Giáo dục ở Đức lâu nay được đánh giá là có tính ổn định cao và tiên tiến nhất nhì thế giới. Chính vì thế mà nhiều bố mẹ Việt có mong muốn con cái mình được sống và hưởng trọn nền giáo dục đó. Vậy nhưng thực chất, sự tiên tiến nhất nhì thế giới đó được thể hiện như thế nào?
Chị Trương Huyền Nga (30 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức đã gần 10 năm nay, là mẹ của 4 em bé, lần lượt tên Lê Hoàng, Lê Huy, Lê Minh và Lê Vy. Hiện bé Hoàng và Huy đang theo học ở trường tiểu học tại Đức, bà mẹ gốc Việt sẽ chia sẻ những thông tin thú vị về tiểu học ở Đức.
Chị Huyền Nga mong các con sẽ được hưởng nền giáo dục tốt nhất.
Đã có 2 con trai lớn hiện đang học tiểu học ở Đức, chắc chị vẫn không thể quên ngày đầu con vào lớp 1 tại đây?
Chắc chắn rồi. Cũng như ở Việt Nam, tại Đức khi trẻ lên 6 tuổi, bố mẹ sẽ dắt con đến trường tiểu học. Tùy thuộc vào mỗi thành phố và mỗi bang mà ngày khai giảng có sự chênh lệch. Ví dụ như ở Hamburg là ngày 5/9, còn ở Berlin lại là ngày 9/9. Ngày khai giảng đối với những em bé bắt đầu bước vào lớp 1 là hết sức ý nghĩa, người Đức cũng rất chú trọng ngày này. Bởi họ quan niệm đó là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời của một người đi học.
Để chuẩn bị cho ngày này, mình cũng như bao người mẹ khác, lo cho con các đồ dùng học tập, cặp sách, quần áo và nhiều thứ khác nữa. Còn các con cũng đón nhận ngày đó với cảm xúc vừa vui mừng, vừa hồi hộp lo sợ, vừa thấp thỏm mong chờ.
Vào ngày khai giảng các bé sẽ được diện lễ phục. Cả nhà cũng được mời tới tham dự chương trình ca nhạc do các bé, anh chị lớp trên biểu diễn. Khi ấy, các con sẽ nhận bạn, nhận lớp và nhận thầy cô mới.
Có điều gì trong ngày khai giảng ở Đức khiến chị ngạc nhiên?
Khác với Việt Nam, vào ngày khai giảng ở Đức có một phong tục rất đặc biệt, đó là tặng túi kẹo cho các con. Túi kẹo hay còn gọi là túi mừng đi học, có hình ốc quế to. Trong đó có thể chứa đựng gấu bông, đồ dùng học tập và một số thứ khác cho bé gái hay cũng có thể là một con robot, một quả bóng, bút chì màu và sách tô màu cho bé trai. Nhưng chỉ đến sau ngày khai giảng các bé mới được xem và mang ra dùng.
Con trai chị Huyền Nga với túi kẹo hình ốc quế truyền thống.
Ngày khai giảng, mỗi bé đều sẽ được nhận một túi kẹo như vậy.
Ý nghĩa của việc tặng túi kẹo cho con là biểu tượng gắn liền với lời chúc mong các con học tập giỏi của gia đình và nhà trường dành cho bé.
Khi có con nhỏ chuẩn bị bước vào lớp một, chị có cho con đi học để biết đọc, biết viết trước không?
Chuyện cho con đi học trước khi vào lớp một có lẽ là việc làm thông dụng mà nhiều bố mẹ Việt Nam đang áp dụng cho con mình, vì sợ rằng con sẽ không theo kịp chương trình học hay sợ con sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Song lại hoàn toàn khác xa so với ở Đức. Tất cả trẻ em ở Đức được vui chơi thoải mái trước ngày đi học. Điều bố mẹ lưu ý nhất đó chính là không ép buộc con phải học hành quá nặng, việc học cũng xem như việc chơi và ngược lại.
Cùng lúc nuôi 4 con đang tuổi ăn tuổi lớn, chị có gặp phải áp lực với chuyện học phí ở nước ngoài?
Thực sự thì mọi trẻ em Đức khi đến tuổi đều bắt buộc phải đến trường và tuyệt nhiên sẽ được miễn học phí. Đó là quy định chung ở Đức khi con học ở trường công lập. Vì thế khi có con đi học tiểu học, gia đình không cần phải lo lắng về học phí. Ngược lại, nếu bố mẹ không cho con đến trường khi đủ tuổi thì có thể sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Vậy còn việc đưa đón bé đi học thì sao?
Hằng ngày, bé nhà mình được gửi ở trường từ 8 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Trong trường hợp bố mẹ đi làm cả ngày thì sẽ gửi bán trú từ 8 giờ sáng đến 18 giờ tối. Và ở Đức, thường mỗi khu nơi mình sinh sống đều có trường học ở các cấp bậc, từ mầm non cho đến cấp 3, nên việc đưa đón con đi học và học về mỗi ngày vô cùng thuận tiện.
Các con chị Huyền Nga khi bắt đầu vào lớp một được trang bị tinh thần thoải mái và không phải chịu sự áp lực nào cả từ việc học hành.
Nhiều người tò mò về chương trình tiểu học tại Đức. Ở lớp học, các bé sẽ được học và dạy những gì?
Giáo dục tiểu học bao gồm các môn: tiếng Đức, tiếng Anh, Toán, môn học sự vật (Sachunterricht), nghệ thuật, âm nhạc và thể thao. Mới đầu thì các con sẽ được cô giáo dạy các học chữ, học các con số và học cách tô màu… Ngoài phải học kiến thức ra thì nhà trường và các thầy cô giáo còn rèn luyện cho các con kỹ năng sống. Các con sẽ được học cách ứng xử với bố mẹ, thầy cô, bạn bè; được rèn luyện lòng tin và sự dạn dĩ khi phát biểu trước đám đông.
Hơn nữa, cô giáo của bọn trẻ cũng đã căn dặn: Bài tập về nhà cô giao chỉ đúng 20 phút làm bài không hơn không kém. Nếu bố mẹ có muốn ép con làm thêm cũng không được. Điều đặc biệt hơn nữa là các con tự do thoải mái cầm bút theo ý thích của mình, không nhất thiết là tay phải và chữ viết không cần phải đẹp hay quá nắn nót.
Giao bài tập về nhà chỉ 20 phút, bố mẹ ép thêm cũng không được,…chị làm gì để có thể nắm bắt được tình hình học tập của con?
Cứ 3 hay 4 tháng một lần, cô giáo sẽ gặp riêng và trao đổi với phụ huynh về cách học tập cũng như các điểm số. Và với học sinh ở Đức, sẽ không ai biết điểm số của học sinh trừ cô giáo và phụ huynh học sinh.
Mình nghĩ điều này cũng rất tốt, bởi nếu điểm số được công khai ra ngoài, có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm nếu như điểm số con không bằng bạn bè. Sau đó thì gia đình và nhà trường có thể phối hợp với nhau để giúp con tiến bộ hơn mà không phải chịu bất kỳ áp lực hay sự tổn thương nào cả.
Những chuyến đi dã ngoại, những buổi học ngoại khóa giúp con tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên đất nước.
Có con đang học trong môi trường giáo dục tại Đức, điều gì khiến chị cảm thấy an tâm nhất?
Có lẽ đó chính là các con được sống trong môi trường đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần. Nhà trường cũng như thầy cô giáo luôn tạo điều tiện để các con có thể học tập tốt và phát huy hết những khả năng mà mình có được.
Nhất là khi các con là người Việt Nam, sống và học tập tại Đức thì đều không có bất kỳ một sự phân biệt hay kỳ thị gì cả. Mình có thể khẳng định điều đó. Tại đây, không chỉ có các bạn Việt Nam, các bạn Đức mà còn nhiều bạn đến từ nhiều đất nước khác như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước châu Phi. Song tất cả đều được sống trong một môi trường tập thể luôn hòa đồng và giúp đỡ lẫn nhau. Theo mình, có lẽ đó cũng chính là đặc trưng nổi bật của nền giáo dục Đức, sự bình đẳng giữa các học sinh với nhau.
Sự bình đẳng, chính là điều khiến chị Huyền Nga an tâm nhất khi có con học tập và sinh sống tại Đức.
Giáo dục ở Đức nghe có vẻ lý tưởng, vậy còn gì để chị lo lắng không?
Có chứ. Vì khi đi học, ở trường, ra đường các con phải nói tiếng Đức hoàn toàn nên mình cũng lo sợ là con sẽ quên đi tiếng Việt một phần nào đó. Với vai trò là một người mẹ, mình không cho phép điều đó xảy ra, hằng ngày về nhà thì mẹ con đều nói chuyện bằng tiếng Việt và luôn nhắc nhở con phải luôn ghi nhớ.
Rất cảm ơn chị Huyền Nga về những chia sẻ này!
Nguồn: Minh Hạ
Ảnh: NVCC (Khám Phá)