề này là vì thích sự tự do của nghề, “mỗi lần con bệnh con đau cần đi bác sĩ thì mình sắp xếp đi thôi chứ làm hãng mỗi lần xin nghỉ mỗi lần khó.” Thêm vào đó, “khi nào bận thì nghỉ, không thì làm, chạy bao nhiêu tùy thích, làm nhiều thì thu nhập nhiều, vậy thôi.
Với chị Teresa Trần, một trong số những phụ nữ cũng chọn lái taxi làm công việc kiếm cơm nuôi gia đình thì lý do chị trở thành người ngồi sau tay lái cũng không có gì khác hơn là “đây là nghề tự do, không bị bó buộc, làm thì có tiền không thì thôi, khác với đi làm cho nhà hàng khi vắng khách họ đuổi mình về, dù mình có muốn làm thêm kiếm tiền cũng không được.”
Thu nhập và giờ giấc của tài xế taxi
Theo ông Trung, tất cả taxi ở Hawaii đều là “independ”, không ràng buộc với hãng nào hết, nhưng muốn chạy thì cần phải có tên của một công ty.
“Mình không phải trả tiền cho công ty, chỉ mỗi năm renew giấy tờ thì tài xế chỉ đóng vài chục đồng thôi. Riêng tài xế chạy bến sân bay thì phải đóng tiền cho sân bay. Cứ mỗi chuyến ra là phải trả $5. Tài xế lên văn phòng mua ‘ticket’ sẵn, mỗi cái $5, rồi cứ mỗi lần xuất bến là đưa cho người kiểm soát cái ticket đó chứ không phải đưa tiền mặt. Mình nhắm chạy nhiều thì mua nhiều, ít thì mua ít, vì ‘ticket’ hết hạn trong vòng 1 tháng, chạy không hết coi như bỏ.” Ông Trung giải thích.
Lái taxi là nghề cứ xách xe ra là có tiền. Tuy nhiên nhiều hay ít là “hên xui”.
“Lúc trước lái 5-10 tiếng có thể kiếm vài trăm dễ dàng, còn hiện nay rất là khó chứ không có dễ.” Ông Ba trả lời khi nghe hỏi về thu nhập hiện tại của công việc này.
Ông giải thích thêm, “Hiện giờ muốn kiếm $150 một ngày phải đợi 12 tiếng trở lên, mặc dù trong vòng 12 tiếng đó mình chạy chừng 3-4 chuyến thôi chứ không nhiều. Thời buổi này khó kiếm tiền vì quá nhiều người chạy, rồi nào taxi, xe bus, xe van, rồi Limo đủ thứ hết nên khách bị chia ra.”
Ông Trung phân tích thêm, “Thời điểm giáp Tết là mùa rất chậm. Nếu tôi muốn chạy 4 ‘lot’ thì tôi phải bỏ thời gian ở đây ít nhất từ 12 đến 14 tiếng. Bây giờ cứ tính trung bình từ sân bay đi Waikiki khoảng $37-$40, khách cho tiền tip $2-$3 hay sộp thì cho $5 thành ra được khoảng từ $40 đến $45. Như vậy cứ cho là may mắn khách nào cũng đi Waikiki thì 4 ‘lot’ là được $160, trong đó phải trả $20 tiền tickets cho bến, cùng khoảng $20 tiền xăng, chưa kể tiền bảo hiểm, tiền hư hao xe. Như vậy còn khoảng $100.”
“Mùa Hè thì chạy chừng 5-6 lot, những người trẻ độc thân thì có thể chạy gấp đôi” Ông Trung ngưng ngang câu chuyên vội vã chạy ra xe vì đã đến line của ông.
Như đã nói, đây là nghề tự do nên giờ giấc làm việc của mỗi tài xế cũng mỗi khác. Nếu ông Ba chia ra chạy ngày hai buổi, từ 5 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều, rồi về nghỉ, sau đó khoảng 5 giờ chiều ra chạy đến 8 giờ tối về, thì chị Teresa lại chọn cách khi đã lái xe ra thì cứ chờ chạy cho đủ rồi mới về.
“Tôi cứ coi theo lịch máy bay lên xuống mà tính giờ đi. Khi đã lái xe ra đó thì ở đó suốt cho đến khi hết máy bay thì về. Ráng làm cũng 13-14 tiếng. Lúc chờ khách thì ngủ hay đọc sách, xem phim.” Chị Teresa cho biết.
Ông Hoàng thuở trước chỉ thích chạy xe ban đêm, từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng, vì “chạy ban đêm trời mát”, còn ông Ba lại không thích chạy ban đêm vì “ban đêm chạy hay gặp nhiều du khách đi uống rượu về lên xe lằng nhằng, phiền phức lắm.”
Và thu nhập mỗi ngày là “hên xui, không thể nói là chạy đêm hay ngày nhiều tiền hơn.”
Ông Ba “khoe”, “Như hôm nay rất là hên khi tôi ra 5 giờ rưỡi sáng chạy đến lúc khoảng 10 giờ là được gần $200 rồi, đi mấy lot xa xa không nên chỉ cần 3-4 chuyến là được nhiều tiền. Nhưng cũng nhằm bữa đậu 3-4 tiếng mà không ai kêu hết. Cho nên nghề này mặc dù nói chạy 13-14 tiếng nhưng thực ra chạy thì chỉ vài tiếng, còn lại là ngồi đợi không à.”
Ông Trung cũng cho rằng “lái taxi giống như đi câu cá, hên thì câu cá lớn chở khách đi xa, không thì câu cá lòng tòng đi lot ngắn, chứ không có chuyện tranh giành khách.”
Dù rằng lái taxi không còn dễ kiếm tiền nhiều như trước, bởi khách ít đi mà xe nhiều thêm, nhưng như ông Diêm xác nhận “làm nghề này nuôi sống được vợ con” hay như ông Trung nói “nghề này không dư nhưng đủ nuôi gia đình.”
Chị Teresa cũng cho biết “làm taxi cũng có tiền xoay sở để trả tiền nhà lo cho con cái.”
Vui buồn của nghề đưa đón khách
Đoạn đường từ phi trường về nơi chúng tôi cần đến đủ lâu để nghe được nhiều điều khá hay liên quan đến nghề lái taxi, từ ông Hoàng Nguyễn và ông Trương Văn Ba, người đưa chúng tôi đi tìm hiểu thêm nhiều về những nét đặc trưng của Honolulu.
Ông Hoàng nhớ lại, “Khi đó tiếng Anh không biết, đường không biết, GPS cũng không. Khi chở khách mình không biết thì mình hỏi họ chỉ đường mình đi. Chỉ sợ lúc đi đón khách mà không biết đường đón. Lúc đó chỉ chạy bằng bản đồ thôi, đi lạc cũng nhiều.”
“Nhớ có lần chạy vô phi trường quân sự, không biết terminal nằm ở chỗ nào hết, sau khi thả khách xong thì không biết đường ra, cứ chạy lòng vòng tùm lum trong phi đạo, ban đêm nữa. Cuối cùng quân cảnh chạy vô hú còi kéo ra. Sợ quá trời sợ.” Ông cười kể chuyện ngày xưa.
Nghe hỏi “nghề lái taxi có mánh gì mà chỉ dân trong nghề mới biết không?” ông Hoàng ngẫm nghĩ rồi mới trả lời, “Mỗi nghề có bí quyết riêng. Chạy taxi thì ở xứ nào cũng vậy, có loại khách muốn đi ăn chơi thì mình phải biết chỗ, vậy thôi chứ đâu cần mánh mung gì đâu.”
Ông Trung Đặng (trái), lái taxi 12 năm ở Hawaii vì thích sự tư do của nghề này.
Ông kể thêm một kỷ niệm nhớ đời, “Tôi chạy ban đêm nhiều, gặp cũng đủ loại khách. Có hôm đang chạy bỗng cảnh sát ngoắc vô, đề nghị chở một cô khách bị say rượu về địa chỉ bla bla. Ông cảnh sát nói đã kiểm tra rồi, biết cổ có tiền, đến nơi nói cổ trả. Tôi chở cổ đi một khúc, cổ ngồi ở phía sau cởi trần truồng hết và kêu tôi quay lại nhìn. Rồi lát sau cổ leo lên ghế trên ngồi. Khi đến nhà, cổ xuống, bỏ lại trên xe đủ quần áo, túi xách, tiền bạc tùm lum. Tôi đếm được hơn $1,000 lấy luôn. Còn lại đồ đạc của cổ thì cho vào thùng gửi theo đường bưu điện trong bằng lái xe về nhà cho cổ.”
Ông Ba cũng nhớ lúc mới vào nghề không rành tiếng Anh nên việc chở khách đi lộn cũng nhiều. Niềm vui của ông với công việc này là “Gặp rất nhiều người, nhất là những người Mỹ trắng muốn hiểu về Việt Nam, họ không biết Việt Nam sau 1975 mất nước như thế nào, họ nghe nói có người ở tù nhưng không biết ở tù ra làm sao. Cho nên khi gặp những người đó thì tôi giải thích cho họ nghe. Thường những người đó sau khi xuống xe họ cho tiền tip rất nhiều.”
Vui là vậy, nhưng cũng có lúc ông Ba gặp phải cảnh “quỵt tiền xe” của khách địa phương với chiêu “họ kêu chở đến đâu đó rồi khi vừa dừng lại thì mở cửa xe bỏ chạy không trả tiền.”
“Khách đi taxi có khi nào trả giá không?” Nghe chúng tôi tò mò, ông Ba bật cười, “Có. Khách Việt Nam. Mà chỉ cần nghe trả giá là tôi biết ngay đó là người Việt ở Cali.” – “Ủa, sao kỳ vậy?” Chúng tôi hỏi và cùng bật cười không cần có câu trả lời.
Những người tài xế gốc Việt sau dăm câu trò chuyện lại hối hả chạy lên xe, chờ lăn bánh ra khỏi bến…
Đi lòng vòng trong bến taxi nơi sân bay Honolulu, chúng tôi nghe văng vẳng tiếng Hoài Linh-Chí Tài đang diễn hài đâu đó. Đến gần mới nhận ra: nơi chỗ mái che dành cho tài xế nghỉ ngơi trong lúc chờ đến lượt, có chiếc TV nhỏ đang mở chương trình của Paris By Night. Một cảm giác gì vừa thật lạ, vừa rất gần gũi đến nao lòng: quê hương Việt ở ngay trong lòng hòn đảo du lịch nổi tiếng thế giới này…
Nguồn: Thanh Niên