Cộng đồng, nơi đâu và bao giờ cũng vậy, đều có những lúc thăng trầm, hòa thuận và cả những khi "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Âu cũng là chuyện thường nếu không có những bức xúc, bực bội tới cao độ của rất nhiều cá nhân, tổ chức, hội đoàn người Việt liên quan tới những hoạt động của Liên hiệp người Việt (LHNV) toàn Liên bang thời gian qua.
Từ những bức xúc các hội đoàn...
Trước những trăn trở và bức xúc "không biết tỏ cùng ai" của đa số các hội đoàn người Việt ở Đức liên quan vụ việc trên, trước đề nghị của một số hội đoàn và cá nhân có uy tín trong cộng đồng, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức (ĐSQ) đã thông báo tới các hội đoàn về việc tiến hành cuộc gặp tại trụ sở ĐSQ. Mục đích của cuộc gặp, như đề nghị của các hội đoàn, là để bà con - những người có tâm huyết với cộng đồng, nêu những tâm tư, chính kiến và cùng tìm hướng tháo gỡ những vấn đề đang nổi cộm, gây bức xúc trong cộng đồng hiện nay. Cuộc gặp chỉ được thông báo tới đại diện các hội đoàn trước ba ngày, song đã có 56 người đại diện cho gần 60 hội đoàn từ nhiều nơi có mặt tại cuộc gặp. Toàn bộ Ban công tác cộng đồng ĐSQ do Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh đứng đầu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt/Main Trương Xuân Thanh đã tham dự cuộc gặp.
Phát biểu mở đầu cuộc gặp, chị Nguyễn Thị Bích Thảo, Bí thư thứ Nhất, thường trực Ban công tác cộng, đồng nhấn mạnh hoạt động cộng đồng xuyên suốt, trải dài cả năm, với những tiêu chí gắn kết cộng đồng, hướng về quê hương đất nước và góp phần tăng cường tình hữu nghị Đức - Việt. Phần lớn các hội đoàn đã làm rất tốt những tiêu chí này, song thời gian gần đây trong dư luận cộng đồng cũng có những vấn đề nổi lên, được thông báo có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tới Cơ quan đại diện và Ban công tác cộng đồng ĐSQ. Đã có rất nhiều ý kiến nêu lên, đặc biệt khi LHNV đăng tải Thông báo về việc tiến hành đại hội, dự kiến tổ chức tại Bochum vào ngày 22/11 tới.
Phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh khẳng định Đại sứ quán luôn mong muốn được đồng hành cùng cộng đồng cho mục đích duy nhất là vì cộng đồng, vì tương lai toàn bộ bà con người Việt ở Đức. Đại sứ cũng nhấn mạnh Đại sứ quán, Ban công tác cộng đồng sẽ ghi nhận mọi ý kiến của đại diện các hội đoàn, cá nhân và sẽ chuyển những ý kiến đó tới đại diện Ban chấp hành LHNV trong cuộc gặp buổi chiều cùng ngày. Đại sứ cũng nhắc lại việc khi thành lập LHNV, bà con đều mong mỏi các hoạt động của liên hiệp sẽ đều vì cộng đồng, là một tổ chức có thể đại diện cho toàn bộ người Việt, toàn bộ hội đoàn trên toàn liên bang và đại hội lần thứ hai tới đây của LHNV phải đúng như tôn chỉ, mục đích ban đầu, đúng như ý nguyện của toàn thể bà con cộng đồng.
Sau phần phát biểu của Đại sứ quán, rất nhiều những cánh tay giơ lên xin trình bày trước các ý kiến của mình. Và câu mào đầu của các ý kiến thường là: "Từ lâu, chúng tôi đã rất bức xúc...". Có tới 28 ý kiến được nêu ra tại cuộc gặp, xoay quanh một số vấn đề bị cho là hoạt động "mờ ám" của LHNV liên quan việc ký và triển khai dự án đã được phía Đức cấp duyệt kinh phí; tùy tiện trong việc khai trừ cũng như kết nạp thành viên mới; việc "thường" chọn những địa điểm xa, không tiện đi lại cho đa số để tiến hành hội họp (như dự định tiến hành đại hội tại Bochum tới đây); "thường" im lặng với những thắc mắc, câu hỏi khi được chuyển tới LHNV,....
Trước ý kiến của các đại biểu đề nghị tiến hành một hội nghị hiệp thương giữa đại diện các cá nhân, hội đoàn và LHNV, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh cho rằng việc tiến hành một hội nghị như vậy là rất nên làm, là nơi để đại diện các cá nhân, hội đoàn có thể nêu ý kiến đóng góp cho việc tổ chức đại hội sắp tới của LHNV, cũng như là nơi để các cá nhân, đại diện hội đoàn đứng ra ứng cử, xây dựng phương hướng hoạt động cho LHNV nhằm xây dựng liên hiệp đúng nghĩa đại diện cho toàn bộ 125.000 người Việt và khoảng 108 hội đoàn trên toàn CHLB Đức. Đại sứ cũng khẳng định, Đại sứ quán luôn đồng hành cùng cộng đồng, song không can thiệp vào các hoạt động hội đoàn của cộng đồng. Đại sứ quán sẽ tham gia với vai trò cầu nồi và bản thân các hội đoàn sẽ chủ động giải quyết những vấn đề hiện nay.
Trong phần tiếp theo của cuộc gặp, những người có mặt đã đề xuất thông qua Kiến nghị của 65 người đại diện cho các hội đoàn có mặt tại cuộc gặp. Đa số đại diện đã biểu quyết thông qua sáu nội dung, gồm: 1. LHNV thời gian qua hoạt động đi ngược lại Điều lệ hội, không mang tính đại diện cho cộng đồng, gây mất đoàn kết trong cộng đồng; 2. Đề nghị thay đổi thời gian và địa điểm tiến hành đại hội chuyển về Berlin; 3. Nếu LHNV vẫn tiến hành đại hội vào ngày 22/11 tới ở Bochum, sẽ không công nhận LHNV đại diện cho cộng đồng cũng như kết quả đại hội đó, đồng thời thành lập một hội mới; 4. Nếu LHNV vẫn tiến hành đại hội vào ngày 22/11 tới ở Bochum, đề nghị ĐSQ và Bộ Ngoại giao không công nhận LHNV đại diện cho cộng đồng; 5. Khi đại hội tiến hành tại Berlin, đề nghị LHNV mở rộng cánh cửa để mọi hội đoàn đều có quyền tham gia; 6. Thành lập ban liên lạc để tiến hành đàm phán với LHNV.
Ban liên lạc gồm 7 người (gồm anh anh Phạm Ngọc Kỳ, anh Hoàng Huy Anh, anh Nguyễn Văn Hiền, chị Trịnh Thị Mùi, anh Võ Văn Long, anh Nguyễn Đức Bình và anh Phạm Xuân Thu) sẽ tiến hành làm việc với LHNV về các nội dung được đề cập tại cuộc gặp của đại diện các hội đoàn tại ĐSQ.
...đến bức xúc trong chính thành viên BCH
Sau cuộc gặp với đại diện các hội đoàn, chiều cùng ngày, toàn bộ Ban Công tác cộng đồng ĐSQ cùng Tổng Lãnh sự Tổng Lãnh sự Trương Xuân Thanh đã có buổi làm việc với 13 thành viên đã và đang làm việc trong BCH LHNV, trong đó có 2 Phó Chủ tịch LHNV.
Tại cuộc gặp, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh cho biết danh sách BCH mà ĐSQ nhận được từ LHNV cách đây đã 3 năm sau đại hội và cho tới nay không hề nhận được danh sách cập nhật thành viên BCH. Đại sứ khẳng định ĐSQ luôn tôn trọng BCH LHNV và mong muốn lắng nghe các ý kiến từ chính các thành viên BCH.
Cuộc gặp diễn ra rất sôi nổi, trong đó các ý kiến nêu ra đều bày tỏ bức xúc trước các hoạt động của lãnh đạo LHNV xoay quanh chuyện dự án, chuyện khai trừ, kết nạp thành viên BCH, chuyện mập mờ tài chính, chuyện phân công công việc trong BCH, và cả "cái tâm và cái tầm" của lãnh đạo LHNV,... Thậm chí có nhiều nhiều thông tin khá bất ngờ (trong nội bộ BCH và lãnh đạo LHNV) lần đầu được mọi người nêu ra. Các ý kiến của thành viên BCH nêu tại cuộc gặp khẳng định trong suốt quá trình chuẩn bị thành lập cũng như khi đi vào hoạt động, LHNV luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ của ĐSQ; khẳng định ĐSQ luôn tôn trọng sự độc lập trong hoạt động của LHNV và việc được ĐSQ mời tham dự cuộc gặp lần này là cơ hội để BCH lắng nghe ý kiến của cộng đồng nhằm xây dựng liên hiệp tốt hơn.
Về lá thư "thay mặt Ban chấp hành" từ chối tham dự cuộc gặp tại ĐSQ của Chủ tịch LHNV Nguyễn Văn Thoại gửi tới ĐSQ, tất cả những người có mặt đều khẳng định bức thư không phản ánh ý chí nguyện vọng của BCH, hay chí ít là của tất cả những thành viên BCH có mặt tại cuộc gặp. Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh khẳng định, việc thành lập được liên hiệp là sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của cả cộng đồng và do vậy, LHNV cần phải phục vụ cộng đồng, phải mở rộng cánh cửa để mọi hội đoàn cùng tham gia, song cho tới nay, LHNV chưa làm được những điều này. Trong suốt những năm qua, ĐSQ luôn tôn trọng, ủng hộ và đồng hành với các hoạt động vì cộng đồng của LHNV, không hề có cản trở các hoạt động của liên hiệp, song thực tế, liên hiệp không hợp tác, thậm chí có thành viên BCH còn tung tin thất thiệt gây mất đoàn kết.
Thông qua các ý kiến nêu ra và xác nhận tại cuộc gặp, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh đánh giá rằng Chủ tịch Nguyễn Văn Thoại đã đồng nhất cá nhân với toàn bộ BCH LHNV, và như vậy hành động hay những phát ngôn của của cá nhân không thể đại diện cho toàn bộ BCH, rộng hơn là toàn bộ 125.000 người Việt ở Đức. Đại sứ cũng khẳng định không thể tìm được kênh đối thoại với lãnh đạo liên hiệp trong suốt thời gian qua. Theo Đại sứ, các thành viên BCH có mặt tại cuộc gặp đều mong muốn hoãn đại hội tới đây của LHNV và việc này sẽ do chính các thành viên BCH quyết định, đưa ra chính kiến và tìm hướng đi. Đại sứ quán mong muốn ủng hộ một liên hiệp vững mạnh, mang tính đại diện cho toàn thể cộng đồng; mong muốn các thành viên BCH, đại diện các hội đoàn cùng chung tay xây dựng lại một LHNV khỏe mạnh, lấy lại được sự tin yêu của cộng đồng. Đại sứ cũng không đồng tình với phương án lập hội mới, bởi thêm hội đoàn mới thì sức mạnh tổng thể đoàn kết của cộng đồng sẽ bị phân tán. Chị Nguyễn Thị Bích Thảo cũng phát biểu phê bình "tính chiến đấu, sự đấu tranh" chưa thực sự tốt của một số thành viên BCH, dẫn tới tình trạng yếu kém cả về lượng và chất của liên hiệp như hiện nay; kêu gọi tất cả mọi người cùng xây dựng một liên hiệp, một mái nhà chung đại diện cho toàn bộ cộng đồng mà trước mắt là phải chuẩn bị thật tốt cho đại hội tới đây.
Sau cuộc gặp với Ban Công tác cộng đồng ĐSQ, các thành viên BCH có mặt đã thảo luận riêng nhằm tìm hướng tháo gỡ cho tình trạng đang gây bức xúc của lãnh đạo LHNV hiện nay. Các thành viên có mặt đều nhất trí tìm cách hoãn đại hội tới đây để có sự chuẩn bị tốt hơn.
Ngọc Hà
***
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, là người đã dự buổi họp tại ĐSQVN ngày 9.11.14 ở Berlin.