Lấy và theo chồng sang Đức sinh sống, thời gian đầu tôi khá bỡ ngỡ vì mọi thứ đều mới mẻ mẹ chồng, Những suy nghĩ tích cực và mạnh mẽ ở bà đã thôi thúc tôi viết ra những chia sẻ này và tôi hy vọng bạn cũng như tôi thấy nó thật ý nghĩa.
Trên thế giới, Đức là một trong những nước có chất lượng cuộc sống cao và ổn định. Chất lượng cuộc sống tốt một phần là do chính sách của quốc gia, tuy nhiên phần lớn là do quan điểm sống và nỗ lực hướng tới chất lượng cuộc sống tốt hơn của mỗi cá nhân.
Lấy và theo chồng sang Đức sinh sống, thời gian đầu tôi khá bỡ ngỡ vì mọi thứ đều mới mẻ và khác biệt, từ văn hóa, xã hội đến ngôn ngữ.
May mắn là tôi sống chung với mẹ chồng, người thầy tuyệt vời về giá trị con người và chất lượng cuộc sống để tôi học hỏi. Những suy nghĩ tích cực và mạnh mẽ ở bà đã thôi thúc tôi viết ra những chia sẻ này và tôi hy vọng bạn cũng như tôi thấy nó thật ý nghĩa.
Luôn yêu quý và tôn trọng bản thân
76 tuổi vẫn làm đẹp. Đối với tôi, hình ảnh những bà cụ ở tuổi 60, 70 với hàm răng mòm mém là chuyện rất bình thường. Thế nhưng, một ngày bà quyết định đến bác sỹ tư vấn và trở về nhà với cái thông báo khiến cả nhà phát hoảng 'hai hôm nữa mẹ sẽ đi làm lại toàn bộ hàm răng'.
Điều đó có nghĩa là người ta sẽ mài nhỏ hàm răng của bà và chụp lên đó một bộ răng sứ mới. Tất nhiên là bà có lý do rồi: Hàm răng thật của bà bị tụt lợi và vì thế hàm răng giả sẽ giúp cố định chân răng. Hàm răng giả bằng sứ sáng trắng hơn và đẹp hơn. Và quan trọng là bà không muốn trông bị móm mém vì răng rụng dần khi về già (73 tuổi vẫn chưa già!). Chỉ nghĩ đến những đau đớn bà sẽ phải chịu là tôi đã sởn gai ốc rồi. Bà thật dũng cảm.
Cuộc sống tươi vui và không ngừng vận động khiến bà như vẫn đang sống trong thời thanh niên sôi nổi
Ở tuổi 76 hiện nay bà vẫn có kinh nguyệt. Đừng choáng!!! Điều đó hoàn toàn là sự thật. Bà kể khi bắt đầu bước vào tuổi tiền mãn kinh, bà đến xin tư vấn của bác sỹ và yêu cầu được cấp thuốc để duy trì kinh nguyệt vì nghe nói và chứng kiến nhiều phụ nữ phải chịu khủng hoảng tinh thần trầm trọng khi trải qua giai đoạn này.
Bà nói: tại sao không tìm cách né tránh nó khi có thể, cơ thể của bà không đáng phải chịu những đau đớn về tinh thần như vậy. Đối với bà, việc vẫn có kinh nguyệt đều đặn hàng tháng khiến bà cảm thấy mình vẫn là phụ nữ, vẫn trẻ trung – 'điều đó tuyệt vời hơn bất kỳ thứ gì trên đời', bà nói.
Ở Đức mùa đông vô cùng lạnh lẽo kéo dài còn mùa hè thì lại rất ngắn nên bà luôn tranh thủ tận hưởng từng tia nắng mặt trời mỗi khi mùa hè tới. Với bộ bikini, đôi khi để trần bộ ngực (không quá chảy xệ và vô cùng ít nếp nhăn), bà nằm dài trên thảm cỏ hoặc chiếc ghế bành trong vườn và thưởng thức cuốn sách yêu thích. Mùa đông đến, hàng tháng bà đi tắm nắng nhân tạo solarium để cơ thể không ngủ quên, tránh trầm cảm và năng động hơn.
Dành thời gian cho riêng mình
Sau khi sinh con, vợ chồng tôi vẫn ở chung với bà. Với tư duy đậm chất Châu Á, tôi đinh ninh bà sẽ giúp mình trông và chăm con. Đừng tưởng bở nếu bạn có suy nghĩ giống tôi.
Bà vẫn rất yêu thương con cháu như bất kỳ người mẹ, người bà nào trên thế giới này nhưng việc đó chẳng liên quan gì đến việc biến bà thành người trông trẻ.
'Xin lỗi con, mẹ không thể giúp con trông cháu vì mẹ có lịch đi tập hát cùng giàn hợp xướng rồi', 'ồ rất tiếc, mẹ đã có hẹn với bà bạn thân đi cà phê ở thị trấn', 'ôi giá mà con nói trước với mẹ thì mẹ đã có thể chuyển lịch hẹn đi chạy bộ cùng mấy người bạn vào hôm khác'.
Đừng sốc, hãy học cách chấp nhận là việc có thêm thành viên trong gia đình chẳng liên quan gì đến nhịp sống riêng của bà. Cũng đừng nghĩ đó là ích kỷ, bà sẵn sàng trông cháu nhưng với điều kiện là phải báo trước vài ngày để bà sắp xếp lịch.
Gặp gỡ và giao lưu bạn bè thực sự quan trọng và là nhu cầu thiết yếu đối với bà. Nó quan trọng như không khí để thở vậy. Bà luôn bận rộn viết thư, email, gọi điện thoại buôn chuyện, gặp gỡ bạn bè, tham gia sự kiện trong thị trấn.
Bà là giọng ca nữ duy nhất trong một giàn giao hưởng nam trong nhiều năm đến tận bây giờ, khi bà 76 tuổi. |
'Mẹ không muốn bị lãng quên, duy trì các mối quan hệ là cách mà mẹ cảm thấy mình vẫn tồn tại'. Cứ như vậy, bà luôn luôn giữ bản thân bận rộn với lịch riêng của mình: đi bộ 2 tuần một lần cùng câu lạc bộ, đi hát trong giàn hợp xướng 2-3 lần/tuần, đi cafe, nhà hàng, shopping mua sắm cùng bạn bè, đi massaga cho khách hàng, làm việc trong vườn nhà, đi thăm bạn bè. Trời ạ, người phụ nữ ấy – mẹ chồng tôi lấy đâu ra năng lượng tuyệt vời như vậy ở tuổi 76?! Thật tự hào về bà.
Bồi dưỡng niềm đam mê và tự tạo thú vui
Đam mê âm nhạc và ca hát, bà có thể hát ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào, đặc biệt luôn dành thời gian thả hồn với cây đàn dương cầm thân yêu của bà. Đúng như vậy, đam mê truyền cảm hứng cho tâm hồn và là chìa khóa của thành công.
Chả thế, bà là giọng ca nữ duy nhất trong một giàn giao hưởng nam trong nhiều năm đến tận bây giờ, khi bà 76 tuổi. Bên cạnh đó còn tham gia 2 giàn giao hưởng khác và tham gia diễn xuất trong các chương trình giao hưởng lớn của thành phố và thị trấn khác nhau. Không hát vì tiền mà vì 'Ca hát và âm nhạc là nguồn dinh dưỡng của trái tim', bà nói. 'Được sống với niềm đam mê chính là hạnh phúc'.
Thú vui nho nhỏ của bà là chơi Loto. Không thường xuyên, không đánh lớn, chỉ thỉnh thoảng thử tìm vận may và tạo niềm vui cho bản thân. Cái cảm giác hồi hộp chờ đợi kết quả giải thưởng, giây phút sung sướng khi trúng thưởng dù ít nhiều đều mang lại hạnh phúc. 'Không tốn nhiều tiền con ạ, nhưng đem lại niềm vui và hạnh phúc, đó là mấu chốt'
Hạnh phúc và hãnh diện khi được làm việc
Vẫn chăm chỉ lao động dù đã hết tuổi lao động từ rất rất lâu. Lao động đối với bà không phải vì mục đích kiếm tiền mà là để cảm thấy bà vẫn có ích cho xã hội vì vẫn có thể làm việc ở tuổi 76. Có khi chạy xe ô tô những 2 tiếng (cả đi lẫn về) để đến chỗ khách hàng nhưng vẫn vui vẻ vì ….người ta cần mình con ạ (bà massage trị liệu cho những người khuyết tật hoặc sau chấn thương).
Mỗi ngày dành 30 phút đến một tiếng đồng hồ chơi trò đoán ô chữ để luyện trí nhớ và vẫn cay cú, hậm hực khi không trả lời được một câu đoán nào đó :) 'Phải bắt cái đầu làm việc con ạ, không thì nó sẽ chây ì và trơ ra' bà cười sảng khoái nói với tôi. Khi đi tàu, đi xe buýt hay ngồi trên ô tô bà luôn thủ theo cuốn sách trò chơi ô chữ của bà để không lãng phí thời gian và để luyện trí nhớ!
Học hỏi cái mới và cập nhật thông tin cho bản thân
Thời gian đầu tôi chưa nói giỏi tiếng Đức nên trao đổi giữa mẹ chồng nàng dâu khá hạn chế. Bà nói với tôi, chúng ta sẽ chỉ nói tiếng Đức với nhau để con học được nhiều hơn, nhưng mẹ cũng có thể học tiếng Anh để chúng ta hiểu nhau tốt hơn. Nói là làm, với vốn tiếng Anh khiêm tốn abc tích lũy từ hồi trẻ, bà nghiêm túc học qua trao đổi hàng ngày giữa hai mẹ con. Khi đó bà 71 tuổi, vẫn rất hào hứng lẩm nhẩm, ghi ghi chép chép từng từ mới tiếng Anh.
Đến giờ ti vi phát chương trình thời sự thì nhớ đừng làm phiền bà. Điện thoại đổ chuông? Kệ thôi, chẳng việc gì phải vội, họ sẽ để lại tin nhắn hoặc gọi lại, hoặc bà sẽ gọi lại sau chương trình thời sự kết thúc. Quan trong trên hết là cập nhật điều gì đang xảy ra ngoài kia trên khắp thế giới. Đó là cách để bà không bị tụt hậu vì thiếu thông tin.
Mới đây thôi, bà nói với con trai (chồng tôi): con có thể dạy mẹ cách sử dụng ... cái gì gì mà bây giờ bọn trẻ hay dùng được không??!!!!. Sau một hồi giải thích...bla bla, hóa ra là Whatsapp. Bà muốn dùng Whatsapp để được nói chuyện và nhìn thấy con cháu thường xuyên hơn. Cập nhật và học hỏi công nghệ hiện đại ở cái tuổi ấy tôi thật khâm phục bà!
Độc lập, tự chủ và luôn nhận thức rõ quyền của mình
Tôi nhiều tuổi nhưng tôi không già. Đừng để xã hội đối xử với mình như một người già vô ích. Hai điều đó hoàn toàn khác nhau. Khi đau ốm bà tự mình đi đến bác sỹ. Vẫn nhớ cái ngày bà đi làm lại bộ răng mới. Tôi thực sự lo lắng và nói với chồng đi cùng bà nhưng bà lắc đầu từ chối 'Mẹ tự đi được, mẹ sẽ nói khi mẹ cần các con'.
Ở Đức mỗi khi đến bác sỹ bạn phải đặt lịch hẹn trước. Nếu không có lịch hẹn, bác sỹ có quyền từ chối không khám và chữa bệnh cho bạn. Còn nếu muốn đến bệnh viện thì phải có giấy giới thiệu của bác sỹ trừ trường hợp khẩn cấp. Dạo tôi mang bầu, tưởng mình bị rò nước ối, tôi đã thực sự lo lắng và muốn đến bác sỹ nhưng lại không có lịch hẹn. Bà giục tôi: con đi với mẹ, chúng ta cùng đến thẳng phòng khám, người ta không thể từ chối con, đó là sinh mạng con người. Bà đã làm được điều đó, bà đã thuyết phục để tôi được khám.
Tiết kiệm '3 năm' để ...tiêu hoang '1 giờ'
Người Đức nổi tiếng là tiết kiệm và mẹ chồng tôi không phải là ngoại lệ. Bà tiết kiệm từng giọt nước, từng kw điện và đặc biệt vô cùng hạn chế vứt bỏ đồ đạc và đồ ăn thừa. Tiết kiệm là thế và cũng không có nhiều tiền, nhưng mỗi năm một lần bà lại đi du lịch nghỉ dưỡng ở khách sạn sang chảnh, massage xông hơi, shopping mua sắm cho bản thân. ''Bàn tay này, đôi chân này, cái cơ thể này đã phải làm việc hầu hết các ngày trong năm, vì thế nó xứng đáng được 'chiều chuộng' xả hơi ít nhất là một lần để tái tạo năng lượng con ạ. Có đúng không?' Chuẩn, quá chuẩn mẹ ạ! Suy cho cùng tiền rồi cũng sẽ hết, cái quan trọng là sức khỏe tinh thần và thể chất.
Hạnh phúc không tự đến, chúng ta cần chủ động tạo ra nó. Chất lượng cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá bằng chính nhu cầu của bản thân.
Nguồn: Infonet