An toàn vệ sinh thực phẩm – vài suy nghĩ nhanh từ Berlin. Đây cũng là vấn đề người Việt Nam như tôi ở nước ngoài, cụ thể ở Đức rất lưu tâm, lo cho bản thân ở Đức thì ít hơn mà lo cho gia đình, người thân ở Việt Nam thì nhiều hơn.
Ở Đức cũng có nhiều vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vì ở đâu cũng vậy, vì ai chấp hành ATVSTP tốt thì thu nhập ít và vất vả nhất, và ngược lại ai càng có nhiều vi phạm như sử dụng chất tăng trưởng, tăng trọng, chất bảo quản, hàng kém chất lượng, quá đát, không giữ gìn vệ sinh thực phẩm mà không bị phát hiện thì xem ra càng “lãi lớn”.
Để ngăn chặn tư duy làm giầu trên cơ sở coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân như trên đây thì nước Đức sử dụng Luật và một bộ máy thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, chỉ đạo từ cấp Bộ (Bộ liên bang về dinh dưỡng, nông nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng) đến địa phương.
Riêng về vấn đề ATVSTP thì nước Đức còn có Cục Liên bang bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm tuy thuộc chỉ đạo của Bộ chủ quản nói trên nhưng nó có thẩm quyền hoạt động độc lập về vấn đề an toàn thực phẩm với một số lượng chuyên gia cấp Liên Bang là 470 người.
Việc giám sát, kiểm tra, xử lý trực tiếp về ATVSTP do các Bang chịu trách nhiệm thực hiện. Ở Berlin nhân sự Cơ quan ATVSTP tháng 12 năm 2006 là 367 người trên tổng số dân Berlin 2006 gần 3.399.000 người (gồm các nhà khoa học, trong đó có bác sỹ thú y, nhân viên kiểm tra vệ sinh, thực phẩm và nhân viên hành chính).
Nếu trong năm 2006 ở Berlin có 59.279 cơ sở, xí nghiệp đăng ký liên quan về lĩnh vực thực phẩm, thì 38.892 cơ sở đã bị kiểm tra, với số lượng 75.809 lần kiểm tra và 12.751 vi phạm (số liệu thống kê – có thể lấy công khai từ mạng Internet-TG).
Sở cảnh sát Berlin có một bộ phận chuyên trách chuyên điều tra vấn đề vi phạm ATVSTP. Thường cơ quan ATVSTP chuyển hồ sơ sang các vi phạm nặng sang, thì Cơ quan cảnh sát sẽ điều tra vi phạm về mặt hình sự để chuyển sang Viện Công tố để có thể truy tố người vi phạm, tư đó có thể phạt tiền hoặc nặng là phạt giam.
Ngoài ra ở Đức còn nhiều tổ chức phi chính phủ như các Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng hay đặc biệt cần kể đến là việc Chính phủ CHLB Đức của Thủ tướng Đức Adennauer cho thành lập Viện kiểm tra chất lượng hàng hóa từ năm 1964 (hoạt động độc lập theo Luật) tích cực bảo vệ người tiêu dùng nói chung và lĩnh vực ATVSTP nói riêng.
Thực tế những người Việt Nam hành nghề lĩnh vực thực phẩm, điển hình là các quán ăn ở Berlin, trên đất Đức có thể kể ra nhiều chuyện kiểm tra kỹ càng thế nào.
Ví dụ trong lĩnh vực vệ sinh thì dù chủ quán có lau chùi kiểu nào thì nhân viên kiểm tra với nghiệp vụ cao vẫn có thể chỉ ra các chỗ còn bẩn. Còn chủ quán nào vô phúc cho thịt cắt, băm nhỏ dùng không hết cho lẩu chẳng hạn đưa vào tủ đá để bảo quản tiếp thì thường khi bị phát hiện sẽ bị khởi tố vì luật pháp cấm!
Bạn Nguyễn Hoàng Hải.