Lâm Vissay, sinh năm 1976, là Việt kiều Đức. Anh được biết đến qua những bộ phim nổi tiếng như Soko Leipzig (Điệp vụ Leipzig), Unter Dir Die Stadt (Dưới bạn là thành phố) từng tham gia Liên hoan Cannes năm 2010.
Tại Việt Nam, Lâm Vissay tham gia cả phim điện ảnh và phim truyền hình như Truy sát, Thương nhớ ở ai, Người bất tử, MV Thằng điên…
“Đóng cảnh tự tử để gây ấn tượng với Victor Vũ”
– Cơ duyên nào đưa anh đến với vai Khang trong Người bất tử?
– Một người hay làm casting cho phim của anh Victor Vũ thấy tôi diễn trên truyền hình và thích cách diễn của tôi. Người này đã ngỏ lời mời với tôi. Sau khi nhận lời, lịch quay bị lùi lại nhiều lần do khó khăn của đoàn làm phim. Tôi còn không nghĩ là mình vẫn còn duyên làm việc với Victor Vũ.
Một năm sau đó, trợ lý của anh Victor gọi lại cho tôi thì công việc mới bắt đầu. Thực sự, khi nghe đó là phim của Victor Vũ, tôi cũng muốn biết anh ta làm việc như thế nào.
– Vậy anh thấy Victor Vũ làm việc như thế nào?
– Trong những phim tôi đã làm, bao gồm cả Việt Nam và cả ở nước ngoài, anh Lưu Trọng Ninh và anh Victor Vũ là hai đạo diễn giỏi nhất. Họ có trách nhiệm với công việc, làm việc kỹ lưỡng và cũng tạo điều kiện cho diễn viên phát huy năng lực.
Ngày quay đầu tiên, mọi người trong đoàn khuyên tôi phải hết sức tập trung vì anh Victor Vũ rất nóng tính. Họ nhắc tôi không được nói to, không được dùng điện thoại, không được chơi điện tử vì có nhiều người đã bị la vì lý do như trên.
Tôi nghĩ mình không làm sai thì sợ gì bị mắng, bản thân cũng không có những thói quen như vậy. Sau khi được nhắc, tôi thực sự muốn gây ấn tượng với Victor Vũ để anh ta thấy mình chuyên nghiệp.
– Anh đã làm những gì để gây ấn tượng với Victor Vũ?
Cảnh đầu tiên của tôi là đứng trên nóc nhà rồi nhảy xuống. Theo bàn bạc ban đầu, tôi chỉ cần đứng đó rồi diễn viên đóng thế sẽ nhảy xuống. Lúc quay, Victor Vũ bảo tôi: “Bạn có thể tự nhảy xuống được không?”.
Nóc nhà cao 20 m, trời thì mấy hôm mưa trơn trượt. Tôi vừa muốn gây ấn tượng vừa sợ run rẩy cả người nhưng vẫn trả lời: “Ừ, đơn giản mà anh ơi. Em làm được”. Khi tôi nhảy xuống, thời gian là khoảng 2 giây. Trong 2 giây đó, tôi nghĩ lại cuộc đời mình bao nhiêu năm nay tới đây kết thúc.
– Theo anh, ấn tượng anh để lại cho Victor Vũ là gì?
– Không biết anh Victor Vũ còn giữ lời không. Khi đó, anh ấy nói với tôi nếu tôi tự nhảy không cần diễn viên đóng thế, lần sau tôi sẽ được mời vào phim mới và đảm nhận vai diễn nhiều thoại hơn. Tôi cũng rất tò mò liệu anh Victor còn nhớ câu nói đó hay không.
Cảnh Lâm Vissay hóa thân vai Khang trong Người bất tử.
– Nhiều khán giả đánh giá Người bất tử tham chi tiết, câu chuyện rườm rà và kết thúc hụt hẫng, đánh giá của cá nhân anh về bộ phim này?
– Tôi đã xem Người bất tử hai lần khi công chiếu. Lần đầu tiên, tôi thấy phim nặng nề, mở đầu chậm và kết thúc lại hơi bị nhanh. Tuy nhiên, khi xem lần thứ hai, tôi cảm thấy mình hiểu phim hơn và thấy phim liền mạch hơn. Dù vậy, cá nhân tôi không thích cái kết của phim.
– Từng chia sẻ không thích nhìn lại những phim mình đóng, tại sao anh lại xem Người bất tử đến hai lần?
– Đúng, tôi không thích xem lại vai mình diễn. Tuy nhiên, ngày công chiếu phim thì tôi bị bắt buộc phải ngồi xem. Là diễn viên của đoàn mà tôi lại đi ra khỏi rạp lúc mọi người đang xem thì rất kì.
– Tự khước từ hình ảnh của bản thân trên phim, đó là lý do anh chưa thể có được một vai diễn bứt phá?
– Tôi thấy ngại nhìn lại mình trên phim vì nghĩ bản thân có thể làm tốt hơn. Thời điểm đóng phim tôi cố gắng hết sức để đạt mốc tuyệt vời nhưng khi xem lại vẫn thấy chưa tới. Xem lại vai Khang, tôi cũng có cảm giác y như vậy.
Thế nhưng, tôi không nghĩ tới việc nếu làm lại vai diễn đó mình sẽ làm gì. Phim nào xong rồi, tôi bỏ qua hết một bên, không muốn xem lại hay nói tới. Tôi tự có cái cảm nhận của cơ thể khi diễn. Dó đó, tôi biết mình cần phải điều chỉnh gì trong tương lai.
“Từng bốc vác, rửa bát ở Đức để kiếm sống”
Lâm Vissay trong tạo hình thằng điên trong MV cùng tên.
– So với thời gian hoạt động bên Đức, cát-xê của anh ở Việt Nam có tốt hơn?
– Cát-xê ở Đức cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí ăn ở bên đó rất đắt đỏ cùng với mức thuế thu nhập lên tới 40%.
Hơn nữa, ở Đức, người châu Á thường chỉ được mời vào những vai phụ và không có nhiều tác dụng trong phim. Do đó, tôi cũng chỉ được nhận vai phụ trong thời gian hoạt động bên đó.
– Có hay không sự phân biệt chủng tộc trong việc sắp xếp người châu Á vào tuyến vai phụ?
– Họ, những người có quyền lực ở đài truyền hình Đức, nghĩ rằng người dân Đức chưa sẵn sàng thấy người châu Á vào vai chính trên phim. Những người Đức có tư tưởng này thường cao tuổi nên suy nghĩ của họ còn cổ hủ.
– Mức sống cao, thuế lớn lại chỉ toàn đóng vai phụ, cuộc sống bên Đức của anh có vất vả?
– Thời điểm khó khăn nhất của tôi là khi tôi bị tai nạn nghề nghiệp đứt dây chằng. Đó là một vai diễn trên sân khấu kịch. Tôi tập rất kĩ vai đó cả chục lần. Đến ngày trình diễn, tôi nhảy quá cao và tiếp đất sai tư thế dẫn đến đứt dây chằng. Hơn một năm đó tôi không thể làm được việc gì.
Hồi ở Đức, gia đình tôi không khá giả nên tôi phải làm nhiều thứ để sống và nuôi giấc mơ diễn viên. Ngoài diễn xuất, tôi còn chạy xe sân bay, rửa bát ở bếp, pha chế. Việc gì làm được tôi làm hết. Có những lần phải bốc vác những bao tải lên tới 20-30 kg.
Ngoài đam mê diễn xuất, Lâm Vissay còn dành tình yêu cho âm nhạc.
– Tại sao kiếm sống khó khăn anh vẫn chọn nghề diễn viên?
– Ban đầu, tôi học công nghệ thông tin và làm lập trình tại một hãng xe. Một hôm, tôi được mời đóng phim. Vai của tôi chỉ là vai rất bé và tôi được đấm nhân vật chính trong phim. Thời gian quay là 15 phút, 3 tiếng đồng hồ chờ và nhận khoản tiền lớn.
Tôi nghĩ làm diễn viên thật dễ và quyết định theo học 3 năm chuyên ngành diễn xuất. Sau đó, trong khoảng thời gian học và thất nghiệp, tôi mới vỡ lẽ ra nghề diễn khó khăn như thế nào.
Nguồn: Hương Đỗ
Zing.vn