Bác sĩ hành nghề y tá, kỹ sư đi lái taxi, còn giáo viên thì làm lao công. Theo con số thống kê không chính thức, gần 300.000 người nhập cư ở Đức không được làm việc theo đúng ngành nghề hay phải chấp nhận vị trí thấp hơn trình độ chuyên môn được đào tạo. Nhưng mới đây Quốc hội Đức đã thông qua Luật đánh giá và công nhận nghiệp vụ được đào tạo ở nước ngoài. Nhờ luật này mà những người nhập cư từ các nước không nằm trong EU sẽ có cơ hội được hành nghề ở Đức theo đúng chuyên môn.
Ưu điểm chính của đạo luật nói trên là trao cho người nhập cư quyền được các cơ quan chức năng thẩm định đánh giá trình độ chuyên môn của họ. Nếu nghiệp vụ của người nhập cư đáp ứng tiêu chuẩn của Đức thì luật pháp phải công nhận. Trước đây việc đánh giá và công nhận trình độ chuyên môn của người nhập cư cũng tồn tại trên lý thuyết, song rất khó áp dụng trên thực tế. Bây giờ luật pháp quy định thời hạn tối đa để xem xét đơn của người nhập cư là 3 tháng.
Một ưu điểm nữa của đạo luật là không chỉ tấm bằng đại học mà chứng chỉ học nghề, bậc thợ của người nhập cư cũng sẽ được công nhận.
Ưu điểm thứ ba của đạo luật là không đòi hỏi người nhập cư phải có quốc tịch Đức hay quốc tịch một nước trong EU để được công nhận trình độ chuyên môn và được hành nghề trong nhiều lĩnh vực.
Một trong những người đề xuất đạo luật công nhận nghiệp vụ của dân nhập cư là Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu khoa học Annette Schavan. Bà này nhấn mạnh tới khía cạnh nhân đạo của vấn đề. Theo bà, không thể chấp nhận tình trạng nhiều người tuy sinh sống ở Đức từ lâu nhưng không được công nhận bằng cấp và hành nghề theo đúng chuyên môn. Bà cho rằng đây là vấn đề nhân phẩm. Hơn nữa, việc được hành nghề theo đúng chuyên môn giúp cho người nhập cư nhanh chóng hòa nhập xã hội Đức.
Giới doanh nhân cũng tích cực vận động hành lang cho đạo luật công nhận trình độ chuyên môn của người nhập cư. Điều đáng quan tâm nhất đối với giới doanh nhân là tình trạng thiếu nhân công có nghiệp vụ. Vào đầu năm nay Đức có hơn 80.000 chỗ trống dành cho các kỹ sư. Đức cũng thiếu y tá và nhiều chuyên ngành khác. Nhìn chung tỷ lệ thất nghiệp ở nước này rất thấp bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải đạo luật mới của Đức không có khiếm khuyết. Klaus Bade, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia về vấn đề nhập cư và hội nhập, cho rằng luật không tính đến các biện pháp nâng cao nghiệp vụ cho người nhập cư. Chẳng hạn, bằng cấp do các trường ở Nga và Cadắcxtan cấp không phù hợp với chương trình đào tạo đại học của Đức. Và thế là người nhập cư phải tự bỏ tiền ra để học thêm, để thi cử hòng được công nhận bằng cấp.
Theo những người thuộc đảng Dân chủ - Xã hội đối lập thì nhược điểm chính của đạo luật mới là… sinh ra quá chậm. Một người có tấm bằng kỹ sư nhưng làm nghề lái xe taxi suốt 10 năm thì khó đuổi kịp đồng nghiệp và lấy lại trình độ chuyên môn. Phe đối lập sẽ có cơ hội đề xuất sửa đổi luật vào nửa cuối tháng 10/2011.
Theo Deutsche Welle.