"Xin nói rõ cho tôi biết: cái chương trình này là chương trình ủng hộ chính quyền Việt Nam hay là chương trình phản động chống đối chính quyền. Nếu vậy thì tôi không đến."
Đấy là cú điện thoại mà một nữ cộng tác viên người Đức của "Việt Nam 2005" – do nhà hát kịch Volksbühne tổ chức – nhận được từ một người phụ nữ Việt Nam sống tại Berlin một tuần trước ngày trình diễn. Chị không biết phải nói thế nào, và ở địa vị chị thì tôi cũng sẽ hoang mang không kém. Tôi sẽ phải giải thích thế nào để người đàn bà Việt Nam nọ hiểu rằng, còn có những lựa chọn khác, chứ không chỉ ủng hộ hay chống đối chính quyền Việt Nam. Tôi sẽ phải giải thích thế nào để chị hiểu rằng trong một cuộc thảo luận đa nguyên ta hoàn toàn có thể có nhiều chính kiến khác nhau? Rằng ta có thể cẩn trọng lắng nghe người khác mà không nhất thiết phải đồng ý với họ? Và chương trình "Việt Nam 2005" thực ra là được tổ chức trong một cái nhà hát và trước hết mang tính văn hóa chứ không phải chính trị. Nhưng tất nhiên, sân khấu cũng có thể được dùng để truyền tải những nội dung chính trị.
Mùa hè năm 2005, Götz Leineweber, nhà soạn kịch của Volkbühne, hỏi tôi có muốn tham gia chuẩn bị cho một buổi trình diễn về Việt Nam không – một chương trình trong đó người Đức và người Việt gặp nhau trong nhà hát và làm quen với văn hóa của nhau. Ý tưởng này nảy sinh vào cuối tháng Tư năm 2005. Lúc đó là dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Nhà thơ Hoàng Hưng đọc thơ
Quỹ Rosa Luxemburg – có quan hệ gần gũi với Đảng PDS – cùng với ban biên tập tờ Freitag và nhiều viện nghiên cứu của đại học FU đã tổ chức một buổi chiếu phim và thảo luận để kỉ niệm ngày chiến tranh kết thúc. Cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều người ở Đức và ở những quốc gia châu Âu khác. Những cuộc biểu tình chống chiến tranh đã định hình ý thức chính trị của cả một thế hệ người Đức, đa số là cánh tả, những người được gọi là thế hệ 68. Và buổi tổ chức của Quỹ Rosa Luxemburg đã tạo cơ hội cho những đại diện tiêu biểu của thời đó có dịp tiếp tục tranh luận về những quan điểm khác nhau của mình. Hoàn toàn không phải là về Việt Nam. Việt Nam chỉ là cái nền để những vị giáo sư trên sân khấu tiếp tục cuộc chiến đã 30 năm của họ.
Nhưng rồi câu hỏi trọng yếu được đặt ra từ phía khán giả: chẳng phải Berlin có hơn 10.000 người Việt sinh sống sao? Những người này đã tiếp cận chiến tranh qua một cách khác, trực tiếp hơn. Tại sao không ai mời họ? Tại sao ta không được biết họ đã trải qua cuộc chiến ra sao và liệu cuộc tranh luận của người Đức về những chiến lược quân sự của Mỹ và Việt cộng có làm họ quan tâm hay không? Tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài có những thảo luận nào về cuộc chiến này. Chẳng phải chúng ta nên chỉ ra rằng 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam không còn chỉ là một đất nước sau chiến tranh, mà còn là một đất nước với một nền văn hóa phong phú. Chẳng phải chúng ta nên cho những người Việt nhập cư tại Berlin – những người thường sống tách biệt với số đông trong xã hội – một giọng nói hay sao?
Những câu hỏi này là xuất phát điểm cho một buổi tổ chức mới. Cơ quan tổ chức lần này là nhà hát kịch Volksbühne. Và khi đã có kinh phí, buổi tổ chức diễn ra vào ngày 16 tháng 10. Ngay từ đầu đã được quyết định là: thế hệ 68, những người chống chiến tranh Việt Nam, nên có mặt tại đây, và người Việt cũng vậy. Và người Việt của cả hai phần Berlin Đông và Tây đều nên có quyền chia sẻ chuyện đời của họ: những thuyền nhân chạy trốn chính quyền Hà Nội vì lý do chính trị cũng như những người lao động hợp tác trước đây do nhà nước Việt Nam gửi sang Cộng hòa Dân chủ Đức. Lý tưởng mà nói thì cả ba nhóm này đều nên trò chuyện với nhau và biết thêm về nhau. Và tôi phải nói thật là tôi nghi hoặc, không biết cuộc đối thoại này có diễn ra không, hay mỗi nhóm sẽ tham gia một số những chương trình riêng của mình và mọi người chỉ thoáng nhìn thấy mặt nhau khi chạy từ chỗ này sang chỗ kia mà thôi.
Có bốn sâu khấu dành cho những chương trình khác nhau và ngoài ra còn có một quầy bán hàng để những thương nhân và tổ chức Việt Nam cho ra mắt những mặt hàng của họ. Bản thân tôi chịu trách nhiệm một cái sân khấu – Sân khấu Lô Trắng – và tôi cũng tham gia chuẩn bị cho quầy bán hàng. Sân khấu Lô Trắng là sân khấu dành cho nghệ thuật trình diễn trong không gian nhỏ. Chương trình được bắt đầu một cách vui mắt với một màn múa của trẻ con và những bản nhạc của nhóm tam tấu Thanh Winter-Luong. Trong khi những cô gái Việt sinh trưởng tại Berlin hướng tới những tiết tấu quốc tế và biến chúng thành những điệu nhảy hiện đại được thể hiện trong trang phục tân thời, thì những nghệ sĩ lớn tuổi lại trình diễn âm nhạc Việt Nam cổ truyền. Một sự tương phản thế hệ thú vị. Bản thân tôi rất vui khi thấy chương trình này đã thực thi được và thu hút nhiều quan tâm từ phía khán giả. Vì chính trong khi chuẩn bị cho chương trình này, một số chuyện lằng nhằng có xảy ra. Nhóm múa của các cô gái đã phải trình diễn thiếu người. Có hai ông bố đã không cho phép con gái họ tham gia vì không thích chiều hướng chính trị của buổi hôm đó.
Nhưng đối với những đứa trẻ sẽ phải dấn thân vào xã hội Đức, đây là một cơ hội để chúng xuất hiện trên một sân khấu thực sự. Sau chương trình vui mắt đó là phỏng vấn và thuyết trình: Phương Kollath, người phụ nữ đã có được một đứa con trong khi còn lao động hợp đồng tại CHDC Đức và giờ đây – với tư cách là một người mẹ độc thân – đang kết thúc một khóa học tại tổ chức Diên Hồng, được hỏi về tiểu sử của chị, người đã trải qua những cuộc ném bom tại Hà Nội, thành phố nơi chị sinh ra và lớn lên. "Được ra nước ngoài một lần trong đời là giấc mơ thiên đàng của tôi," chị kể, "và tôi đã thành công. Lúc tôi đặt chân đến CHDC Đức, tôi đã lên thiên đàng." Cái bếp tập thể ở Rostock, nơi chị làm giúp việc, trông khác hẳn cái thiên đàng mà chị hy vọng. Và khi vụ đốt nhà ở Rostock xảy ra năm 1992 – chị không phải trực tiếp trải qua vụ này ("nhưng các bạn tôi đã phải ôm con trèo qua mái nhà") – chị tự hỏi không biết mình còn ở đây làm gì. Vậy nhưng trong thời gian từ đó đến nay Phương Kollath đã tìm ra con đường của mình ở Rostock từ lâu. Monika Heyder, nhà nghiên cứu Việt Nam tại Berlin, nói về sự sùng tín của người Việt.
Đối với người Việt thì việc không tin vào Thượng đế và tự nhận là vô thần nhưng vẫn thờ cúng tổ tiên, làm bàn thờ và kiêng kị việc này việc kia vào ngày rằm hay ngày đầu tháng, là việc hết sức bình thường. Người ta cũng có thể thờ cúng tổ tiên và đồng thời là Phật tử, hay không biết chính xác mình là cái gì. Đối với người Đức thì việc các tín ngưỡng khác nhau tồn tại song song trong cùng một con người là chuyện rất khó hiểu. Vì thế nên bài nói chuyện chủ yếu hướng tới người Đức. Song tấu Phạm Văn Mai và Lê Văn Sơn thì lại khác. Một người lính miền Bắc và một sĩ quan miền Nam, nay là bạn, kể về những kinh nghiệm chiến tranh của họ trong tiếng đệm của nhạc Việt Nam cổ truyễn. Họ được dịch giả Phạm Văn Thanh giúp. Chương trình cuối cùng của Sân khấu Lô Trắng được thể hiện bởi nhóm nhạc "Hoa Sen" (Lotus): nhạc Việt Nam truyền thống, made in Berlin, do những nhạc sĩ chuyên nghiệp trình diễn. Riêng tôi thì thích nhất chương trình tại Phòng Lớn của Volksbühne. Frank Quillitzsch, nhà văn và phóng viên từ Thüringen, đọc cùng với bạn ông là Nguyễn Văn Hương, nhân viên Văn phòng Hội nhập Berlin. Quillitzsch đọc từ quyển sách của ông: Hà nội – Berlin – Nha trang. Lối sống Việt nam (Hanoi – Berlin – Nha trang. Vietnamesische Lebenslinien) về hai chuyến đi thăm gia đình người bạn Việt Nam của ông. Người bạn này đan vào lời kể của Quillitzsch những ký ức thời thơ ấu của mình. Vì chiến tranh nên gia đình của cha ông bị chia rẽ một cách thương tâm, một phần ở Hà Nội, một phần ở Nha Trang. Cha ông tin là gia đình mình ở miền Nam đã chết và lập một gia đình mới tại Hà Nội. Chỉ sau chiến tranh ông mới biết là gia đình ông vẫn sống và rất cần ông. Trong một câu chuyện rất riêng tư, Hương kể cho đến hôm nay ông vẫn cảm thấy phải gánh trách nhiệm của người cha như thế nào.
Một buổi trình diễn sân khấu mà không có phê bình, không có tranh cãi thì sẽ ra sao? Với tư cách cộng tác viên, tôi phải chấp nhận cái sự thật là việc thông tin và quảng cáo cho chương trình có thể được thực hiện tốt hơn, và lẽ ra phải đến được với nhiều người Đức hơn. Cả những sự trục trặc trong quá trình thu xếp việc phiên dịch lẽ ra cũng có thể tránh được. Nhưng việc có những ý kiến khác nhau nổ ra, như với bức hình kết bằng hoa trong tiền sảnh, là nhiệm vụ của sân khấu. Song tôi mong có một hình thức tranh luận có văn hoá hơn so với những gì diễn ra hôm đó.
Theo Talawas.de