Xưởng may của Công ty Shveinyi Dvor.
Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch COVID-19 tại LB Nga, các xưởng may, vốn đã gặp khó khăn do nền kinh tế Nga tăng trưởng ì ạch, nay lại càng khó khăn hơn do các qui định cách ly nghiêm ngặt dẫn tới ngăn sông cấm chợ, đóng cửa các trung tâm buôn bán lớn. Chính vì thế các chủ xưởng may người Việt đang phải xoay xở, thích nghi với điều kiện mới trên thị trường để có thể đảm bảo việc làm cho công nhân cũng như tạo ra lợi nhuận.
Tại một xưởng may có 80 công nhân tương đối bề thế của công ty Shveinyi Dvor ở tỉnh Moskva, không khí làm việc tương đối nhộn nhịp. Tuy nhiên, qua trao đổi với các quản lý công ty, chúng tôi biết công việc nhộn nhịp này là do mấy ngày qua công ty may hàng áo ấm ba lớp. Tuy nhiên, lô hàng này dùng để “ủ”, đón đầu vụ chứ tiêu thụ ngoài chợ.
Bạn Bạch Thị Thạch, 32 tuổi, quê Hòa Bình, làm ở xưởng may gần 5 năm cho biết từ ngày bắt đầu phát dịch COVID-19, công ty không cho ra ngoài để phòng chống dịch cho mình và cho mọi người. Do dịch bệnh, hàng hóa may cũng ít, công việc kinh doanh kém đi. Trước đây, lương bình quân được 800 USD/tháng, song từ ngày có dịch, lương chỉ ở mức 500-600 USD/tháng.
Để có thể bán hàng, duy trì công ăn việc làm cho công nhân, các xưởng may của người Việt đều rất linh hoạt, căn cứ vào nhu cầu thị trường để cân đối sản xuất và đặc biệt là đưa ra những quyết định chiến lược về mẫu mã sản phẩm.
Kỹ thuật viên Tiêu Công Tuấn, 35 tuổi, quê Hải Dương, làm ở xưởng được 3 năm cho biết mẫu mã đều phải làm theo thị hiếu thị trường. Mùa nào tiêu thụ mặt hàng nào thì làm mặt hàng đấy. Em nói: “Công ty bên đầu chợ có người làm tiếp thị, có nhiệm vụ theo thị hiếu người tiêu dùng và sẽ cung cấp ảnh hoặc mẫu hàng. Bọn em sẽ tác nghiệp ra mẫu và may mẫu đưa lên trên đó duyệt. Sau khi chỉnh sửa theo nhu cầu của khách hàng, bọn em sẽ tiến hành đưa mẫu vào sản suất, nhảy cỡ”.
Kỹ thuật viên Tiêu Công Tuấn, 35 tuổi, quê Hải Dương.
Theo bạn Tuấn, mẫu mã hàng năm không thể cố định, năm nào tiêu thụ tốt thì làm vài mẫu, thị trường không tốt thì phải làm hàng chục mẫu. Ngoài ra, xưởng cũng sản xuất nhiều mặt hàng đa dạng, như áo gió, váy, áo nỉ để đảm bảo hàng hóa sản xuất ra có thể tiêu thụ được.
Anh Bùi Quốc Phong, Giám đốc xưởng may cho biết hồi tháng 4, tháng 5, hoạt động sản xuất gặp rất nhiều khó khăn bởi chợ đóng cửa. Hàng hóa vật tư thiếu vì ngăn sông cấm chợ. Anh nói: “Vì thế bọn mình chỉ có thể tự kiếm việc để công nhân làm. Chẳng hạn như gia công khẩu trang và các bộ bảo hộ y tế cho bệnh viện”. Theo anh Phong, vào thời điểm đó, nói chung các mặt hàng thường sản xuất phải ngừng làm vì không có vật liệu, phụ kiện, vải vóc và chợ cũng đóng cửa.
Đánh giá tình hình kinh doanh hiện nay, anh Phong nhận xét: “Kinh doanh kém bởi đó là tình hình chung. Đầu tháng 6, chợ mở cửa nhưng nói chung người dân cũng không như trước. Lượng hàng hóa bán ra cũng kém. Nhưng bọn mình vẫn cố gắng đảm bảo công ăn việc làm”.
Một kỹ thuật viên may áo mẫu.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, xong rất nhiều xưởng may của người Việt vẫn chung tay hỗ trợ nhà chức trách địa phương trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Anh Phong cho chúng tôi xem thư cảm ơn của Thị trường thành phố Kolomna ở gần đó, bày tỏ lòng biết ơn công ty đã cung cấp hàng nghìn khẩu trang vải miễn phí cho một trại trẻ mồ côi.
Có thể thấy với tình cảnh nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn như hiện nay, các xưởng may của người Việt đều phải vất vả xoay xở mới mong có được chỗ đứng trên thị trường.
Nguồn: TTXVN