Đêm hội chân dài 11 tại Berlin khép lại sau 3 tiếng biểu diễn liên tục không giải lao.
Có thể vì khai mạc muộn 1 tiếng so với giờ ghi trên vé, màn trình diễn trên thảm đỏ rời rạc, thiếu chuyên nghiệp, thêm gần nửa số ghế không có người nên ngay từ phút đầu không khí đêm hội đã như chùng xuống ám ảnh cả người tổ chức lẫn người xem.
Khi MC tuyên bố chương trình kết thúc, hầu hết mọi người đều ngỡ ngàng. Có một cái gì như thiêu thiếu trong lòng người xem.
Họ chờ giờ giải lao để giao lưu bạn bè, chụp ảnh với nghệ sỹ hay họ vẫn chờ chương trình tiếp theo hay hơn như họ hình dung, ít nhất là chờ màn trình diễn bốc lửa của "Nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh vẫn được mệnh danh là con át chủ bài của đêm hội như mọi năm?
Chứ không phải suốt cả đêm hội cô chỉ xuất hiện duy nhất vài giây cuối trong show diễn thời trang bikini cho người ta chụp ảnh quảng cáo rồi lặn mất hút như mọi người chứng kiến.
Vì vậy khi đứng dậy ra về hầu hết mọi người đều chung cảm giác, đầu tư công phu thật, những người tổ chức vất vả gian nan thật cho Đêm hội chân dài được tổ chức ở hải ngoại, nhưng nó đã diễn ra không đình đám, đẳng cấp như trong tưởng tượng.
Ngọc Trinh bị tố photoshop quá đà
Trong 3 bộ sưu tập thời trang được trình diễn trên sân khấu của Đêm hội chân dài 11, thời trang dạ hội của nhà thiết kế Đỗ Long, thời trang bikini của Minh Tú, có lẽ màn trình diễn áo dài của nhà thiết kế Bảo Bảo gây được ấn tượng nhất.
Có thể vì hình ảnh chiếc áo dài vốn là quốc hồn, quốc túy đối với mỗi người xa xứ, và một phần nhìn những người mẫu châu Âu xúng xính, ngọng nghịu trong trang phục truyền thống của người Việt đem lại cảm giác mới lạ chăng?
Đêm hội chân dài lần thứ 11 tại Berlin đã kết thúc, dù có ưu ái, cũng không thể gọi là thành công.
Chắc chắn điều đọng lại trong lòng cả người xem lẫn BTC đấy là sự nuối tiếc.
Hơn 15 tỷ đồng chi ra cho một đêm diễn là một con số lớn. Hơn 50 người "gồng gánh" từ Việt Nam sang từ dàn người đẹp đình đám của Venus như Ngọc Trinh, Lê Hà, Kim Chi, Quỳnh Thư, Tường Vi... đến những ngôi sao ca nhạc hàng đầu như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Lệ Quyên ... lại còn bao công phu luyện tập, quả là nỗ lực của BTC.
Ngay như việc để tạo thêm chỗ ngồi cho khán giả đã phải chi thêm hơn 40.000 euro (tức hơn 1 tỷ đồng) mà trong đêm biểu diễn heo hút vài ba bóng người. Nhìn cảnh đó ai cũng đắng lòng nói gì BTC “của đau, con xót”.
Hình như BTC, cụ thể là ông bầu Vũ Khắc Tiệp, trong những ngày sát buổi biểu diễn cũng đoán định được kết cục này.
Một hội trường chuẩn bị đến 3.000 chỗ ngồi mà trong họp báo trước buổi diễn Vũ Khắc Tiệp dự đoán có 2.000 người tham dự. Còn như MC Phan Anh nói trên sân khấu, Vũ Khắc Tiệp đã tuyên bố đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng đem Đêm hội chân dài ra châu Âu.
Hàng ghế khán giả vắng hoe. Ảnh Hùng Lý/VOV
Nghĩ cũng phải, một chương trình biểu diễn thời trang và ca nhạc vốn chỉ dành cho những đại gia, những người lắm tiền nhiều của lại đem sang một nước châu Âu nơi cộng đồng người Việt tới hơn 90% là dân buôn bán nhỏ và làm công ăn lương, chưa kể người Việt ở Đức vốn mang tiếng là căn cơ, không chịu chơi như dân Việt mình ở vài nước châu Âu khác, càng không chịu chơi như dân Việt mình tại nhà.
Công tác truyền thông, quảng bá cho một sự kiện được tổ chức ở Đức dường như không được bắt đầu từ Đức mà toàn thông tin từ Việt Nam chuyển sang và được lan tỏa yếu ớt qua hệ thống facebook của những người trong BTC.
Ngay như cái gọi là buổi họp báo tại Berlin trước hôm diễn cũng gần như chẳng nhà báo nào được mời.
Những người trẻ tuổi trong BTC không hiểu được rằng hầu hết những người Việt thế hệ thứ nhất - những người được xem là thành đạt và là đối tượng chủ yếu của Đêm hội chân dài - thường không sử dụng Facebook.
Nhưng họ thường xuyên đọc tin tức từ báo mạng cộng đồng.
Chưa kể, chiến lược tiếp thị cho Đêm hội chân dài tại Đức vì đối tượng phục vụ không phải là các đại gia lại bê nguyên cách tiếp thị cũ nên phần nào gây phản cảm trong tâm lý công chúng.
Cứ lấy giá vé làm ví dụ.
Giá vé 1.000 euro cho hạng ghế siêu VIP là một giá ảo. Vì lượng vé này, vé hồng, cũng chỉ hạn chế trong con số 40, càng cỏn con so với con số 3.000 ghế ngồi thực tế cả hội trường.
Chưa kể vé này hầu như không bán mà chỉ để mời những khách VIP và các nhà tài trợ. Không bán mà đặt giá, là tạo ra sự phân cấp giữa mức giá cao nhất 1.000 euro với giá thấp nhất 100 euro thành phân cực rõ rệt như phân định người giàu kẻ nghèo.
Sự phân cực này ở trong nước, có thể coi như mặc nhiên, nhưng trong cộng đồng người Việt ở Đức lại chưa hẳn đúng.
Sự phân cực giá vé như thế tạo tâm lý mặc cảm cho người xem khi mua vé hạng bình dân. Chính đó là một trong những lý do khiến cộng đồng người Việt tại Đức thờ ơ với đêm diễn.
Dàn người mẫu trong "Đêm hội chân dài".
Giá như các nhà tổ chức tiếp thị cho Đêm hội chân dài tại Đức giống như một chương trình vẫn đẳng cấp thế nhưng dành riêng cho kiều bào với mức giá từ cao nhất là 350 Euro và giá thấp nhất là 100 euro, như mức giá BTC đặt ra, chỉ bỏ mức vé hồng siêu VIP 1.000 euro thì số hàng ghế trong đêm diễn không đến nỗi trống hơ, trống hoác như thế.
Nói gì thì nói, để hiểu thực chất về nguyên nhân thành công và chưa thành công của Đêm hội chân dài 11 chắc không ai rành rẽ bằng BTC.
Và nếu có thua thiệt thì cũng BTC phải gánh chịu
Còn khán giả, ngoài một vài bức xúc thì cũng phải thừa nhận đã được chứng kiến một sự kiện âm nhạc và thời trang hoành tráng nhất từ xưa đến nay ở Đức do người Việt tổ chức.
Chỉ có điều nó không được đình đám như ông bầu Vũ Khắc Tiệp nói trong cuộc họp báo tại Berlin rằng Đêm hội chân dài về tầm cỡ hơn hẳn cả những chương trình của Thúy Nga Paris by Night từ trước đến nay.
Ngoài những người được nhận vé mời ra không tính, cũng khối người mua vé hạng bình dân mà đến giờ biểu diễn được BTC đôn lên ngồi hạng VIP cho đẹp đội hình.
Vậy cũng được xem là bù đắp rồi.
Còn gì lấn cấn thôi hãy rũ bỏ. Dù gì cũng là sản phẩm của người Việt dành cho người Việt. Để Đêm hội chân dài lần thứ 11 tại Berlin như một kỷ niệm vui về giao lưu cộng đồng và là một quà tặng của BTC dành cho người Việt xa xứ.
Nguồn: VOV.VN