"Sau hơn hai mươi năm sinh sống và đam mê với bút mực tại nước Đức, không chỉ nhận ra người Đức đã biết những gì về văn chương Việt Nam mà tôi còn nhìn rõ, Văn chương Việt Nam đã di chuyển vào vùng ngôn ngữ Đức bởi nhiều thế hệ dịch giả khác nhau".
Tham luận của đại biểu Thế Dũng, từ CHLB Đức gửi tới Hội nghị Dịch thuật giới thiệu Văn học Việt Nam ra thế giới.
1. Người Đức đã biết gì về văn chương Việt Nam?
Tôi tới DDR từ tháng 4 năm 1989. Lịch sử bỗng dưng giông bão đổi thay và tôi tình cờ trở thành cư dân ở CHLB. Đức từ ngày 3/10/1990 tới nay.
Tháng 5/1989, khi đặt chân tới Halle, cặp vợ chồng họa sĩ Đức Việt Vĩnh Thái - Bettina đã khoe ngay với tôi những ấn bản tiếng Đức của văn chương Việt Nam như Truyên Kiều, tập thơ “Việt Nam quê hương tôi" của thơ Tố Hữu, tập truyện ngắn “Đồng hào có ma" của Nguyễn Công Hoan.
Năm 1993, trong một lần căm cụi tìm kiếm trong thư mục của Thư viện ở quận Lichtenbeger, tôi bắt gặp ấn bản tiếng Đức tuyển tập truyện ngắn “Rừng Xà Nu" của NXB Giải Phóng, "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh, tiểu thuyết "Mặt trận trên cao" của Nguyễn Đình Thi, tập thơ Vũ Hoàng Chương, tập truyện cổ tích "Cây tre trăm đốt"...
Cuối năm 1994, tôi gặp nhà văn dịch giả Lê Trọng Phương khi anh từ Bonn tới Berlin để góp mặt trong một cuộc sinh hoạt văn chương hải ngoại, từ đó tôi biết thêm chính Lê Trọng Phương là người đã dịch một số tác phẩm văn xuôi của Bình Nguyên Lộc, của Sơn Nam, của Văn Cao, của Thế Giang ra tiếng Đức để đăng tải trên một số tạp chí song ngữ Việt Đức.
Từ năm 1995, Lê Trọng Phương bắt đầu tự chọn theo hứng thú cá nhân để dịch thơ Thế Dũng ra tiếng Đức. Năm 1993, tôi gặp được Tiến sĩ Ursula Lisd, người đã dịch sang tiếng Đức ba cuốn tiểu thuyết của Dương Thu Hương và đã xuất bản bằng tiếng Đức cuốn biên khảo "Nhị thập Bát Tú" để giới thiệu văn học Việt Nam từ thế kỷ XV cho bạn đọc Đức.
Và từ những năm đó tôi đã được đọc ấn bản tiếng Đức tiểu thuyết “Chuyện tình kể lúc rạng đông", “Tiểu thuyết vô đề", “Gạo đắng" - (nguyên bản là Những thiên đường mù) của Dương Thu Hương, tiểu thuyết Thiên Sứ, tập truyện ngắn Menü Chủ Nhật của Phạm Thị Hoài và một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, của Y Ban, một chùm thơ của Phạm Tiến Duật xuất hiện vào những năm cuối của thế kỷ 20.
Năm 2000, nhờ bản dịch của Ngô Nguyên Dũng từ 1994, ấn bản tiếng Đức tiểu thuyết kịch "Chuyện tình dở dang" của Thế Dũng đã tham gia Diễn đàn văn chương Di cư tại Berlin.
Năm 2003, hai tập thơ "Mùa xuân dang dở" và "Tự Vấn" của Thế Dũng đã được phát hành rộng rãi tới bạn đọc Đức bởi các dịch giả Lê Trọng Phương, Karin Enzanza, Katharina Schaefer...
Trong vài năm gần đây, tôi đã mua được một tập truyện ngắn của Thích Nhất Hạnh và một tiểu thuyết của LinDa Lê đã được dịch sang tiếng Đức... .Với vài hồi ức riêng tư thảng thốt như thế dường như tôi đã chỉ trả lời được phần nào câu hỏi. Người Đức đã biết gì về văn chương Việt Nam?
2. Những ai đã đưa Văn chương Việt Nam vào vùng ngôn ngữ Đức?
Sau hơn hai mươi năm sinh sống và đam mê với bút mực tại nước Đức, không chỉ nhận ra người Đức đã biết những gì về văn chương Việt Nam mà tôi còn nhìn rõ, Văn chương Việt Nam đã di chuyển vào vùng ngôn ngữ Đức bởi nhiều thế hệ dịch giả khác nhau.
Nhóm thứ nhất là thế hệ các trí thức Pháp ngữ Việt Nam di cư sang Đức sang Châu Âu và các trí thức Đức, Pháp gắn bó với văn hóa Việt Nam từ đầu tới những năm 40, 50, 60 của thế kỷ 20. Hầu hết họ sinh ra từ những năm cuối cùng của thế kỷ 19 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 20.
Có nhiều tác phẩm văn chương Việt Nam đã được họ dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Đức. Cho đến nay, hầu hết lực lượng này đã ra đi, đã già yếu và hầu như đã hết khả năng di chuyển văn chương Việt Nam vào vùng ngôn ngữ Đức.
Nhóm thứ hai là những trí thức dịch giả người Đức được đào tạo tiếng Việt và một số trí thức dịch giả người Việt được đào tạo tiếng Đức một cách chu đáo. Hầu hết thế hệ này đều sinh ra từ những năm bốn mươi, năm mươi, sáu mươi của thế kỷ 20.
Ví dụ như: Ursula Lies (sinh năm 1953), Karin Enzanza (sinh năm 1956), Wolfgang von Polentz, Thái Kim Lan, Lê Trọng Phương (sinh năm 1956), Phạm Thị Hoài (sinh năm 1960, Erder Dirmad.
Nhóm thứ ba là lớp trí thức dịch giả người Đức, người Việt thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X… đã và đang được đào tạo tiếng Việt, tiếng Đức một cách chu đáo.
Nhóm này, đã và đang âm thầm tự khẳng định mình và có thể nói sẽ trở thành lực lượng nòng cốt nếu như được đầu tư một cách có định hướng, thân thiện. Tôi đặc biệt kỳ vọng vào lớp dịch giả đang trầm ẩn trong thế hệ trẻ này.
3. Văn chương Việt vào ngôn ngữ Đức theo các lộ trình nào?
Suy ngẫm từ nguồn gốc khác nhau của các ấn bản Đức ngữ của Văn chương Việt Nam, tôi thấy rõ ràng văn chương Việt Nam đã được di chuyển vào vùng ngôn ngữ Đức qua nhiều lộ trình khác nhau.
Nếu như người Việt Nam đã từng phải đọc nhiều tác phẩm của văn học Nga qua bản dịch từ tiếng Pháp thì người Đức cũng đã từng thưởng thức văn chương Việt Nam qua những bản dịch từ tiếng Pháp.
Những bản dịch thẳng từ văn chương tiếng Việt sang văn chương tiếng Đức dường như từ những năm tám mươi, những năm chím mươi mới xuất hiện bởi các dịch giả như: Ursula Lies, Karin Enzanza, Lê Trọng Phương,Wolfgang von Polentz, Thái Kim Lan…
Về mặt lâu dài, việc giới thiệu văn chương Việt Nam vào vùng ngôn ngữ Đức cần phải được trông cậy vào lực lượng dịch giả có khả năng chuyển ngữ thẳng từ tiếng Việt.
Qua kinh nghiệm cá nhân, lộ trình này cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tác giả ngôn ngữ gốc và các dịch giả từ Việt sang Đức hoặc từ Đức sang Việt.
4.Cần làm gì để khai thác những tiềm năng?
Trước khi có Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, giống như các chuyến thiên di khác của văn chương Việt Nam sang Pháp ngữ, sang Anh ngữ, việc di chuyển vào vùng Đức ngữ của văn chương Việt Nam cũng đã diễn ra một cách bột phát, đơn lẻ.
Để việc giới thiệu văn chương Việt Nam ra nước ngoài có một quy mô lớn và hiệu quả cao, Hội nhà văn Việt Nam cần có một Ban văn học nước ngoài, một Ban đối ngoại có tầm nhìn bao quát chiến lược.
Ban đối ngoại và Ban văn văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam cần có các chuyên gia có khả năng đọc, theo dõi và nắm vững toàn cảnh văn học và những hiện tượng nổi bật của văn chương ở từng vùng ngôn ngữ cũng như ở từng nước trên thế giới.
Từ tầm nhìn này sẽ sinh ra các quy hoạch định hướng, tổ chức ra các nhóm dịch giả có năng lực thích hợp chuyên sâu cho việc dịch thuật ở từng vùng ngôn ngữ.
Sở dĩ, trong thế kỷ đã qua, người Đức biết quá ít ỏi về văn chương Việt Nam là vì còn có nhiều tiềm năng cho việc giới thiệu văn chương Việt Nam vào vùng ngôn ngữ Đức chưa được khai thác hết.
Để khai thác tiềm năng này, sau hơn hai mươi năm kinh nghiệm sống ở Đức, tôi đã và đang xây dựng VIPEN, một trung tâm văn hóa chuyên tổ chức dịch và xuất bản các tác phẩm xuất sắc của Đức sang tiếng Việt và các tác phẩm văn chương Việt sang vùng ngôn ngữ Đức.
Trung tâm này của chúng tôi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các văn nghệ sĩ trí thức người Việt và người Đức. Mới đây, tôi được biết, từ năm 2007 nhà xuất bản của ông Wolfgang von Polentz ở Berlin đã xuất bản tập thơ “ Tôi đến từ cõi lặng" gồm 50 bài thơ Việt Nam từ thời Lý - Trần do chính ông tuyển chọn, dịch và giới thiệu.
Năm 2010, nhà xuất bản của ông sẵn sàng in tập thơ “Cơn bão đêm qua chưa phải cuối cùng" của Thế Dũng qua bản dịch của Karin Enzanza. Ngoài ra, đầu năm 2010, nhà xuất bản Horlemann sẽ phát hành ấn bản tiếng Đức tiểu thuyết hộ Chiếu buồn của Thế Dũng cũng do Karin Enzanza dịch từ tiếng Việt với tựa đề khác là Giấc Mộng Orly.
Do vậy, có thể nói Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài là một sự kiện có ý nghĩa kích hoạt rất lớn đối với sự phát triển các dự án xuất bản mà chúng tôi đang ấp ủ.
5. Lời chúc mừng từ Berlin
Một tình cờ đặc biệt là Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài được tổ chức vào đầu năm 2010. Đây cũng chính là thời điểm mà người Đức và người Việt đang chuẩn bị chào đón một năm văn hóa Đức tại Việt Nam và một năm văn hóa Việt Nam tại Đức.
Tôi hy vọng rằng trong sự thúc đẩy của các xung lực ngoại giao văn hóa, việc giới thiệu văn chương Việt Nam ra thế giới nói chung và vào vùng ngôn ngữ Đức nói riêng sẽ có nhiều triển vọng liên kết, hợp tác trong những nguồn sinh khí tốt lành để từ đó có được những thành tựu cụ thể sống động. Từ Berlin, xin gửi lời kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Thế Dũng - Định cư tại CHLB Đức, Website Hội Nhà văn Việt Nam