Vũ Kim Hoàn học khá nhất lớp và có thể nói được 5 thứ tiếng. Em được tờ Der Spiegel của Đức lấy làm ví dụ về những học sinh gốc Việt học vượt trội so với các bạn cùng lứa người bản địa.
Vũ Kim Hoàn. Ảnh: DPA. |
Vũ Kim Hoàn có rất ít thời gian rảnh rỗi. Em có thể chơi piano, nói thành thạo nhiều ngôn ngữ như Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Việt. Hoàn là một trong nhiều điển hình học tập của học sinh người Việt Nam tại Đức. Kim Hoàn hiện học lớp 10 ở trường Romain-Rolland-Gymnasiums, thành phố Dresden. Em tới Đức khi mới 3 tuổi. Ở nhà, Hoàn vẫn nói chuyện với bố mẹ và chị gái bằng tiếng Việt, để không quên đi nguồn gốc.
Vì là người nước ngoài, Hoàn không muốn trở thành gánh nặng cho nước Đức. "Em muốn đền đáp cho đất nước này bởi vì em đang sống ở đây", Hoàn nói.
Theo một nghiên cứu của trường đại học tổng hợp Leipzig, có tới 59% học sinh người Việt Nam ở Đức hiện đang học các trường chuyên (Gymnasium). Trong khi đó, tỉ lệ của học sinh bản địa chỉ là 43%. Cục thống kê liên bang cũng xác nhận thông tin này.
Riêng tại Sachsen, nơi mà người Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất trong nhóm nhập cư, thì tỉ lệ học sinh vào Gymnasium còn cao hơn. Tại đây, có tới ba phần tư học sinh người Việt Nam được vào học các trường Gymnasium, còn tỉ lệ của học sinh Đức thì tương đương với tỉ lệ của liên bang. Các con số này là tương đối, bởi hiện có nhiều học sinh gốc Việt đã nhập quốc tịch Đức và được tính trong tỉ lệ của học sinh Đức.
Hoàn cũng cho biết em chỉ có một người bạn người Việt không theo học trường chuyên. Em cho biết cũng không phải học quá sách vở để đạt được thành tích tốt. "So với bạn thân nhất của em, em vẫn còn hơi lười", cô bé 16 tuổi cho biết.
Một ủy biên ban chấp hành hội người Việt ở Dresden, có cậu con trai đang học lớp 7, thì luôn thúc giục con mình phải chăm chỉ và học tốt hơn các bạn cùng lớp. Cậu bé hiện cũng là một trong những học sinh có điểm số cao nhất trong lớp.
Theo quan điểm của anh, nếu con em của những người nhập cư không học tốt hơn những người khác ở Đức thì họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Kim Hoàn thì kể rằng, nếu em được điểm 2 môn toán thì mẹ em cảm thấy như một thảm hoạ, mặc dù đối với em, 2 điểm cũng không phải là tồi (điểm 1 là cao nhất ở Đức).
Ông Marcello Meschke, hiệu trưởng trường Bertolt-Brecht-Gymnasium ở Dresden cho biết, hiện có khoảng 70 em trên tổng số 800 học sinh của trường là người Việt Nam hoặc gốc Việt. "Những em này rất có ý chí tiến thủ", ông nói.
Theo Vnexpress