Tại Đức hiện nay có trên 100 hội đoàn lớn, nhỏ và hàng năm có vô số các sự kiện, gặp gỡ, hội hè như gặp mặt hàng năm, đại hội, tổ chức kỷ niệm dịp này, dịp khác hoặc Tết Nguyên đán, hoặc Trung Thu… Có hội đoàn chỉ tổ chức sự kiện đơn giản, gọn nhẹ, nhưng có hội đoàn, có dịp lại tổ chức rất hoành tráng với vài trăm người tham dự…
Các sự kiện dù lớn, dù nhỏ, nhưng chương trình nghị sự chung thường là giới thiệu, chào mừng đại biểu, báo cáo tổng kết, đại biểu phát biểu chào mừng sau là liên hoan ẩm thực và liên hoan văn nghệ… cho tới khi kết thúc. Phần văn nghệ thường rất phong phú, đa dạng, từ hát quan họ, hát chèo, hát chầu văn, hát tân nhạc cho tới múa dân tộc, nhiều khi có cả ca sĩ chuyên nghiệp trong nước sang biểu diễn. Các nghệ sĩ nghiệp dư trong cộng đồng cũng rất tích cực, say mê ca hát, nhiều khi tranh nhau hát. Vấn đề muốn bàn ở đây là việc kết hợp hoặc phân chia chương trình liên hoan ẩm thực và liên hoan văn nghệ sao cho phù hợp, vừa thưởng thức được thức ăn ngon miệng, vừa thưởng thức được những lời ca, tiếng hát, điệu múa quê hương có chất lượng.
Trong nhiều trường hợp, việc ăn uống xen kẽ với nghe, xem văn nghệ gây khó chịu cho cả người xem và người biểu diễn: Người xem vì vừa ăn, vừa nói chuyện với những người cùng bàn nên không thể lắng nghe, cảm nhận cái hay, cái đẹp của bài ca, điệu múa, nhưng lại bị phân tán tư tưởng nên ăn cũng mất ngon. Nghệ sĩ biểu diễn chắc cũng chẳng hứng thú gì khi thấy khán giả chú tâm vào ăn uống, thậm chí thỉnh thoảng còn chuốc nhau „Dzô, dzô…“ và chỉ khi hết bài mới miễn cưỡng vỗ tay, gọi là có. Mới đây, tôi có được dự một cuộc gặp mặt của một hội đồng hương ở Séc.
Tôi thấy cách làm của họ khá hay, các hội đoàn ở Đức có thể rút kinh nghiệm, cải tiến để áp dụng ở Đức cho phù hợp với điều kiện ở đây: Phần nghi lễ, phát biểu khá nhanh, gọn, sau đó dành ra 30 – 45 phút để tập trung ăn, uống, trong thời gian này chỉ bật nhạc nhè nhẹ để mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện với nhau. Hết thời gian quy định, nhà hàng cho dọn sạch các món ăn, chỉ còn nước uống và bắt đầu chương trình văn nghệ. Lúc này thì khán giả có thể chuyên tâm thưởng thức văn nghệ, nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh những bài hay. Nghệ sĩ cũng có thể say mê biểu diễn hết mình vì khán giả, không phải mặc cảm vì những khán giả vừa nhai nhồm nhoàm, vừa lơ đễnh nghe nhạc.
Mong rằng các hội đoàn cải tiến cách thức sinh hoạt, có cách tổ chức phù hợp để các sự kiện được tổ chức khoa học, vui vẻ, việc thưởng thức văn hóa ẩm thực và văn hóa phi vật thể bổ sung cho nhau, làm phong phú thêm cuộc sống, làm tăng thêm tình cảm đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Theo Văn Long
Thời Báo