Sông Mê Kông là con sông lớn thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.
Lưu vực của sông Mê Kông rộng khoảng 795.000 km² (theo số liệu của Ủy ban sông Mê Kông) với một số dân khoảng 80 triệu người. Sông Mê Kông có một ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển kinh tế, địa lý, bảo vệ môi trường và giao thông tại các nước con sông này chảy qua.
Với mục đích nhằm thúc đẩy, phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và an sinh của cộng đồng bằng cách triển khai thực hiện những hoạt động và chương trình chiến lược, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách, Ủy hội sông Mê Kông ra đời với tên gọi Ủy ban Mê Kông vào năm 1957, và trở thành Ủy ban Lâm thời về điều phối nghiên cứu hạ lưu lưu vực sông Mê Kông vào năm 1978.
Năm 1995, bốn quốc gia có chung hạ lưu lưu vực sông Mê Kông ký Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông, và từ đó lập ra Ủy hội sông Mê Kông (tiếng Anh là Mekong River Commission – MRC).
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết các nhà khoa học đã tìm kiếm được ở sông Mê Kông các sinh vật hiếm và có giá trị như cá úc, cá trê, cá đuối gai độc khổng lồ, cá nhái răng nhọn, cá chép lớn, cá tầm và cá hồi ăn thịt – các loài cá này có thể nặng tới hơn 90 kg và dài hơn 1,80 mét.
Đặc biệt, sông Mê Kông còn có các loài cá chiên và cá lăng quý hiếm, chưa kể đến cá hô và cá chép khổng lồ, dịch vụ du lịch câu cá vì thế rất phát triển ở đây. Khu vực sông Mê Kông cũng là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Cộng hòa Liên bang Đức.
Từ năm 1999, theo chu kỳ hai năm một lần, Lễ hội các nước Mê Kông (Mekong-Ländertag) đã trở thành truyền thống tốt đẹp tại Berlin. Để tiếp tục truyền thống này, năm nay các đơn vị đồng tổ chức là Hội Đức-Việt, Hội Đức-Lào, Hội Đức-Thái, Hội nghiên cứu văn hóa Căm pu chia, Dự án Burma và Trường Cao đẳng cộng đồng Tempelhof-Schöneberg cũng như Công ty TNHH Global đã tổ chức Lễ hội các nước Mê Kông vào ngày 08.09.2013 tại trụ sở của Trường Cao đẳng cộng đồng Tempelhof-Schöneberg.
Khai mạc Lễ hội các nước Mê Kông, bà Jutta Kaddatz, Phó Quận trưởng Quận Tempelhof-Schöneberg của Berlin, phụ trách về giáo dục, văn hóa và thể thao đã phát biểu đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị tổ chức và ý nghĩa to lớn của Lễ hội này. Bà cũng bày tỏ mối quan tâm tới việc tăng cường hợp tác giữa Đức với các nước Mê Kông trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.
Tới dự buổi khai mạc Lễ hội còn có ông Bùi Ngọc Toàn, Tham tán công sứ và bà Chu Thị Thu Phương, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, ông Wieland, nguyên Đại sứ CHLB Đức tại Lào cùng nhiều đại diện của Đại sứ quán các nước trong khu vực sông Mê Kông, đại diện các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tại Berlin và nhiều bạn bè Đức và quốc tế.
Khách tới tham dự Ngày hội các nước tiểu vùng sông Mekong còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc của các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Lễ hội đã cung cấp cho các đại biểu tham dự cũng như đông đảo khán giả của thủ đô Berlin những thông tin phong phú và bổ ích gồm cả một loạt chương trình đa dạng giới thiệu về các nước Trung quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Căm pu chia và Việt Nam như thuyết trình, chiếu phim, triển lãm ảnh, quảng cáo du lịch, giới thiệu ngôn ngữ cũng như chương trình văn nghệ đậm màu sắc dân tộc.
Trong chương trình văn nghệ chung, Câu lạc bộ Văn nghệ tháng 10 (VN10CLUB) – một Câu lạc bộ nghệ thuật non trẻ của những người Việt Nam đam mê và hâm mộ nghệ thuật tại Berlin – theo đề nghị của Ban tổ chức - đã thể hiện vai trò chủ đạo của mình trong toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện chương trình văn nghệ.
Câu lạc bộ Văn nghệ tháng 10 được thành lập tại Berlin vào tháng 10 năm 2011 và từ tháng 3 năm 2013 đã trở thành hội viên chính thức của Hội Đức-Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Mở màn chương trình văn nghệ chung của Lễ hội các nước Mê Kông, bằng điệu múa „Việt Nam quê hương tôi“, trong bộ áo dài thướt tha và kiều diễm các diễn viên múa của VN10CLUB đã để lại trong đông đảo khán giả tham dự Lễ hội một hình ảnh đẹp và đầy ấn tượng về những cô gái Việt Nam nói riêng và về đất nước, con người Việt Nam nói chung .
Bên cạnh những điệu múa dân tộc của Thái Lan, Lào và Căm pu chia, Câu lạc bộ Văn nghệ tháng 10 cũng đã giới thiệu với khán giả Lễ hội một loạt những làn điệu dân ca Việt Nam qua các điệu múa „Những cô gái trên Quê hương Quan họ“, điệu múa Khèn và Ô, múa „Trống cơm“, độc tấu đàn bầu „Bèo dạt mây trôi“ và những ca khúc Việt Nam.
Qua những tiết mục nhệ thuật đã được tập luyện công phu để chuẩn bị cho Lễ hội các nước Mê Kông, tập thể nghệ sĩ VN10CLUB đã giới thiệu cho khán giả Đức và quốc tế một số nét về truyền thống văn hóa - nghệ thuật của Việt Nam, đặc biệt là quảng bá về Dân ca Quan họ Bắc Ninh – di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Bế mạc Lễ hội khi mặt trời đã lặn từ lâu, chia tay với Câu lạc bộ Văn nghệ tháng 10, Ban tổ chức Lễ hội và nhiều khán giả còn lưu luyến phát biểu rằng, "Tiếc vì thời gian ngắn quá nên phần văn nghệ cũng bị hạn chế chứ chúng tôi còn muốn xem thêm nhiều tiết mục của Việt Nam. Hẹn gặp các Bạn tại đây vào dịp này hai năm tới nhé!".
Theo Tạp chí Quê hương.