Người dân thành phố Glauchau thường xuyên vào một cửa hàng rau quả của người Việt để mua hàng. Tại đây, ông chủ Nguyen Viet Tho luôn niềm nở đón khách và tán gẫu với khách quen cho dù khá bận.
“Thi thoàng tôi còn cho họ một vài ý tưởng nấu ăn,“ chủ cửa hàng 40 tuổi chia sẻ. Tuy Đức không phải là quê hương của Nguyen Viet Tho, nhưng anh cũng cảm thấy khá gắn bó với nơi này. Năm 1989 anh đã rời Việt Nam sang bang Sachsen, Đức và làm việc trong nhà máy sản xuất kim loại, sau đó là trong một quán ăn.
“Thật sự tôi rất muốn được thường xuyên giao tiếp với mọi người“, anh lý giải việc anh mở một của hàng riêng. Một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 3 giờ sáng để đến trụ sở bán buôn lấy hàng. Sau khi chở được rau quả tươi về đến cửa hàng, anh phải xếp hàng và đứng bán mấy tiếng đồng hồ. “Công việc này cũng khá vất vả nên ít ai muốn làm,“ anh nói. Đó cũng chính là lý do, tại sao hầu hết những người Việt Nam đều chọn nó.
Nhà nước Đức hỗ trợ dân nhập cư kinh doanh
Nguyen Viet Tho là một trong số những doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ tài chính của nhà nước. Theo thống kê của Phòng công nghiệp và thương mại (IHK) Zwickau, từ năm 2010 đến đầu năm 2012 đã có 143 đơn xin hỗ trợ tài chính của các tân doanh nghiệp được duyệt, 14 trong số đó thuộc sự sở hữu của người ngoại quốc. Song, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong số những người dân nhập cư có nguyện vọng mở cửa hàng riêng.
“Chúng tôi dự tính rằng trong năm nay, các doanh nhân người ngoại quốc sẽ tạo dựng nên khoảng 100 000 việc làm,“ ông Marc Evers, giám đốc điều hành của phòng công nghiệp và thương mại Đức cho biết.
Ở vùng Zwickau, hầu hết những người nước ngoài tự kinh doanh đều đến từ Việt Nam, Hy Lạp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Nga. “Những lĩnh vực tiêu biểu của họ là bán lẻ, nhà hàng, quán ăn nhẹ, ăn nhanh và cửa hàng quần áo,“ Angelika Hofman từ phòng thương mại cho biết.
Bà ngưỡng mộ mối quan hệ gia đình chặt chẽ của những dân tộc thiểu số đang sinh sống và làm việc tại đây. “Đi cùng với những người chủ kinh doanh đến làm việc với tôi thường thấy cả thành viên khác trong gia đình họ,“ bà kể. Vấn đề về ngôn ngữ là hoàn toàn ngoại lệ. “Hầu hết họ đều là những người đã sinh sống ở Đức nhiều năm nay,“ bà Hofmann lý giải
Theo Freiepresse/vietinfo.