Dĩ nhiên là ngoài câu chuyện thèm bún đậu mắm tôm, về ngày nào là tranh thủ đi lượn chén đồ ăn Việt và phụ nữ Việt Nam quá xinh đi, thì một điều nữa mà thằng bạn mình trả lời là thanh toán bằng QR code. Theo lời bạn mình kể, thì QR code cũng xuất hiện ở Đức nhưng mà không phổ biến đến mức xuất hiện ở mọi nơi, mọi hạng mức thanh toán và hầu như tất cả mọi người đều có thể dùng được như ở Việt Nam.
Đi cà phê, siêu thị mua những món giá cao đã đành, đây mua rau chỉ vài ngàn cũng có quét mã như bình thường và thậm chí các cô chú quán hàng cũng khuyến khích là quét mã cho tiện và đỡ phải thối lại. Đi ngồi trà đá cũng có thể quét mã, đi cắt tóc vỉa hè cũng thấy mã QR code được in dính ở góc gương… Đi đá bóng quét mã thanh toán ở cổng rồi vào lấy vé xe. Thanh toán cho mấy anh shipper cũng quét mã, thậm chí có anh còn in mã QR code lên mũ bảo hiểm để người dân có thể quét cho nhanh khi khách lấy hàng đông…
Có lần thằng bạn mình về quê ngoại ở Hà Nam, đi mua chút rau ở chợ quê có đưa tiền chẵn ra và bác bán rau không đủ tiền trả lại, bác bảo thế quét mã đi rồi chìa cái mã QR code đưa cho nó. Nó không nghĩ là ở vùng quê này mà các bác cũng sử dụng mã QR code. Bác bán rau bảo quét được hết, quét rồi đỡ phải đếm tiền vì hiện ra hết bao nhiêu tiền ngay.
Có lẽ với nhiều người, trong đó có cả mình, giờ đôi khi ra ngoài đúng là chỉ cần một cái điện thoại mà thôi. Dĩ nhiên, câu chuyện trên là chỉ là vui vẻ trên bàn nhậu, nhưng nhiều khi cũng phản ánh phần nào đó sự phán triển về công nghệ thông tin, thanh toán điện tử ở Việt Nam thuận tiện và dễ dàng như thế nào.