Trong những năm đầu tiên, những người đi tiên phong trong việc mở nhà hàng đã thi nhau "gặt hái", nấu ăn kiểu gì bán cũng chạy, cũng được khen là ngon, vì thực khách đâu đã biết thưởng thức, thêm vào đó, họ cũng đang hứng khởi vì sự thống nhất nước Đức, vì chỉ qua một đêm đã có trong tay hàng ngàn D-Mark, loại ngoại tệ mạnh mà nhiều người trước đây không dám mơ tới.
Người Việt Nam vốn thông minh, cần cù kèm theo tính học lỏm nhanh, nên số nhà hàng ăn châu Á mọc lên ngày càng nhiều do người Việt làm chủ. Nhiều người chỉ đi phụ bếp vài tháng là đã dám tự xưng là chefkoch (bếp trưởng). Một chefkoch từng nói với tôi: "Trước đây em ở Việt Nam thì cơm cho mình cũng chẳng biết nấu, bây giờ cũng phải học lỏm mà vào bếp. "Tây" họ ăn cũng dễ thôi mà". Điều dễ nhận thấy là vào thời điểm này, các "quán Tàu" (China Restaurant) mọc lên nhan nhản, trong khi hỏi ra thì phần lớn chủ nhân ở miền Đông là người Việt Nam. Điều này có những nguyên nhân chủ quan và khách quan của thời kỳ đó.
Nhưng tiếp theo đó là một thời kỳ ảm đạm. Sự suy thoái kinh tế ở Đức đã đánh vào hầu bao các thực khách làm cho họ phải giảm việc lui tới các nhà hàng. Vì vậy, những quán "ăn xổi, ở thì" chết dần, chết mòn, nhiều chủ quán lao đao phải chuyển nghề kinh doanh.
Trong thời gian gần đây, một số doanh nhân người Việt đã tích lũy được vốn, kinh nghiệm, có tầm nhìn xa trông rộng đã dám đầu tư mạnh dạn hơn, có bài bản hơn và đặc biệt là, những nhà hàng được đầu tư đàng hoàng này đã tự tin đặt cho mình những cái tên rất Việt Nam như "Quán ăn Việt Nam", "Quán ăn Hà Nội" ở Berlin, "Quán ăn Sài Gòn nhỏ" (Little Saigon Restaurant) ở Remscheid... Gần đây nhất là "Quán ăn Heritage (Di sản văn hoá) - Đặc sản Việt Nam" đã được mở ra ở gần cổng thành Brandenburg, nơi trước đây là biểu tượng của sự chia cắt, nay là biểu tượng của sự thống nhất Đông - Tây nước Đức.
Điều đặc biệt nhất của quán ăn này khi tôi nhìn vào thực đơn là những món ăn đặc sản thuần chất Việt Nam như phở, bún nem, bún chả, nem rán cua bể, chả cá... và nhà hàng đã tự tin khi viết tên các món ăn bằng tiếng Việt lên đầu, trước khi dịch hoặc chú giải bằng tiếng Đức bên dưới. Vừa xem thực đơn, tôi vừa thích thú lắng nghe những làn điệu dân ca Việt Nam thiết tha, sâu lắng.
Khi có một thực khách gọi món chả cá, tôi thấy người phục vụ bưng ra một bát mắm tôm vắt chanh, đánh sủi bọt, mùi thơm sực bốc lên, tôi khẽ hỏi anh Hoàng Thái Dũng, chủ quán: "Liệu "Tây" có sợ mùi mắm tôm "quốc hồn quốc túy" của ta hay không?". Anh Dũng tự tin đáp: "Đây là nhà hàng Việt Nam, đó là đặc sản Việt Nam, họ phải chấp nhận thôi!". Anh cũng cho biết, có nhiều thực khách đã từng sang Việt Nam, quen các món ăn Việt Nam nên đến đây nhiều khi đòi phải tiếp thêm mắm tôm nhiều lần mới chịu. Tôi nhìn quanh, vào giờ chiều tối đã có khá nhiều khách người Đức khá sang trọng, họ vui vẻ ăn uống, trò chuyện cùng nhau, dường như đã rất quen với khung cảnh ấm cúng của nhà hàng và các món ăn. Anh Dũng kể, sống quanh đây có nhiều người khá giả, trong đó có nhiều người từng là bộ trưởng hoặc đang là bộ trưởng trong chính phủ CHLB Đức nên họ ăn uống rất sành, có đòi hỏi cao về chất lượng món ăn cũng như chất lượng phục vụ và không gian thích hợp, vì vậy, anh đã đầu tư khá nhiều vào bài trí nội thất nhà hàng, người đầu bếp có kỹ thuật cao. Cố vấn chính về kỹ thuật nấu ăn của nhà hàng là anh Trần Đức Vinh, một chuyên gia giỏi, sinh trưởng trong một gia đình từng nhiều năm nấu cỗ cưới ở Hà Nội. Anh là người có lòng yêu nghề, muốn duy trì và truyền bá các món ăn đặc sản của Việt Nam ra nước ngoài.
Anh Dũng cũng cho biết, trước đây anh từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, công tác tại Viện Cơ khí Giao thông, Bộ Giao thông, sau đó, năm 1988 do hoàn cảnh kinh tế đất nước và gia đình khó khăn, anh đã cùng vợ là chị Hoàng Thị Lan sang Đức theo diện hợp tác lao động. Sau khi nước Đức thống nhất, anh đi làm thuê cho một cửa hàng siêu thị và tới năm 1998 thì chuyển sang kinh doanh, mở một cửa hàng ăn nhỏ, nay anh quyết định đầu tư nhiều hơn vào cửa hàng này với mong muốn, các món ăn Việt Nam sẽ dần dần chinh phục được thực khách Đức, vì các món ăn Việt Nam thanh hơn, có những lợi thế riêng của nó. Chị Lan cho biết, do chủ cửa hàng trước đây là một người nước ngoài khác nên một số trang trí nội thất chưa đặc trưng cho Việt Nam. Anh chị đang suy tính để tìm cách cải tạo cho phù hợp với văn hoá Việt, như có những chỗ thích hợp thì cho vẽ lại hình trống đồng hoặc một số các tranh, biểu tượng dân gian...
Trong thời gian gần đây, số khách du lịch Đức sang Việt Nam tăng vọt, khi đã ăn quen các món ăn ở Việt Nam, chắc chắn nhiều người sẽ tới các nhà hàng Việt Nam tại Đức để tìm lại những hương vị quen thuộc mà họ đã được thưởng thức tại Việt Nam, như những người đã được ăn món chả cá "Lã Vọng" - một trong những địa chỉ được giới thiệu trong các sách giới thiệu du lịch là nên đến khi sang Hà Nội - chắc sẽ tìm thấy lại một phần những hương vị quen thuộc trong món chả cá "Heritage" ngay giữa trung tâm Berlin.
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Thế giới, trong 15 năm tới, Việt Nam sẽ là 1 trong 7 nước có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Trong năm 2004, khoảng 2,9 triệu du khách đã tới Việt Nam, tăng 12 % so với năm trước và theo Tổng cục Du Lịch Việt Nam, ước tính số du khách tới Việt Nam trong năm 2005 sẽ là 3,2 triệu lượt người, tăng 10 %. Với số lượng du khách gia tăng mạnh như vậy, việc trao đổi văn hoá, trong đó có văn hoá ẩm thực chắc chắn sẽ gia tăng và các nhà hàng đặc sản Việt Nam nấu ăn có chất lượng cao ở Đức chắc chắn sẽ thu hút được thêm nhiều thực khách, cũng như món xúc xích rán của Đức (Thueringer Bratwurst) đang dần được ưa chuộng và thịnh hành tại Việt Nam.
Theo VNN