Mọt trong những kỹ năng sống người Đức dạy trẻ là cách tự lập ở trong rừng mà không có Bố Mẹ theo cùng.
Bé Tilda Geyer rời xa bố mẹ để đi một chuyến tham quan bên hồ vào hè vừa rồi. Bé cùng 10 bạn nhỏ phải ngủ trong lều, tập cưỡi ngựa, hái dâu rừng và chơi đu dây bên hồ nước.
Khi đêm xuống, tất cả ca hát vui vẻ bên đống lửa trại.
Điều đặc biệt là Tilda chỉ mới 4 tuổi, và các bạn còn lại cũng đều chỉ mới học mẫu giáo.
Trong khi các trẻ em đi học mẫu giáo thường mới bập bẹ bảng chữ cái, thì các bạn đồng trang lứa ở bên Đức, độ 3 đến 6 tuổi, đã được học cách ra ngoài thế giới và học cách tự mặc quần áo, chuẩn bị thức ăn và tự giác đi ngủ mà không cần bố mẹ ở bên.
Vì trẻ em ở trường mẫu giáo Đức chưa được dạy cách đọc và viết cho đến khi 6 tuổi nên buổi cắm trại này sẽ chỉ huấn luyện cho các em kĩ năng sinh tồn như cách dùng dao để chẻ cành cây làm que nướng thịt.
Chuyến đi chơi, có tên là Kitafahrten, diễn ra hằng năm tại nhiều trường mẫu giáo của Đức. Đây thực sự là khóa học cấp tốc để các em bé nhỏ tuổi trở nên tự lập, do khóa học yêu cầu các em chỉ được mang tối thiểu các dụng cụ cần thiết.
Thú nhồi bông luôn được các em lựa chọn để mang đi. Một vài em 3 tuổi không chịu được nỗi nhớ nhà nên người giám sát phải chia kẹo cho các em để dỗ dành.
“Nếu các em nhớ bố mẹ, các em hãy ăn một cái kẹo là thấy đỡ buồn ngay.” Katrin Sperling, cô giao của Tilda, nhớ lại điều mình nói với các em ở trại.
Cảnh các em bé chơi đùa bên hồ nước.
Mặc dù sự an toàn chắc chắn là mối ưu tiên của các thầy cô, nhưng họ không giám sát chặt chẽ các em như ở nhiều trường mẫu giáo các nước khác.
Nhóm của Tilda cắm trại trên một hòn đảo, và hầu như toàn bộ các em – mới 4 đến 5 tuổi – đều không biết bơi. Một số nhóm khác thì được phát bộ dao Quân đội Thụy Sĩ để đẽo gọt gỗ, và có vài em cũng cắt phải tay.
Cô Henrieke, có con gái 4 tuổi cũng tham gia chuyến đi, nhớ lại: “Nhiều phụ huynh tỏ ra không hài lòng về chuyện đó.”
Phụ huynh bị cấm không được gọi điện thoại đến trường trong suốt chuyến đi.
Cô Sperling kể lại khi 2 bà mẹ lo lắng gọi đến trước khi chuyến đi diễn ra, cô đã nói với họ: “Chỉ khi thực sự cần thiết, chúng tôi sẽ gọi đến các vị.”
Bốn ngày một lần, bố mẹ các em sẽ chỉ nhận 3 tin nhắn, một trong số đó có thể rất ngắn gọn như: “Bọn con đã đến nơi.”
Ở một đất nước đầy luật lệ như Đức, trẻ em lại lớn lên trong môi trường khá tự do.
Các em nhỏ mới 5 tuổi có thể đi thăm các tiệm bánh địa phương một mình vào thứ 7, hay tự giải quyết mâu thuẫn với nhau tại sân chơi, và thường xuyên chơi với nhau mà không có giám sát từ thầy cô giáo.
Hầu hết người dân Đức thấy việc cho phép các em mẫu giáo đi vào rừng một vài đêm không phải là điều quá nguy hiểm. Một số phụ huynh còn cho rằng, nó còn mang lại nhiều lợi ích khác.
Cô Basket, một bà mẹ đến từ Berlin có một người chồng làm DJ nói: “Bạn và người bạn đời có thể trở lại hồi mới yêu trong vài ngày. Đối với chúng tôi, điều đó quá tuyệt!”
Trong khi con gái đang vật lộn ở trong rừng, cô có thể đến Hamburg để tham dự buổi biểu diễn của chồng.
Buổi cắm trại này là ý tưởng của Friedrich Fröbel, một nhà giáo dục ở thế kỷ 19, cũng là người sáng tạo ra khái niệm “trường mẫu giáo”. Ông tin rằng trẻ em nên chơi đùa thoải mái ngoài thiên nhiên và học hỏi từ kinh nghiệm có được mỗi ngày.
Chuyến đi đã dạy cho các em biết trở nên “trách nhiệm hơn không chỉ với bản thân mà còn với các bạn khác”, theo như lời của Yvonne Anders, hiệu trưởng một trường mầm non tại đại học Free University, Berlin.
Bà nói: “Nếu một em thấy nhớ bố mẹ, các em khác sẽ dỗ dành và chăm sóc em đó. Hoặc, các em sẽ giúp đỡ nhau mặc quần áo.”
Một vài người cho rằng những chuyến đi như thế này có hiệu quả hơn cách dạy con ở các nước khác. Cô Christiane Dittrich, hiêu trưởng một trường mẫu giáo ở Béc-lin nói:
“Phụ huynh ngày nay không tin tưởng các em, nhưng không biết rằng chúng có thể làm được nhiều thứ hơn là họ nghĩ.”
Dù vậy, không phải người Đức nào cũng ủng hộ việc đưa trẻ em vào rừng một mình và ở một số nơi trên nước Đức, điều này không hề phổ biến. Những người mới đến Berlin, nơi những chuyến đi kiểu này được áp dụng rộng rãi, thường thấy sốc và không quen.
Lena Altman, một người dân gốc Düsseldorf mới chuyển đến Berlin sau khi định cư ở Mỹ một thời gian, cảm thấy nghi ngại trước chính sách này.
Cô nói: “Tôi đến từ một nơi có lối nuôi dạy con theo kiểu giám sát chặt chẽ nên thấy việc này thật quá sức.”
Dù vậy, đứa con trai lên 6 của cô đã có 2 chuyến đi xa như vậy rồi. Bé còn nói với cô là bé rất thích chuyến đi vừa qua và mong nó kéo dài hơn nữa.
Một bà mẹ đến từ Berlin khác cũng trăn trở rất nhiều khi đưa đứa con mới 2 tuổi đi một chuyến dài 3 đêm vào năm 2012.
Con gái cô, lúc đó vẫn quấn tã, đã học cách cho ngỗng ăn và hái dâu rừng, hay chơi đùa với đất bùn quanh hồ nước.
Dù vậy, cô bé đã thấy rất nhớ nhà nên bật khóc và đến đêm thứ hai thì bò vào giường cô giáo giám sát. Tất nhiên, cô giáo không gọi điện cho phụ huynh về điều đó.
Còn bé Tilda Geyer thì lại trở về trong tâm trạng rất phấn khởi và vui vẻ, dù mệt lả. Bé đã được một giấy chứng nhận từ thầy cô giáo, khen ngợi “sự dũng cảm, sự kiên trì và tài trí” của mình.
Romy, cô bé tham gia cắm trại, đã trở nên “người lớn” hơn và “cực kì tự tin” sau chuyến đi, theo lời kể của mẹ Margot Schwindenhammer. Romy khoe rằng mình chẳng còn cần đến con gấu bông Susie nữa.
“Susie ngủ rất ngoan trong vali của cháu”, cô bé nói. Katharina Hübner-Köhn, hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở Berlin, đã cho 4 học sinh mới 3 tuổi đi cắm trại tại nông thôn trong 2 ngày ở ngoại ô Berlin. Các cháu vẫn còn đóng bỉm và ngậm núm vú giả.
Tuy nhiên, một khi đã ở ngoài trang trại, các cháu chẳng có thời gian để nhớ đến mẹ. Tất cả 15 em đều phải làm việc như lau dọn bàn, phơi cỏ khô, hay cho lợn gà ăn.
Cô Hübner-Köhn kể lại, những cháu nhỏ nhất thì hay bị mệt và ngủ gục luôn trong chuồng.
“Không có cháu nào nhớ nhà cả”, cô nói. “Các cháu ngủ tốt, chơi nhiều, và chẳng hề đòi về nhà”.
THEO DULICHDUC.DE