Một cửa hàng bán hàng Tết của người Việt Nam ở Đức.
Chị Hường vừa với tay bật sáng vồng đèn Noel trên bậu cửa sổ vừa nói: "Mãi năm nay nhà tôi mới thắp đèn Noel ở cửa sổ như thế này đấy. Tết của người ta chứ có phải của mình đâu mà vui". Lời bộc bạch của chị mô tả tâm trạng của người Việt Nam ở Đức đối với lễ Noel.
"Mấy năm nay đứa con đã lớn, đi học trường Đức nên cứ hỏi sao nhà mình không thắp đèn Noel như nhà các bạn, rồi còn đòi làm cây thông Noel nữa", chị kể tiếp.
Lễ Noel tuy bắt nguồn từ đạo Thiên chúa nhưng từ ngàn đời nay đã trở thành ngày lễ dân gian quan trọng nhất trong năm đối với người Đức nói riêng và người châu Âu nói chung. Phong tục tập quán cũng như truyền thống văn hoá của người châu Âu có một khởi nguồn rất lớn từ những sự tích và truyền thuyết của đạo Thiên chúa và hai cái đó đã quyện với nhau làm một mang đến cho ngày lễ Noel một không khí vừa thiêng liêng vừa vui vẻ ấm cúng.
Thế nhưng đối với người Việt Nam ở Đức thì lễ Noel vẫn còn là một cái gì đó xa lạ, dường như họ chưa thể "hội nhập“ được hoàn toàn cái ý nghĩa của ngày lễ trọng đại này cũng như không thể háo hức theo cái không khí tưng bừng của người dân Đức khi thấy họ tấp nập mua bán và chuẩn bị cho ngày lễ Noel.
Noel đối với phần lớn người Việt Nam ở Đức thường là một dịp để tranh thủ "kiếm thêm“, vào dịp này người Đức thường nghỉ phép từ trước Noel vài ngày cho đến hết tết dương lịch nên nhiều chỗ làm bị bỏ trống, họ cần nhân công bổ sung và các cô cậu sinh viên là nguồn nhân lực chính cho những nơi như vậy. Còn đối với người Việt Nam tự buôn bán thì đây là "tháng củ mật“ vì dân Đức cũng phải mua sắm rất nhiều y như dân mình ở Việt Nam mua sắm trước ngày tết Nguyên đán. Thành ra ngày 24/12 từ lâu đã trở thành ngày "cuối năm" rất đặc biệt đối với những người Việt Nam làm ăn tự do ở Đức.
Đến trưa ngày 24/12, khi tất cả các cửa hàng của Đức đóng của thì những người Việt Nam cũng dọn hàng. Họ thở phào nhẹ nhõm vì đã hết một năm vất vả làm ăn. Khu giao hàng bán buôn của người Việt bắt đầu tấp nập, đến lúc này người ta mới có chút thảnh thơi để đi mua bán và trả lại hàng ký gửi cho các chủ buôn - cũng là người Việt Nam - và để gặp nhau mà bàn về chuyện tết nhất.
Noel cũng là dịp để người Việt Nam ở Đức có điều kiện đi lại thăm hỏi lẫn nhau. Phần lớn người buôn bán nghỉ chợ nên những chuyến đi xa hàng trăm km thăm nhau bằng ô tô tự lái đã trở thành quen thuộc. Cả năm lúc nào cũng gọi điện cho nhau rằng: "Thôi để Vai-nách chúng tớ đến" (Vai-nach = Weihnacht, Noel trong tiếng Đức), hứa hẹn mãi rồi cũng phải thực hiện chứ.
Đến dịp Noel, các hội đoàn của người Việt ở Đức cũng tranh thủ tổ chức các buổi sinh hoạt và gặp gỡ. Anh Trần Hoàng Hải, cộng tác viên đài truyền hình VTV 4 cho biết, bắt đầu từ ngày 22/12, lịch làm việc của anh đã kín mít: nào là Hội Cựu chiến binh Magdeburg họp mặt, Hội người Việt ở Brandenburg liên hoan cuối năm, Hội đồng hương Hà Nam Ninh tổng kết công tác quyên góp để giúp đỡ bà con tỉnh nhà bị thiệt hại vì cơn bão số 7 vừa qua. Chỉ có thể tổ chức các hoạt động như vậy một cách tốt nhất vào dịp Noel vì mọi người mới có nhiều thời gian rỗi, mới có được đông người đến dự nhất và không ai phải lo về sớm để ngày mai còn đi bán hàng cả.
Khác với ở Việt Nam, đêm Noel ở Đức lại là đêm im lìm và vắng lặng nhất trong năm. Ngoài đường gần như không một bóng người, vào lúc này người Đức chỉ "ăn tết“ với nhau trong phạm vi gia đình và cũng giống như ở ta, con cháu kéo về nhà bố mẹ, ông bà để đoàn tụ sau một năm xa cách.
Ông Nguyễn Trọng Bùi, tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu hàng dệt may Saigonmex tổ chức cưới cho cô con gái út vào đúng tối Noel 24/12 năm nay. Người đến dự đông nghịt nhưng rất ít người Đức vì đêm Noel là đêm của "Gia đình“, họ ít đi ra khỏi nhà. Đám cưới được tổ chức tại một quán ăn của Đức, lại vào đúng đêm Noel, đó là một điều khác thường vì đêm nay gần như tất cả các hiệu ăn của Đức đóng cửa. Ông Bùi cho biết: "Cứ money nhiều vào là họ làm hết". Thì ra xã hội nào cũng thế, vẫn có kẻ giàu người nghèo và tết với người nghèo vẫn là dịp để kiếm thêm tiền.
Chiều 24/12, vào "chợ Việt Nam“ - các cửa hàng bán đồ ăn châu Á - đã thấy ngồn ngộn những chồng bánh chưng bày bán. Mọi người mới sực nhớ ra là tết nguyên đán của ta cũng sắp tới rồi. Người lo xa thì đã đặt vé từ trước để ngay sau Noel là có thể bay về Việt Nam nghỉ phép, người đến lúc rảnh rỗi mới nhớ về quê hương thì chịu chết không thể nào kiếm nổi tấm vé máy bay vào dịp cuối năm khi mà thời gian đã quá gấp gáp.
Những người xa quê là những người bị thiệt thòi nhiều nhất về văn hoá và tinh thần, khi mà Noel thì chưa thể hội nhập được mà tết ta thì chẳng có điều kiện và không có không khí tết nhất. Cũng may là còn có bánh chưng và những hộp mứt tết từ nhà đưa sang, mang đến cho mọi người một chút hơi ấm quê hương giữa những ngày băng tuyết trắng xoá ở nơi xứ người.
Minh Trang