Trong giờ phút sinh tử giữa rừng sâu rét cắt da cắt thịt để đến nước Anh, việc duy nhất H. có thể làm là cầu nguyện.
H. từng vay mượn 17 nghìn USD để hy vọng đến nước Anh với mong ước đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo khó.
5 năm kể từ ngày nói lời tạm biệt gia đình, đến nay anh vẫn chưa 1 lần đặt chân đến Anh mà vẫn phải quẩn quanh ở Pháp.
Hành trình vượt biên của H. bắt đầu từ một buổi sáng nước Nga vào đông, tuyết rơi và băng giá khiến anh tê buốt. Để đến được Anh, phải băng rừng sang Ba Lan, rồi qua Đức, Pháp.
Một chuyến vượt biên từ Nga sang Ba Lan. Ảnh do nhân vật cung cấp
“Hành trình của tôi khá dài. Từ Việt Nam phải làm visa du lịch đi sang Nga, sau đó đi theo hướng dẫn của dịch vụ. Họ nói đây là dịch vụ trọn gói đến Anh.
Đến Nga, tôi và 4 người Việt khác phải chờ 2 tháng để được sắp xếp vượt biên, cùng với 1 người dẫn đường”, H. kể.
“Ban đầu, họ nói chỉ đi hết 1 ngày là đến, nhưng rồi kế hoạch thay đổi, chúng tôi phải băng rừng ròng rã 4 ngày trong giá lạnh, mưa. Vì không biết tiếng Nga nên họ chỉ đi đâu là tôi đi đó”, lời anh H.
Hành lý mà H. mang theo là 2 bộ quần áo mùa đông, lương khô, mì tôm và một ít bánh mì cùng 1,5 lít nước.
Theo H,: “Số lương thực và nước mang theo chỉ đủ cho 2 ngày, nhưng đến ngày thứ 3, thứ 4 vẫn chưa kết thúc chuyến đi nên cả đoàn rất lo lắng.
Tôi nhớ hôm đó là tối ngày thứ 3 trong chuyến hành trình, cả đoàn không ai còn giọt nước nào, khi thấy giữa rừng có cây bụi trên lá còn đọng sương, chúng tôi lấy áo thun thấm và vắt ra để lấy nước uống”.
Căn phòng của H. ở Pháp. Ảnh do nhân vật cung cấp
Theo H., đói, khát họ có thể vượt qua, nhưng vật lộn với cái giá lạnh cộng với mưa rừng mới là khủng khiếp. Đã có lúc anh nghĩ đến cái chết đau đớn và tuyệt vọng.
“Đến giờ, cảm giác giá lạnh của những ngày băng rừng vẫn đeo bám tôi với sự ám ảnh tột cùng. Đêm xuống, rét như cắt da, cắt thịt, có lúc tôi tưởng như không thể chịu nổi.
Khi ấy chỉ mong thấy 1 nhà dân, hoặc đồn biên phòng thì chấp nhận bị bắt với hi vọng duy nhất - sống sót. Rồi mấy anh em người Việt nằm lại cạnh nhau, co ro”, anh H. nói.
Trong giờ phút đứng giữa lằn ranh sinh tử ấy, việc duy nhất H. có thể làm là cầu nguyện, xin Chúa và Đức Mẹ chở che, tiếp thêm động lực để vượt qua.
“Lúc ấy nhớ nhất về gia đình, cha mẹ, nghĩ nếu mình chết thì gia đình sẽ mang nợ. Cha mẹ không thể nào chi trả được khoản nợ đó nên tôi càng gồng lên để sống”, H. trải lòng.
Làm thợ xây ở Pháp trả món nợ đi Anh
Kết thúc hành trình 4 ngày băng rừng trong giá lạnh, H. đặt chân đến Ba Lan, tại đây anh được đưa vào một nhà kho rồi nhập đoàn với 4-5 người khác đi cùng đến nước Đức.
Thế rồi mọi con đường dẫn sang Anh bị chặn lại khi mọi cố gắng vượt biên đều thất bại. Chán nản, mệt mỏi và không còn lựa chọn khác với món nợ quê nhà, H. quyết định ở Pháp làm nghề xây dựng.
“Ở Pháp, 2 công việc chính có thể làm là xây dựng và làm nail (sơn móng tay, chân). Nam giới đa phần chọn việc xây dựng dù bấp bênh, không đều việc. Đã mất 2 năm lang bạt, tôi không thể mất thêm thời gian để học nghề nữa nên phải lao động chân tay trước để chi trả tiền nhà, tiền ăn ở sinh hoạt”, anh kể.
H. trong một lần đón tết ở Pháp. Ảnh do nhân vật cung cấp
H. cho hay công việc xây dựng ở Pháp đòi hỏi mỗi người thợ phải biết rất nhiều việc. Từ việc ốp trần thạch cao đến làm hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, bảng điện.
“Ở Pháp 3 năm, tôi làm thường xuyên, tay nghề cao hơn nên lượng việc cũng đều tay. Những ai mới vào thì phải mất ít nhất nửa năm làm quen mới có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của những ông chủ người Pháp.
Nói về bước ngoặt ở lại Pháp, H. ngậm ngùi: “Từ đầu vẫn mong muốn được đến Anh, nhưng rồi cuộc sống không như mong muốn, tôi vẫn phải sống với áp lực trả món nợ 17 nghìn USD khi đi Anh. Thu nhập ở đây dao động từ 20-30 triệu/tháng, tôi gửi về quê một phần để trả nợ”.
Năm 2018, anh H. đã trả gần hết nợ nần và tích cóp một khoản để chờ một ngày sẽ đầu tư làm ăn tại quê hương.
“Nói thật, bây giờ tôi chưa để dành được nhiều, không biết bao giờ mới về được. Mấy năm đi nước ngoài về mà không có gì trong tay cũng rất hổ thẹn, sợ lại làm gánh nặng cho gia đình, tôi tự nhủ phải thành công thì mới về”, H. nói.
Ông Q. (bố anh H.) cho biết, H. đi làm ở châu Âu mấy năm nay. Ngày đi, gia đình vay toàn bộ tiền cho H., đến nay còn chưa trả hết.
“Thời điểm đó con thích đi là cứ đi, mình không cản được nó. Giờ chỉ mong nó kiếm được ít vốn về quê sớm, lấy vợ sinh con là tôi vui”, ông Q. chia sẻ.
Anh P. trả lời phỏng vấn từ nước Pháp
Không riêng H., nhiều người Việt khác ở Pháp cũng đang làm lụng ngày đêm để trả món nợ đi Anh thất bại của mình.
P. (28 tuổi, Nghệ An) bỏ ra 22 nghìn USD để có 1 chuyến bay sang Pháp với hi vọng đến được Anh. Nhưng rồi anh cũng bị rớt lại ở đây và chấp nhận làm thợ xây để trả nợ.
“Trước lúc đi, tôi nghe đồn là ở Anh, Pháp sẽ kiếm được 70-80 triệu mỗi tháng, nhưng thực tế thì ngược lại. Những ngày đầu áp lực khủng khiếp khi mỗi ngày trôi qua mà không có việc làm”, P. kể.
P. sang Pháp từ năm 2018, đến nay mới chỉ gửi về nhà 5 nghìn USD để trang trải tiền lãi ngân hàng, và trả một phần nợ gốc.
Câu chuyện của anh H. và P. là điển hình cho những lao động người Việt kém may mắn trên hành trình đến với nước Anh.
Theo những gì họ chia sẻ, vì bị đặt vào thế không có lựa chọn nên đành “đâm lao phải theo lao”.
Đ.Bổng - Q.Huy - Đ.Hiếu - P.Tâm
Nguồn: Vietnamnet