Rủ người gốc Việt ở châu Âu đi ăn nhà hàng không dễ. Sau này, tôi vỡ ra hai lẽ: dân mình sang đây chủ yếu làm nhà hàng, biết rõ nội tình bếp núc nên chẳng dại ăn bẩn; bếp nhà còn ngon hơn bếp hàng.

Ở đâu có người Việt, ở đó nhiều món ăn ngon. Ở đâu có người Việt, ở đó nhiều tiếng ồn lạ. Chưa kể nhiều mùi vị lạ bay ra từ ban công những chung cư vốn nền nếp lâu nay của người châu Âu.

1 Cuoc Song Cua Nguoi Viet O Chung Cu Kieu Chau Au On Ao Va Nhieu Mui La

Đi München (Đức) chơi, được đón tiếp chu đáo nên tôi mời vợ chồng anh bạn đi nhà hàng một bữa cho phải phép.

Vợ anh mở vung nồi, chỉ: “Tôi có cả sá sùng nấu phở đãi cô đây này”.

Gà đã luộc nguyên con chờ chặt khúc rắc lá chanh, nhưng chặt thế nào? Bang, bang, bang... mấy nhát váng động như xả súng liên thanh, tưởng chỉ váng óc người tầng dưới ai ngờ cặp vợ chồng già căn hộ tầng trên kêu đau đầu mới khổ.

Kính coong, cảnh sát hỏi thăm bao lần chỉ vì tiếng ồn lạ kiểu này. À, đang ở chung cư cơ mà.

Mới vào chung cư cũ kiểu Đức này, tôi hơi hẫng.

Chỉ được cái sạch sẽ, ngăn nắp và bố trí phòng tiện ích. Mỗi lô 5-7 tầng nên không thang máy, thang bộ không có đường bờ để đẩy xe nôi hoặc chạy xe lăn.

“Nhưng là chung cư tư nhân, thuê rất đắt, từ 900-1.200 euro/tháng chưa kể điện nước, chủ yếu dân Đức ở. Muốn rẻ thì ra khu nhà xã hội dành cho người ăn trợ cấp xã hội, xô bồ lắm”.

Vợ chồng anh bạn kể hồi mới dọn được vào đây, đến khổ vì hay bị hàng xóm kiện tụng.

Gọi cảnh sát không xong, vợ chồng người Đức đành lọ mọ xuống nhà dạy vợ chồng gốc Việt cách tránh gây tiếng ồn:

“Đây, anh chị phải dùng những miếng mút này bao quanh từng chân bàn, chân ghế. Không được kéo mà phải nhấc ghế. Người ta cắt thịt gà bằng kéo, chứ sao có kiểu chặt bằng dao kinh khủng thế”, “Cụ ơi, nhà cháu thèm ăn muối vừng, muối lạc phải giã bằng cối”, “Dùng cối cũng không được ngồi nện xuống nền, phải ôm cối vào lòng mà giã”...

Cuối cùng, dọn đi chính là vợ chồng già người Đức đã ở chung cư này hơn 40 năm.

Áy náy thật đấy nhưng trời đánh còn tránh miếng ăn, phàm người Việt sao bỏ được món quê?

Thấy anh chồng gốc Việt giúp vợ mang bếp điện ra ban công xèo xèo rán chả lá lốt cho phòng đỡ mùi, tôi lo chị hàng xóm Đức đang ngồi uống cà phê, sưởi nắng ấm và ngắm những chậu hoa cảnh trên ban công căn hộ cạnh đó bị xông hơi mùi lạ.

Bỗng nhớ bàn tay người đàn bà ngồi chờ ở sân bay Charles de Gaulle xoa xoa hộp xốp dán băng dính chằng chịt rồi đưa lên mũi ngửi, mặt rạng rỡ thì thào vào tai tôi: “May không bốc mùi”.

“Chị gói gì trong đó mà sợ mùi”, “5 cân thịt chó đông lạnh, nửa chai mắm tôm, mấy lạng giềng, một lít mẻ, chưa kể sả, ớt, lá mơ gói rải rác trong túi khác”. “Sao không nhét chung thùng xốp cho đỡ bẩn”, “Hải quan Pháp bây giờ tinh vi rồi, gói chung giềng, mẻ, mắm tôm với thịt chó, nó đoán ra ngay”.

“Vừa rồi kiểm tra an ninh không phát hiện à”,

“Nó cũng nghi đấy, mình cứ tảng lờ giả vờ không biết tiếng. Một thằng còn chu mồm sủa gâu gâu ra ý có phải thịt chó trong thùng xốp không, mình càng xua tay loạn xạ. Nó cũng lười không bắt mở hộp nên cho qua. May thế. Cả nhà bên này đang chờ, chỉ cần xuống tàu là mang ngay vào bếp chặt nấu rựa mận. Con trai chị gần chục năm không được ăn thịt chó tha thiết bảo mẹ khuân sang cho bằng được”.

Cái hộp ấy khá giống hộp xốp tôi thấy trên ban công căn hộ chung cư của một gia đình người Việt ở Hà Lan.

Mẹ bạn tôi từ Đà Nẵng sang Hà Lan thăm con, vác theo gần ba chục cân chả cá, mực tươi, sò huyết, cá thu một nắng... đựng cả trong hộp xốp ấy. Chung cư gần Amsterdam, diện tích chỉ hơn 50 mét vuông mà giá thuê 700 euro/tháng.

Đứng trong bếp xoay xở, một người nấu cũng chật, tôi băn khoăn: “Chừng ấy đồ biển để vào đâu, tủ đông lạnh chật rồi”.

Người chồng gốc Hong Kong của bạn tôi chỉ ra ban công: “Để nguyên trong thùng xốp, cả bia cũng mang ra đó luôn, mùa thu - đông, cái ban công khác gì tủ lạnh ngoài trời. Thỉnh thoảng nướng mực, nướng thịt và khui bia mở tiệc ngay ở đó cho tiện”.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC