Càng hội nhập, học sinh Việt Nam ở Đức có càng học kém đi?Mới đây, báo FAZ (Frankfurter Allgemeine Zeitung) đăng bài với luận điểm cho rằng, càng hội nhập, học sinh Việt Nam ở Đức sẽ càng học kém đi. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến của một số cá nhân, chúng tôi xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

 Bà Tôn mỗi tuần tới đây một lần để dọn vệ sinh. Bà là một phụ nữ đáng tin cậy, dễ mến và hào phóng. Có lần bà mang đến cả một đĩa nem rán đầy tự làm, rất ngon. Chồng bà làm việc trong một nhà hàng Việt Nam. Khi đó, con bà Tôn còn nhỏ. Có lẽ, bây giờ chúng đã tốt nghiệp trung học, đại học và có một nghề nghiệp tốt. Những ai quen với người Việt Nam thì đều biết về những câu chuyện mà các bậc cha mẹ vốn không được học hành đến nơi, đến chốn và chỉ làm những công việc phụ động với mức lương vài Euro một giờ, nhưng con cái họ lại đi học ở trường chuyên (Gymnasium), có điểm số cao và sau này làm bác sĩ, kỹ sư, cán bộ khoa học hay là kỹ sư tin học.

Trong các trường phổ thông, học sinh Việt Nam học rất xuất sắc. Tại những quận nghèo ở Berlin, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống, chúng làm giảm hẳn tỉ lệ học sinh bỏ học. Tổng cộng, hơn một nửa học sinh Việt Nam học ở trường Gymnasium và trong kiểm tra Pisa, chúng đạt điểm tốt hơn trẻ em gốc Đức.
 
Thành công lớn trong học tập của học sinh từ các gia đình Việt Nam đòi hỏi phải được giải thích nguyên nhân do đâu. Ông Olaf Beuchling, Nhà giáo dục học ở Hamburg nhận xét: Cho tới nay, trong nghiên cứu, người ta ít chú ý tới học sinh Việt Nam, có lẽ vì chúng trái với lý thuyết từ trước tới nay. Bởi vì cũng giống như những đứa trẻ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chúng được cha mẹ  thường là những người ít học, nói tiếng Đức kém và sống co cụm với nhau, nuôi lớn. Vì vậy, theo quan điểm thông thường, cũng giống như những đứa trẻ Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ít có khả năng học giỏi. Nhưng trên thực tế, giữa hai cộng đồng này có một khoảng cách lớn. Vậy sự khác biệt là gì?
 
"Cha mẹ trông đợi rất nhiều vào thành tích học tập của con cái"
 
Từ hơn 15 năm nay, Beuchling quan tâm nghiên cứu về thành tích học tập của học sinh Việt Nam. Ông nhận thấy dù ở đâu cũng "không thể không để ý tới bối cảnh văn hóa của những cộng đồng dân cư". Đáng chú ý là sự liên quan chặt chẽ giữa thành tích học tập và Khổng giáo mà Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều. Trong giáo lý này, từ 2000 năm nay, việc thăng tiến thông qua học tập đã là một mục tiêu lý tưởng, làm gia tăng uy tín của cả gia đình. Beuchling giải thích: "Quan niệm này ăn sâu vào người Việt Nam. Cho tới bây giờ, cha mẹ trông đợi rất nhiều vào thành tích học tập của con cái".  Điều này được phản ánh vào những cách nói như: "Con cái học giỏi là niềm tự hào của cha mẹ, uy tín của cha mẹ được nâng cao". "Nhiệm vụ của con cái là phải học giỏi". Vì vậy, nhiều nhà quan sát cho biết, trẻ em Việt Nam dành hầu như toàn bộ thời gian rỗi cho các việc học tập, học ở trường, học đàn... còn hơn cả những đứa trẻ Đức thuộc tầng lớp thượng lưu.
 
Beuchling cho biết, tìm được một người Việt Nam sẵn sàng công khai nói về sự thăng tiến trong học tập của mình là rất khó. "Người Việt Nam không thích nói về thành tích của riêng mình". Nhưng Mạc Quý Đôn (?) thì sẵn sàng nói chuyện. Như em nói, có lẽ vì em chỉ là một học sinh trung bình, không phải là một trong những học sinh Việt Nam tốt nghiệp trung học với điểm Một (điểm giỏi nhất). Cũng có lẽ vì từ khi lớp 8, Đôn đã chống lại sức ép của gia đình, cha là đầu bếp và mẹ là người dọn vệ sinh, và họ đã phải dành cho em nhiều tự do hơn ở những gia đình Việt Nam khác. Họ thậm chí chấp nhận là em "chỉ muốn" trở thành giáo viên, chứ không phải là bác sĩ hay luật sư. Đôn, năm nay 21 tuổi, khác với hầu hết các bạn là sau khi tốt nghiệp phổ thông đã ra ở riêng. Đôn nói: "Các cha, mẹ người Việt Nam đều muốn con mình trở thành bác sĩ hay luật sư. Họ coi đấy là một nghề lý tưởng". Hiện nay, Đôn đang học Sư phạm Sinh vật và Hóa học ở Trường Đại học Siegen. Trong số người quen và họ hàng, em thấy mọi người có cách giáo dục hà khắc hơn gia đình em. Nếu chúng không làm bài tập về nhà thì bị phạt là chuyện thường, nếu con cái cãi lại đôi lúc còn bị tạt tai.
 
Người Việt Nam thường nói, chỉ qua con đường học tập, người ta mới thoát khỏi làm ruộng. Nhưng theo Đôn thì sự hình dung về học tập của các bậc cha mẹ Việt Nam quá cứng nhắc. Nếu con cái thích học thổi sáo hơn là học vĩ cầm cũng không được chấp nhận. Nhà giáo dục học Beuchling cũng cảnh báo việc đánh giá sự việc "chỉ theo giác độ của người Đức". Mặc dù học sinh Việt Nam cũng thấy phiền toái khi cứ bị thường xuyên so sánh điểm số với những học sinh khác, nhất là khi chúng đang ở tuổi dậy thì. Nhưng nếu người ta nói rằng các bậc cha mẹ Việt Nam gây áp lực tới mức "vô nhân đạo" với con cái trong việc học tập thì lại là một sự thái quá không chấp nhận được. Nhà nghiên cứu Beuchling, vốn có một nửa bạn bè là người Việt Nam nói: "Nhìn chung, trẻ em Việt Nam chấp nhận là phải cố gắng học giỏi".
 
Aladin El-Mafaalani, một nhà nghiên cứu giáo dục ở Trường Đại học Münster nhận xét: "Cha mẹ người Việt Nam sẵn sàng trả 20 tới 30 Euro một giờ tiền học phụ đạo hoặc học nhạc cho con, mặc dù họ chỉ kiếm được 8 tới 10 Euro một giờ". Ông đã phỏng vấn nhiều học sinh và cha mẹ học sinh người Việt cũng như người Thổ Nhĩ Kỳ để tìm hiểu lý do sự khác biệt trong thành tích học tập của các em. Ông xác nhận là các bậc cha mẹ Việt Nam kỳ vọng rất lớn vào con cái họ. "Điểm kém là điều tồi tệ nhất đối với con cái người Việt. Họ phải phấn đấu đạt điểm Một hoặc Hai". Điểm kém sẽ bị phạt. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo trước việc người ta cho rằng các bậc cha mẹ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Arập không quan tâm tới việc học tập của con cái họ. "Họ cũng rất coi trọng việc học tập".
 
Theo nhà nghiên cứu này, sự khác biệt nằm ở chỗ khác. Các bậc cha mẹ người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Nên trong thời gian con cái đi học, họ "giao phó việc giáo dục con cái cho nhà trường". Khác với người Việt Nam. Mặc dù họ cũng kính trọng thầy cô giáo, nhưng chỉ coi giáo viên có nhiệm vụ như một trọng tài đánh giá học lực của học sinh một cách công bằng, còn việc khuyến học, thúc giục các con học cho đạt điểm cao là nhiệm vụ của cha mẹ.
 
Aladin El-Mafaalani nhận xét: "Một quan điểm như vậy xem chừng rất phù hợp với hệ thống trường học của Đức". Ngược lại, nếu người ta quá tin vào việc giáo viên khuyến khích học sinh học tập thì nguy cơ rủi ro sẽ cao.
 
Ông Beuchling cho rằng người ta khó có thể áp dụng tấm gương học sinh Việt Nam cho các cộng đồng khác. Chính sách hội nhập của Đức tập trung vào trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ và dựa trên quan niệm cho rằng, trẻ em càng hội nhập thì kết quả học tập càng tốt. Nhưng đối với trẻ em Việt Nam thì ngược lại, càng hội nhập, càng thích ứng với văn hóa Đức thì thành tích học tập lại càng giảm. Ngay bây giờ, người ta đã có thể nhận thấy điều này. Ông Beuchling nói: "Những người Việt thế hệ thứ hai và thứ ba ở Đức đã mất đi một phần quan niệm về giá trị của Khổng giáo". Kết quả là thành tích học tập của chúng giảm theo hướng bằng những trẻ em người Đức.
 
Theo Văn Long
Thoibao/ Frankfurter Allgemeine Zeitung



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC