Ở cạnh khu chợ lớn của người Việt tại Berlin, CHLB Đức, có một triết gia thông thái, tài cao học rộng, nói chuyện uyên thâm. Năm nay ông đã ngoài 70 tuổi. Ông được dân chúng quanh vùng tặng cho danh hiệu là „Đồng Xuân tiên sinh“.
Một hôm có anh vốn là dân hợp tác lao động trước đây thời CHDC Đức tên là Vu Khan mời Tiên sinh ra quán „Thành Koch“ để xin „yết kiến“, hầu chuyện và xin lời ông khuyên bảo những chuyện nên chăng.
Trời hôm đó nóng nực và cũng là để có hòa khí cho phần mở đầu được trôi chảy, nên hai người cùng nhau chạm li bằng những cốc bia tươi sủi bọt trắng xóa và mát lạnh trên tay.
Bia ngon, thời tiết lại hợp, mọi người nói chuyện vui vẻ và cởi mở; Cô nhân viên tiếp khách thì lộng lẫy, tươi tỉnh và xinh xắn nên không khí trong quán bỗng sống động hẳn lên, khiến cho mọi người tuy không quen nhau nhưng gần gũi mạnh bạo và thân thiện thêm lên.
Đồng Xuân Tiên sinh và Vu Khan, hai người không ai bảo ai, sau khi nâng cốc, họ đều uống một hơi dài, rồi „Wàaau “ lên một tiếng thay cho lời khen cho bia lạnh và ngon đúng tầm.
Khi họ đặt cốc xuống thì cả hai đều đã cạn còn khoảng một phần ba. Vẻ mặt cả hai đều tỏ ra hồ hởi, toại nguyện và sung sướng.
Vu Khan như đoán trên môi mình có bám bọt bia nên lấy tay nhanh vuốt mạnh lên miệng, rồi đặt tay lên đùi, nhờ chiếc quần bò anh vận để làm khô tay.
Anh nhìn Tiên sinh với ánh mắt vui vẻ rồi hạ giọng.
Anh tự giới thiệu qua loa về mình và gia đình quê quán, rồi anh hỏi Tiên sinh:
- Thưa Tiên sinh, con năm nay đã ngoài 50 tuổi, từ khi bức tường Berlin sụp đổ, con đã bôn ba mọi thứ nghề, nào là bán thuốc lá lậu, làm băng giả, bán băng trụy lạc cho người chưa đến tuổi thành niên.
Con đã từng phải ngồi tù vì không nộp tiền phạt. Ra tù, may nhờ chạy chọt làm giấy tờ cho hợp lệ mà ở lại được.
Con đã từng bắt chước mọi người giăng quần áo ô dù ra ngoài trời để bán, mùa nóng cũng như mùa lạnh, nhiệt độ âm cả chục độ, không lò sưởi, lạnh như dao cứa vào thịt.
Kiếm được chút tiền con cất giấu khắp nơi, rồi tiến lên con tậu được Imbisswagen, bán đồ ăn nhanh.
Ngày đó nước khan hiếm, nên rau cũng hạn chế rửa, muốn rửa cái tay cũng phải hỏi ý vợ.
Sau con phát minh ra dùng khăn ẩm, thấm nước từ nhà mang theo để lau tay mình, lau đồ phục vụ cho khách và lau các loại luôn thể.
Ngày đó chẳng ai kiểm tra và để ý soi mói kỹ lưỡng như bây giờ. „Khuất mắt trông coi“, khách hàng vẫn khen ngon và tới thăm, họ trả tiền sòng phẳng, nhiều khi còn dúi thêm cho cả „tiền uống nước“.
Bẩn một chút, nhưng nói chung là vẫn an toàn.
Tất nhiên đôi lúc cũng có người đến phàn nàn kêu đau bụng và đi ngoài này khác, nhưng họ không kêu ầm ĩ tới tai nhà chức trách như bây giờ.
Miễn sao cứ có tiền „đóng gạch“ đều đều là được.
Làm được hai năm, vì thương cho bàn tay mình ít được rửa, thấy mọi người đua nhau học nghề làm móng tay, chăm sóc cho tay đẹp lên, vốn bỏ ra ít, kiếm tiền quá ngon, công việc lại nhẹ nhàng nên con cũng lao vào.
Nhưng chừng hai năm con không chịu được mùi hóa chất và làm nhiều khách bị thương do nhiều nguyên nhân.
Con làm móng cho khách có lúc lại không thèm để ý đến tay, cứ liếc mắt để ý vùng kiêng kị và tế nhị khác của khách; Tính lại cẩu thả sẵn có trong người.
Con coi trọng năng suất hơn là chất lượng nên làm ẩu là chuyện đương nhiên.
Do đôi mắt cứ hay nhìn ngó sai chiều, lệch hướng, nên dùng máy mài, máy cắt „chơi“ cả vào tay của mấy cô, mấy bà bị họ kiện cáo, tốn tiền đền bù và va chạm với nhà chức trách như „cơm bữa“ nên nhức hết cả đầu.
Thấy khổ quá, làm đã mệt lại còn phải thuê phiên dịch đi hầu Tòa, con tức mình sang tên cửa hàng cho người khác và chuyển sang làm thuê cho một cửa hàng bán hoa của người Việt mình.
Con có âm mưu là để lấy cớ mà ăn cắp nghề và ý tứ học những mánh khóe làm ăn của họ mà thôi.
Sau vài tháng thì con thấy tay nghề và những thủ thuật mà con ngấm ngầm học được từ chủ đã „đủ lông, đủ cánh“.
Từ đây con khẳng định mình sẽ tự „võ vẽ“ được. Con quyết định „phá bĩnh“.
Cuối tháng lĩnh lương xong, con bỏ chủ ra đi. Đăng biển mở cửa hàng hoa cho chính mình.
May cho con là cửa hàng cũng cách không xa cửa hàng mà con làm thuê trước đây. Những khách của cửa hàng anh chủ ngày xưa lại vô tình mà chuyển thành khách của con. Bởi vậy xây dựng nguồn khách cũng rất nhanh chóng.
Có điều con gặp anh chủ trước đây thấy anh có vẻ khó chịu và con cũng ái ngại…
Vu Khan kể chuyện một cách say mê mà không biết là Tiên sinh có để ý nghe không, nói đến đây, bỗng nhiên anh hỏi Tiên sinh một câu có lẽ hơi vô duyên:
– Tiên sinh thấy con làm ăn chịu khó, thức thời và thông minh không?
Đồng Xuân Tiên sinh không trả lời, chỉ cười nhẹ.
Ai tinh thì mới nhận ra được trong nụ cười bằng môi mà không bằng mắt của Tiên sinh có dáng dấp của một sự khinh bỉ sâu sắc ý tứ ẩn náu bên trong.
Hai người cùng „dô“ lên một tiếng rồi chạm cốc.
Bằng một giọng nhỏ đủ nghe nhưng rất rõ ràng, pha chút trào phúng, Tiên sinh hỏi rồi lại khen anh:
- Thế giờ anh muốn chuyển nghề gì mà đến đây gặp ta?
Anh quả là một người từng trải. Không nghề gì của người Việt ở trên nước Đức này là anh không trải qua cả. Tôi hỏi khí không phải, hay anh định chuyển sang nghề trồng cần sa chăng?
– Thưa Tiên sinh, giờ con chán tất cả các nghề rồi, con đã lớn tuổi nên chỉ muốn được „ăn“ xã hội và xin được nghỉ ngơi. Nếu được thì con muốn thường xuyên về Việt Nam thăm hỏi, chăm nom bố mẹ già cho vui.
– Lòng con hiếu thảo và nghĩ đến cha mẹ là một việc phải làm nhưng lại cần rất nhiều tố chất.
Để cho bậc sinh thành ra mình vui thỏa thì ngoài điều kiện kinh tế ra còn phải hiểu tâm lý người già, cách trông nom người bệnh, lời ăn tiếng nói, nhất cử, nhất động đều phải học hỏi và tu dưỡng không ngừng.
Muốn trở thành người con siêng năng, chăm chỉ và ăn ở vừa lòng mẹ cha thì anh làm sao mà nghỉ ngơi cho được.
– Nếu vậy con xin nghỉ để được ở lại Đức và gần gũi vui với vợ con cho sướng.
– Đạo làm chồng, làm cha phải thường xuyên mẫu mực. Việc làm và lời nói phải đi đôi với nhau.
Phải là gương sáng cho cả nhà soi vào. Từ đó họ mới tôn kính, học tập và noi theo. Chứ giả sử anh lười biếng, không giúp đỡ gì cho vợ và cho con; Ăn ở lại vô cảm, không đúng ngôi thì sẽ bị họ khinh thường. Xem ra anh cũng không nghỉ được. Làm tròn bổn phận không đơn giản như anh nghĩ đâu.
Tiên sinh vừa trả lời vừa nâng cốc lên, Vu Khan vẻ mặt hơi buồn, anh cũng nhấc cốc lên theo, hai cái cốc chạm nhau đánh keng một cái. Vu Khan quên cả uống, thở dài rồi đặt cốc xuống.
– Đúng là gần con và cháu thì được, chứ ngồi nhà chơi, không đi làm, gần vợ suốt ngày cũng không khả thi cho lắm. Vợ của con lại hay xạo ngôn, nói nhiều, nói lắm, có lúc điếc cả hai lỗ tai. Lắm lúc con vào nhà vệ sinh nó còn bắt con mở cửa ra để nghe nó „hót“…Hay là con xin nghỉ để suốt ngày sang chơi với các cháu nội hay ngoại để có ông, có cháu cho vui cửa vui nhà vậy ?
– Anh thật là vô lo, anh sang nhà các con anh không những anh phải làm gương cho con ruột của anh mà anh còn làm gương cho cả dâu hay rể nữa, làm gương sáng cho cả các cháu anh và có khi còn cho cả các vị thông gia nữa.
Con anh nó đi làm vất vả cả ngày, chả lẽ anh sang chơi với các cháu, mà công việc nhà chúng nó ngập ngụạ cả lên, anh chơi sao được?
Anh phải học cách đưa các cháu đến trường, giờ nào đón các cháu về, rồi gọi điện cho bố mẹ của cháu yên tâm;
Có thể anh còn phải đi họp phụ huynh thay cho con anh. Rồi người ta lại tưởng nhầm anh là bố của cháu chắc lấy vợ muộn.
Anh lại mất công giải thích cho những chuyện không đâu. Anh còn phải cố gắng thể hiện mình hơn là ở với vợ to hay vợ bé của anh. Nghỉ làm sao được!
– Đã vậy con không dính lứu đến gia đình nữa, con sẽ tham gia vào các Câu lạc bộ bóng bàn, „Đoàn kết“, „Tình bạn“ v.v.. cho xả Stress. Con sẽ mua cái vé tháng nhẩy tầu và xe, đi khắp đó đây quanh Berlin rồi suốt ngày phỉ chí tang bồng chơi bời mà không phải lo lắng gì.
– Anh thật thiển cận và thơ ngây, anh tham gia vào những hội đoàn đó không đơn giản chút nào.
Để cho đàng hoàng, đĩnh đạc và người trong hội đỡ khinh thường, thì anh cũng phải bon chen và cố gắng rất nhiều.
Từ cách ăn uống, vận đồ, cử chỉ đi lại cũng phải để người ta trông vào coi được.
Anh lại có tính cẩu thả, như anh từng tâm sự với tôi ở trên thì tôi e những lời phát ngôn của anh có khi cũng vô tình mà bừa bãi, dễ làm người trong hội kém mặn mà với anh và mức cao hơn là họ ghét và thù anh nữa.
Để cho mọi người vừa lòng như làm dâu trăm họ, không đơn giản như làm một bó hoa và nấu một đĩa xào thập cẩm và hổ lốn như anh tưởng đâu. P
hong trào hội đoàn muốn vui, để chơi và tồn tại được thì bao giờ cũng cần đến ngân sách từ hảo tâm mà ra.
Anh „ăn“ xã hội thì lấy đâu ra „phong bì“ để mà „hảo“ mãi mãi.
Chưa kể anh hứng lên muốn phiêu lưu mà chạy đua vào „Nhà trắng“ để ra oai (thì không đến nỗi như ở Việt Nam), nhưng anh cũng cần đến phong bì dầy hơn các hội viên khác một chút.
Từ đó, cái mộng vào các hội đoàn để nghỉ, để chơi và vô tư bay nhảy trong đó là rất sai lầm.
Anh sẽ phải lao tâm khổ tứ, càng không thể nghỉ được! Nói đến đây Tiên sinh cười và nói to lên như nhấn mạnh. Mấy khách ngồi bàn bên cạnh nghe lỏm tiếng được, tiếng mất cũng cười òa theo.
Nghe toàn những lời phản biện nhưng lập luận chặt chẽ, rất có cơ sở thực tế của Đồng Xuân Tiên sinh, Vu Khan xem chừng đuối lý, hết cách; Anh nghĩ nếu mình nói tiếp thì chỉ nhận thêm mấy gáo nước lạnh của Tiên sinh dội vào đầu mà thôi.
Trong lúc bối rối, tinh thần nao núng, nghĩ chưa ra cách, anh bèn gọi cô em bồi bàn lúc nãy tới bên anh, nhìn cô ngây ngất mà không „mần“ răng được, đành đong đưa ngắm thân hình cô từ trên đến đoạn giữa, rồi chép miệng quyết định đặt đồ ăn cho hai người.
Cô bồi bàn nhận thực đơn xong, đánh mông tách một cái, rồi õng ẹo quay vào bếp, Vu Khan đưa mắt dõi theo phía sau thân hình đầy gợi cảm của cô với con mắt đầy thèm khát.
Anh không ăn gì mà người ta để ý khi cô bồi đã khuất vào trong bếp thì bỗng thấy miệng anh ngậm lại rồi rướn cổ lên nuốt ực một cái vào trong bụng.
Tiên sinh biết ý anh, cười thầm tự nhủ: Thằng cha này cũng vào loại „máu“ đây.
Ông không bàn luận gì. Ông nghĩ Vu Khan cũng như mình ngày xưa, đấng mày râu thì phần lớn ai cũng thích chuyện khoái mắt, „mây mưa“ đại loại như vậy cả.
Đang theo đuổi ý nghĩ mông lung của mình thì Vu Khan cất tiếng hỏi, có vẻ như thất vọng:
– Thế thì thưa Tiên sinh, bao giờ con mới được nghỉ thực sự cho nhàn nhã và vui thỏa tấm thân?
– Sẽ có lúc anh được nghỉ. Đó là lúc mà anh ngắm thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, ngó thấy người đi đưa tiễn tỏ ra thương xót mà cách biệt với mình, trông thấy cái mồ đắp chắc chắn, thảm cỏ xanh rờn, hương khói nghi ngút và những vòng hoa đủ màu sặc sỡ phủ lên anh. Lúc bấy giờ là lúc anh được nghỉ thực sự, anh Vu Khan ạ.
Tiên sinh vừa dứt lời thì hai đĩa thức ăn thơm phức tươi ngon cũng vừa đặt lên bàn qua bàn tay uyển chuyển và giọng xứ Nghệ xao xuyến, bồng bềnh, chúc ăn ngon của cô nhân viên gửi tới hai người.
Cả hai cùng ăn và phóng tầm mắt nhìn ra ngoài đường phía Herzbergstraße.
Họ cùng ngắm những chuyến tầu điện ngược xuôi hướng chợ Đồng Xuân chở phần lớn những khách người Việt.
Ngày nào cũng vậy, tầu vẫn chạy hoài qua lại nơi đây.
Mặc thân tầu đã cũ kĩ và đường ray đã mòn, tầu vẫn miệt mài, kiên nhẫn mà lì lẫm đi về và đỗ đúng bến, đúng nơi.
Có lẽ chỉ khi nào lái tầu đình công thì tầu mới được nghỉ ngơi chăng?
Tác giả: Nguyễn Doãn Đôn (Berlin)
Nguồn: Facbook
Bài viết mang văn phong và quan điểm của tác giả, một người sống tại Berlin