Sẵn sàng bảo hộ công dân
Ngày 3/2 vừa qua, trường Đại học Việt Đức đã gửi công văn số 30/ĐHVĐ-VP đến Cục Lãnh sự, đề nghị hỗ trợ 30 học sinh và 2 nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đức về nước.
Số sinh viên này hiện đang học tại một số trường Đại học của Đức trong khuôn khổ trao đổi học viên giữa Đức và Việt Nam, thông qua sự hỗ trợ của DAAD (Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức) và Quỹ học bổng bang Baden – Wurttemberg.
Ngay sau khi nhận được công văn, Cục Lãnh sự đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức lên kế hoạch triển khai để đưa số công dân này về nước.
Theo tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, phía Đức cũng rất quan tâm đến việc hỗ trợ đưa số học sinh trên sớm về nước. Theo đó, tất cả số học sinh này đều đã kết thúc học kỳ trao đổi vào ngày 28/2 và thị thực học tập sẽ hết vào ngày 31/3. Ngoài ra, các học sinh, sinh viên này đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính và việc tìm chỗ lưu trú vì hợp đồng thuê nhà kết thúc vào đầu tháng 2/2021.
Trong bối cảnh số lượng công dân từ khoảng 20 nước quanh khu vực châu Âu có nguyện vọng đăng ký các chuyến bay từ Đức về nước và số lượng bà con người Việt tại Đức đăng ký về nước lên đến hơn 1.000 người, trong khi mỗi tháng chỉ có 1 chuyến bay từ Frankfurt với số lượng chỗ hạn chế, việc tạo điều kiện một lúc cho 32 học sinh, nghiên cứu sinh này về nước sẽ vô tình làm giảm suất đăng ký của công dân từ các địa bàn khác tham gia trên chuyến bay này.
Tuy nhiên, ý thức được những khó khăn của số học sinh, sinh viên này, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã phối hợp với Cục Lãnh sự thu xếp cho các sinh viên của Đại học Việt Đức được ưu tiên về nước trên chuyến bay sớm nhất từ Frankfurt vào ngày 10/3 vừa qua.
Đây là chuyến bay đưa công dân về nước đầu tiên từ Đức trong kế hoạch tháng 3 và tháng 4/2021, được triển khai ngay sau Tết Nguyên đán và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phối hợp nhịp nhàng
Theo Tham tán phụ trách Lãnh sự thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức Phạm Hoàng Tùng, trong quá trình triển khai, Đại sứ quán đã xem xét các yếu tố sau:
(i) Các sinh viên này thuộc nhóm các đối tượng ưu tiên về nước trên các chuyến bay do Chính phủ tổ chức và đã đăng ký nguyện vọng với Đại sứ quán;
(2) Nếu không được thu xếp về nước kịp thời, các em sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn do các trường đại học tại Đức không tiếp tục cấp học bổng và bố trí chỗ ở;
(3) Trường Đại học Việt Đức là hải đăng của mối quan hệ hợp tác về giáo dục, đào tạo giữa hai nước và là cầu nối hữu nghị trong quan hệ bang giao về nhiều mặt.
Nắm được tình hình đó, ngay sau khi nhận được công văn của trường Đại học Việt Đức, Cục Lãnh sự đã thường xuyên giữ liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cũng như Đại học Việt Đức tại Việt Nam.
Tại Đức, Tổ chức Đại học thế giới của Đức cũng phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức liên tục cập nhật thông tin và tình hình của các học sinh, sinh viên.
Trên cơ sở đó, Cục Lãnh sự cũng nắm bắt được rõ nhu cầu và sự cấp bách để báo cáo Lãnh đạo Bộ Ngoại giao tạo điều kiện cho nhóm sinh viên này sớm được quay trở về Việt Nam.
Để triển khai kế hoạch đưa các sinh viên của trường về nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã thường xuyên động viên, trấn an nhóm sinh viên này về mặt tinh thần và khẳng định, họ có thể yên tâm sẽ được đi trên chuyến bay về nước sớm nhất.
Bên cạnh đó, Quyền Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan cho biết, Cục Lãnh sự đã đề nghị Đại sứ quán phối hợp với các tổ chức giáo dục của Đức như Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Tổ chức Đại học thế giới của Đức (World University Service Germany) hỗ trợ số sinh viên này hoàn tất các thủ tục pháp lý, giấy tờ với cơ quan sở tại Đức, yên tâm lên đường về nhà.
Về công tác phối hợp, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Cục Lãnh sự, Chi nhánh Hàng không quốc gia Việt Nam tại Frankfurt và Trường Đại học Việt Đức đã cử các đầu mối để trực tiếp trao đổi, phối hợp trong việc xem xét nguyện vọng, thông báo các thông tin về chuyến bay và hỗ trợ các thủ tục liên quan cho các sinh viên.
Ngày 10/3, 32 sinh viên của Đại học Việt Đức đã về nước an toàn trên chuyến bay VN30 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.
Nguồn: Hải Yến/ baoquocte.vn